"Lãnh đạo Tân Hiệp Phát nên từ chức!"

Hoàng Nguyên Vũ (ghi) |

"Giải pháp để xử lý nguy cơ này, có lẽ những người lãnh đạo cao nhất của Tân Hiệp Phát nên từ chức. Họ nên xin lỗi cán bộ công nhân viên, khách hàng, đối tác và NTD".

Trong những ngày qua, dư luận ồn ào vụ con ruồi có liên quan đến Tân Hiệp Phát. Nhiều người tiêu dùng, đại lý nước giải khát và cả doanh nghiệp, địa phương đã tuyên bố tẩy chay sản phẩm Tân Hiệp Phát.

Tôi có tìm hiểu xem tình hình kinh doanh hiện nay của các công ty nước giải khát như thế nào, đặc biệt là vào mùa cao điểm như hiện nay.

Câu trả lời là các công ty nước giải khát nước ngoài đang sản xuất và phân phối hàng ồ ạt trong khi Tân Hiệp Phát cầm chừng. Hậu quả quá khắc nghiệt với Tân Hiệp Phát.


Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh, hiện là Tổng Giám đốc Công ty Alpha Book

Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh, hiện là Tổng Giám đốc Công ty Alpha Book

Tôi không phán xét đúng sai trong hành xử của Tân Hiệp Phát trước đó. Là một người điều hành doanh nghiệp, tôi trăn trở với câu hỏi:

Nếu ngày hôm nay, tôi ở vào vào vị trí của người lãnh đạo có quyền quyết định cao nhất của Tân Hiệp Phát, tôi sẽ phải làm gì?

Để biết mình phải làm gì, cần phải hiểu rõ, Tân Hiệp Phát đang đối diện với những nguy cơ nào?

Thay người xứng đáng để xử lý hậu quả

Nguy cơ đầu tiên: khách hàng tuyên bố tẩy chay sản phẩm Tân Hiệp phát vì vấn đề đạo đức kinh doanh.

Cộng đồng nhìn Tân Hiệp Phát như một “ông kẹ” với sức mạnh kim tiền, đã đẩy người tiêu dùng yếu thế hơn mình về mọi mặt vào tù, khi họ phát hiện ra các sản phẩm có lỗi và muốn Tân Hiệp Phát mua lại.

Theo quan điểm của tôi, vụ việc hoàn toàn là dân sự. Người khách hàng sở hữu những chai nước có vấn đề, họ có quyền bán lại cho Tân Hiệp Phát. Đó là quyền của họ.

Cũng chẳng ai phán xét được giá trị của những chai nước kia là bao nhiêu vì bạn có thể mua một món đồ đặc biệt với giá cao ngất ngưởng, chẳng hạn.

Những chai nước ấy, là những món đồ đặc biệt của họ.

Tân Hiệp Phát biết thừa việc này. Và cuối cùng là gì, một vụ việc dân sự, chợt trở thành hình sự.

Người dân yếu thế, không hiểu pháp luật, nếu không tỉnh táo, rất dễ đẩy mình từ nguyên đơn trong một vụ dân sự, thành bị cáo trong một vụ hình sự.

Thế nên, cộng đồng không đồng tình với cách hành xử của ban lãnh đạo doanh nghiệp và tất yếu là ghét những người đứng đầu doanh nghiệp. Đó là thái độ của đám đông. Đám đông không sai.

Như vậy, giải pháp để xử lý nguy cơ này, có lẽ những người lãnh đạo cao nhất của Tân Hiệp Phát nên… từ chức.

Họ nên thành thật xin lỗi cán bộ công nhân viên, các khách hàng, các đối tác và người tiêu dùng vì đã không làm tốt công việc của mình, đã có những quyết định – hành động sai.

Điều đó dẫn đến một doanh nghiệp đang giữ hơn 20% thị trường nước giải khát, là một doanh nghiệp từng là niềm tự hào và được công nhận là thương hiệu quốc gia, phải đứng trước việc cả cộng đồng tẩy chay và đối diện nguy cơ phá sản.

Đồng thời, những cổ đông công ty nên mời một hoặc vài người có uy tín trong xã hội (đặc biệt là có uy tín về đạo đức, hoạt động xã hội) tham gia vào ban lãnh đạo công ty.

Họ sẽ thay mặt công ty để thực hiện tiếp các công việc cần làm: gửi văn bản cho cơ quan chức năng đề nghị phúc thẩm vụ án theo hướng xem xét giảm nhẹ hình phạt cho anh Võ Văn Minh.

Đồng thời, hỗ trợ vật chất cho gia đình anh Minh, đặc biệt cha mẹ già và con anh Minh trong thời gian anh Minh đang bị giam giữ.

Những người lãnh đạo mới sẽ nhất quán trong phát ngôn với công luận: những hành động trong quá khứ với anh Minh và một vài khách hàng khác là chưa đúng, chúng tôi cam kết sẽ không để lặp lại trong tương lai…

Nhận trách nhiệm chứ đừng đổ lỗi cho khách quan

Nguy cơ thứ hai là hàng loạt những tố cáo sản phẩm kém chất lượng nhưng chưa một lần Tân Hiệp Phát nhận trách nhiệm mà luôn đổ lỗi cho yếu tố khách quan, thậm chí là do các thế lực “thù địch phá hoại.”

Điều này, làm công luận nổi giận và mất lòng tin vào chất lượng sản phẩm Tân Hiệp Phát.

Để xử lý nguy cơ này, ban lãnh đạo mới cần dũng cảm thừa nhận là những sản phẩm “lỗi” bị phát hiện gần đây, là có vấn đề và không loại trừ khả năng lỗi do quá trình sản xuất và phân phối của Tân Hiệp Phát.

Vì vậy, việc kiểm tra nghiêm túc lại quy trình sản xuất là cần thiết.

Đồng thời, thông báo cho hệ thống phân phối để kiểm tra lại tất cả các sản phẩm tồn kho và thu hồi những sản phẩm nghi ngờ là có vấn đề về chất lượng để tìm ra nguyên nhân.

Sau đó, công bố chính thức cho công luận về nguyên nhân gây ra sản phẩm lỗi. Nếu là lỗi do quá trình sản xuất hoặc phân phối hay tồn trữ, công ty sẽ “cúi đầu” nhận lỗi và đưa ra các biện pháp khắc phục khả thi.

Chấm dứt những hoài nghi về sản phẩm

Nguy cơ thứ 3, đối diện tin đồn sản phẩm Tân Hiệp Phát không tốt cho sức khỏe. Để xử lý nguy cơ này, rất cần bên thứ 3 – có uy tín và độc lập, xác nhận bằng văn bản.

Trong đó, có thể lý giải một cách dễ hiểu về công dụng của sản phẩm. Khách hàng luôn mong muốn mua sản phẩm với niềm tin chứ không phải là hoài nghi.

Nên nhớ rằng, cộng đồng tẩy chay Tân Hiệp Phát không chỉ vì hành xử, mà là vì những mối hoài nghi về sản phẩm.

Vậy, vấn đề cần xử lý là: Hãy công khai kết luận về các thành phần sản phẩm để bán cho khách hàng niềm tin, thay vì họ sẽ không mua hàng của bạn chỉ vì còn hoài nghi.

Củng cố hệ thống phân phối, hạn chế đổ tiền vào quảng cáo ầm ĩ lúc này

Nguy cơ thứ 4: Tân Hiệp Phát bị mất hệ thống phân phối vì khách hàng tẩy chay. Việc giữ và khôi phục lại niềm tin từ người tiêu dùng, đòi hỏi Tân Hiệp Phát cần phải thực hiện những hoạt động ở trên.

Tuy nhiên, trước mắt, Tân Hiệp Phát cần quan tâm và củng cố hệ thống phân phối của mình. Các hoạt động như giảm giá hoặc tăng chiết khấu cho những đại lý trung thành là nên làm.

Cuối cùng, Tân Hiệp Phát nên hạn chế việc đổ tiền vào truyền thông, quảng cáo để xây dựng hình ảnh doanh nghiệp lúc này.

Tất cả điều này chỉ tạo thêm sự phản cảm và gây hiệu ứng ngược trong cộng đồng.

Tất nhiên, trong tương lai, Tân Hiệp Phát cũng sẽ có thêm những lựa chọn khác như nâng cấp công nghệ, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Rồi đổi tên công ty hoặc đổi tên sản phẩm; bán một phần/toàn bộ công ty cho 1 công ty khác có uy tín trong lĩnh vực thực phẩm…

Tuy nhiên, các hành động này chỉ nên thực hiện khi Tân Hiệp phát đã vượt qua khủng hoảng hiện nay.

Gần đây, cũng có những ý kiến cho rằng, cộng đồng dù vô tình hay cố ý thì cũng đang “bức tử” một thương hiệu Việt duy nhất đủ sức cạnh tranh với các ông khổng lồ đa quốc gia.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, một doanh nghiệp phát triển bền vững cần những người lãnh đạo nhân văn, thấu hiểu sức mạnh cộng đồng, trân trọng và đối xử văn hóa với khách hàng bên cạnh việc sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng và truyền thông tốt.

Tôi nghĩ rằng, việc xử lý và vượt qua khủng hoảng hiện nay, hoàn toàn nằm trong khả năng của Tân Hiệp Phát.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh sinh năm 1972, hiện là Tổng Giám đốc Công ty Alpha Book. Đồng thời, ông cũng là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM.

Ông Quỳnh nổi tiếng với cuốn sách mang tên:  “Hãy sống ở thế chủ động”.

Trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2014, ông Quỳnh lọt vào top 500.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại