Tham vọng của hãng bia Nhật tại Việt Nam
Phân khúc bia cao cấp tại Việt Nam trong nhiều năm qua các thương hiệu như Heineken, Tiger, Carlesberg…vốn đã chiếm hết chiếu, là lính mới liệu đầu tư mạnh vào quảng bá thương hiệu để chen chân với những ông lớn trên thị trường có phải là nước đi hiệu quả?
Đây là câu hỏi lớn với hãng bia đến từ Nhật Bản có tên Sapporo.
Sapporo gia nhập Việt Nam từ năm 2010 trên cở sở hợp tác giữa tập đoàn Sapporo Nhật Bản và tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba) và nhanh chóng đầu tư giai đoạn 1 nhà máy có công suất 40 triệu lít/năm khoảng 42 triệu USD và chuẩn bị nâng công suất lên 100 triệu lít, giai đoạn 3 là 150 triệu lít.
Với việc nhận chuyển nhượng 29% cổ phần từ Vinataba hồi tháng 9 vừa qua, hiện tập đoàn Sapporo Nhật Bản sở hữu 100% Sapporo Việt Nam.
Được xác định là thị trường quan trọng bậc nhất tại khu vực Đông Nam Á, công ty TNHH Sapporo Việt Nam không ngừng mở rộng đầu tư nhà máy cũng như mạnh tay chi cho quảng cáo thương hiệu tại Việt Nam.
Mới đây, công ty này còn hợp tác với tập đoàn Tobacco & Liquor của Đài Loan để mở nhà máy và sản xuất bia Gold Medal tại Việt Nam.
Trái ngược với hoài nghi, doanh nghiệp này lại lạc quan cho rằng thị trường bia cao cấp tại Việt Nam còn đầy tiềm năng khi dự báo GDP trong 5 năm tới sẽ tăng khoảng 6,5-7% đồng thời khảo sát thị trường cho thấy tầng lớp trung lưu sẽ tăng từ 8 triệu (năm 2012) lên khoảng 40 triệu năm 2020.
Đây là những yếu tố giúp thị trường này ngày càng phát triển.
Theo ông Osamu Beppu, giám đốc kinh doanh và tiếp thị công ty TNHH Sapporo Việt Nam phân khúc bia cao cấp và cận cao cấp sẽ tăng lên tương ứng 70% và 55% vào năm 2020 so với hiện nay.
Không phải vô căn cứ mà Sapporo đặt kỳ vọng lớn tại thị trường Việt Nam.
Theo báo cáo từ tập đoàn này, doanh thu tại Việt Nam tăng trưởng hàng năm 34% và năm 2014 gấp đôi mức doanh thu năm 2012 mặc dù không tiết lộ con số cụ thể.
Sapporo thậm chí còn đặt mục tiêu đưa doanh thu Sapporo Việt Nam chiếm 50% doanh thu nước ngoài.
Ông Osamu Beppu cũng cho biết thị trường bia Nhật Bản đã chạm mức đỉnh điểm và có dấu hiệu bão hòa trong khi Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển và mở rộng.
Chân dung tập đoàn Sapporo Nhật Bản
Tại Việt Nam Sapporo mới hiện diện trong vài năm gần đây nhưng thương hiêu này không còn mấy xa lạ với người Nhật.
Năm 1876, hãng bia Kaitakushi ra đời do Seibei Nakagawa, một người được đào tạo sản xuất bia tại Đức lập ra và đây là tiền thân của công ty bia Sapporo sau này.
Một năm sau, một công ty khác có tên Japan Beer tung ra thị trường bia Yebisu cạnh tranh cùng Sapporo và hãng bia khác là Osaka (ngày nay là Asahi), Kirin.
Đến năm 1906, các công ty Sapporo, Japan Beer, Osaka hợp tác cho ra công ty bia gần như độc quyền chi phối toàn bộ thị trường là Dai Nippon.
Mãi đến năm 1949, dưới luật chống độc quyền, Dai Nippong chia tách thành 2 công ty nước giải khát là Nippon và Asahi.
Sau này công ty nước giải khát Nippon đổi tên thành Sapporo như hiện nay.
Năm 1964, Sapporo bắt đầu xuất khẩu sang Mỹ và sau đó lấn sân sang lĩnh vực khác như bất động sản, mua lại công ty bia lớn thứ 3 Canada là Sleeman vào năm 2006.
Năm 2014 tập đoàn bia lâu đời này đạt doanh thu tới hơn 518 tỷ yên, cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Mặc dù được biết đến với thương hiệu bia Sapporo nhưng tập đoàn này còn có hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất khác như rượu, thực phẩm và nước ngọt, nhà hàng và bất động sản.
Trong đó doanh thu chính đến từ các sản phẩm rượu truyền thống của Nhật với 281,8 tỷ yên, chiếm hơn 54% doanh thu thuần của cả tập đoàn.
Trên nền tảng là hãng sản xuất bia, rượu lớn tại Nhật Bản, tập đoàn này còn tận dụng lợi thế để mở chuỗi nhà hàng bia lớn nhất Nhật Bản gồm Ginza Lion và Yebisu Bar.
Thế nhưng nhìn vào báo cáo của tập đoàn này, thương hiệu bia cao cấp Sapporo và Sleeman (doanh thu quốc tế) tăng trưởng không mấy ấn tượng khi doanh thu 2014 tăng 3% nhưng thu nhập hoạt động sụt giảm 85% so với năm trước.
Trong những thị trường chính gồm Bắc Mỹ, Canada, Việt Nam, Hàn Quốc, Australia, Singapore, Việt Nam là nơi có tiềm năng lớn để tạo giúp tập đoàn này cải thiện lợi nhuận của thương hiệu trên.
Quay lại hoạt động của Sapporo tại Việt Nam, mặc dù xuất hiện từ năm 2010 nhưng chưa có năm nào thoát lỗ mặc dù kết quả kinh doanh tăng trưởng hai con số, theo thông ty từ chính công ty này.
Nguyên nhân được Sapporo giải thích là chi phí đầu tư lớn vào thị trường, quảng bá nhằm xây dựng thương hiệu.
Ngoài ra việc đầu tư xây dựng nhà máy với vốn lớn kèm theo tỷ giá tăng khiến giá trị đầu tư vượt 1.000 tỷ đồng so với mức ước tính ban đầu.
Là người gia nhập thị trường khá muộn trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, việc Sapporo đẩy mạnh chi phí quảng bá hình ảnh dẫn tới hiện tượng lỗ cũng là điều không quá khó hiểu.
Nhưng liệu đến bao giờ Sapporo mới có lãi lại là câu hỏi khó trả lời.