Tân Hiệp Phát đã hành xử theo kiểu lấy bạc để đâm toạc tờ giấy
Điều trớ trêu của vấn đề là hầu như tất cả chúng ta đều mặc nhiên cho rằng lỗi ứng xử, dẫu có gây ra hệ lụy nguy hại đến mấy, cũng chẳng khác gì nhiều so với... lỗi nhận định của trọng tài trong một trận cầu – cả 2 trường hợp này đều phạm sai lầm khó sửa chữa được.
Chạm tay hay không chạm tay, rồi quyết định pénalty hay không, đã đưa thẳng một kẻ lên thiên đường, còn người kia, bước ngay xuống địa ngục!
Người ta hay “quên” cái khác căn bản: Lỗi của trọng tài trong một trận banh, suy cho cùng chỉ là trò chơi thể thao có không ít điều may rủi, còn ứng xử sai của doanh nghiệp lớn hay quan chức cao cấp thì liên quan đến sự sinh tồn của rất, rất nhiều thân phận...
Dĩ nhiên, trước khi bàn về cái giá rất đắt của các “lỗi”, cũng nên nhấn mạnh rằng cái thông lệ cho rằng con người được sinh ra rồi, sống cùng với các lỗi lầm là điều tất nhiên.
Chẳng ai dám phủ định điều đó. Nhưng, nếu cứ nghĩ sai lầm là đương nhiên thì sự phức tạp của cuộc đời sẽ càng làm cho quan hệ sống chật chội, bức bối hơn.
Vậy, tại sao chúng ta không cùng nhau nhặt bớt rác để con đường sạch và thông thoáng hơn?
Có thể nói, Tân Hiệp Phát (THP) đã gây ra một chấn động chưa từng có: Tập đoàn vốn vẫn tự hào mỗi năm đóng góp nhiều tỷ đồng cho từ thiện lại phạm phải sai lầm sơ đẳng nhất về cách ứng xử với điều nhân.
Đứng trước cái tham của một con người cụ thể, kém hiểu biết tới tận cùng, THP đã hành xử theo kiểu lấy bạc để đâm toạc tờ giấy.
Chỉ cần giải thích cái khó của ý định tống tiền cho rõ ngọn ngành thì anh Minh hay bất kì ai cũng phải ngay lập tức từ bỏ ý định rất không nên.
THP không thể chối bỏ sự thật: Họ “vô can” khi công an và truyền hình có mặt đúng chỗ, đúng lúc trao tiền. Họ càng không thể biện minh đã vi phạm luật tố tụng khi trực tiếp “tham gia” tại những buổi hỏi cung bị can.
Có thể thông cảm với THP khi họ đã hoang tưởng mà tin rằng có “bàn tay đen” nào đó đã từ trong bóng tối, “đạo diễn” cho anh Minh và những người khác “chơi bẩn” trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thương trường.
Áp đặt lỗi tham thành tội dập vùi sức mạnh của THP là cách suy diễn vô lí nhưng lại thường xảy ra trong đa số trường hợp cái sảy nảy cái ung...
Cái tội (chứ không còn là “lỗi” nữa) lớn nhất đó là THP luôn chối bay, chối biến những sản phẩm hư, hỏng bằng cách khăng khăng rằng dây chuyền sản xuất là hoàn hảo, hiện đại.
Nếu cái sai do lưu trữ, vận chuyển làm cho sản phẩm hỏng thì tại sao không cảnh báo, không rút ngắn thời gian bảo hành?
Họ chưa bao giờ hiểu cách ứng xử của Toyota hay BMW: Dẫu chỉ có vài chục hay dăm bảy trục trặc nào đó của phanh hay hệ thống truyền động là ngay lập tức thu hồi toàn bộ sản phẩm cả trăm ngàn chiếc xe đang lưu thông trên khắp thế giới.
Cách nhận lỗi và nguyên tắc chịu tốn kém của các hãng xe hơi trên thật đáng trân trọng. Khách hàng, dù có bực bội cách mấy, cũng không thể quay lưng với sự thành tâm hối lỗi của họ.
Tân Hiệp Phát ngộ nhận về quyền được phép sai của bậc có quyền
Chuyện THP có những nét khá giống với cách “ứng xử” của Phòng Giáo dục Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Cùng lúc 214 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng trong khi rõ ràng cơ quan này không hề chỉ ra được bất cứ sai phạm nghiêm trọng nào của ngần ấy giáo viên trong cả năm học đã thành công và tốt đẹp vừa qua!
Sự phi logic đó được tiếp tay thêm bởi cái lập luận bằng trung cấp không thể dạy cho mẫu giáo, mầm non, trong khi quy chế của Bộ GD&ĐT không hề có điều cấm ấy.
Cả THP và PGD Kỳ Anh đều sai lầm khi ngộ nhận về quyền được phép sai(!) của bậc có quyền.
Đó là cách ứng xử của thời thông tin muộn hàng tuần và để tìm cho ra sự thật, phải mất hàng tháng trong cái bối cảnh của thuở dân trí thấp, dư luận một chiều.
Những cách ứng xử kém đến mức đáng báo động đã gây ra vô số hậu quả thương tâm, như chuyện va quệt xe mà chém chết người; xúc phạm một câu mà đáp lại tình bạn bao nhiêu năm bằng cái chết...
Nếu ngẫm kĩ, đọc sâu rất nhiều chuyện trên báo chí thì có thể hình dung ra sự xuống cấp đang làm băng hoại các giá trị sống ghê gớm đến mức nào...
Một làn sóng khó lường đòi tẩy chay THP đang bùng phát trên diện rộng, tốc độ nhanh.
Nếu THP không nhận sai về lỗi thật của họ trong sản xuất, vận chuyển, lưu giữ để thay đổi; không có một cuộc cách mạng về nhận thức và cơ cấu của bộ máy hiện tại; không bày tỏ sự đồng cảm với gia đình anh Minh thì “án” của xã hội đối với nó là điều có thể hiểu.
Nhưng, cũng phải nói thêm rằng, nếu người tiêu dùng trên toàn quốc vẫn tiếp tục quay lưng khi THP thay đổi thì cũng không công bằng.
Cái lỗi ứng xử trước “tai nạn” của vài quan chức mà làm ảnh hưởng đến hàng ngàn sinh mang khác – những công nhân của THP thì, một lần nữa, chính xã hội cũng đang tiếp tục thờ ơ với lỗi ứng xử của chính mình.
Rất mong sao nỗi đau của con ruồi tiền triệu sẽ là bài học thiết thực với rất nhiều doanh nhân và quan chức. Khi đã nhìn thấy bài học nhãn tiền ấy, tại sao không đổi thay?
Huế, 26.12.2015