Tại sao dự án đường sắt nghi nhận hối lộ 16 tỷ dậm chân tại chỗ?

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Ngoài dính "nghi án" hối lộ 16,5 tỷ để được nhận hợp đồng tư vấn thiết kế, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên) hiện đang vướng mắc đủ đường...

>>> Đang kiểm tra “cáo buộc” quan chức VN nhận hối lộ 16,5 tỷ đồng
>>> Luật sư phân tích về cáo buộc quan chức VN nhận hối lộ 16,5 tỷ
>>> Vụ "hối lộ 16,5 tỷ": Dừng công tác Giám đốc BQL Dự án đường sắt
>>> Nghi án “nhận hối lộ 16 tỷ”: Chuyển công tác cũng phải giải trình
>>>ĐBQH không bất ngờ về cáo buộc "quan chức VN nhận hối lộ 16 tỷ”

Ngay sau khi báo chí Nhật phản ánh, ngày 23/3, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã họp xử lý những thông tin liên quan tới lời tố cáo của đơn vị tư vấn thiết kế Nhật Bản về việc đưa hối lộ khoảng 16 tỷ đồng cho một quan chức ngành Đường sắt Việt Nam, để nhận hợp đồng tư vấn thiết kế của một dự án đường sắt đô thị.

Sau cuộc họp, Bộ GTVT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để cung cấp thông tin và phối hợp xử lý khi có những thông tin tiếp theo.

Đồng thời, theo ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã quyết định dừng công tác đối với ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Quản lý Dự án đường sắt để báo cáo giải trình những công việc có liên quan đến vụ việc này.

Liên quan đến thông tin này, theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án đường sắt dính "nghi án" hối lộ 16 tỷ đồng chính là dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 hay còn gọi là Đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên.

Mô hình dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên.
Mô hình dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên.

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 12/2/2004. Dự án do Tổng công ty đường sắt VN là chủ đầu tư, quản lý dự án là Ban QLCDA Đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty đường sắt VN, tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ năm 2008 đến năm 2017.

Dậm chân tại chỗ vì... cầu Long Biên và "hối lộ"

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các giai đoạn của dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đã bắt đầu triển khai từ năm 2008, được khởi công năm 2013, dự kiến hoàn thành năm 2017 nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang dậm chân tại chỗ.

Hợp đồng tư vấn của dự án đã giải ngân khoảng 80% phần tiền yen và 69% phần tiền Việt. Dự án đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật nhưng do đoạn tuyến phía bắc cầu sông Hồng chưa được Hà Nội và các ngành thống nhất hướng tuyến nên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa thể phê duyệt được toàn bộ thiết kế kỹ thuật. 

Phương án xây dựng đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi đi qua cầu Long Biên đã được Bộ Giao thông Vận tải và Hà Nội bàn thảo từ năm 2005, bởi hạ tầng đường sắt trên cầu không đáp ứng yêu cầu của tuyến tàu điện đô thị.

Năm 2008, Bộ Giao thông phê duyệt đầu tư Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, giai đoạn 1 với vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 30m về phía thượng lưu. Cây cầu mới này rộng hơn 11m đủ để hai làn đường sắt đô thị đi qua.

Tháng 12/2009, Phó chủ tịch Hà Nội, ông Nguyễn Văn Khôi đã có văn bản yêu cầu cân nhắc mục tiêu bảo tồn cầu Long Biên, đảm bảo cảnh quan khu vực, Bộ Giao thông đã nghiên cứu phương án làm cầu đường sắt cách cầu Long Biên 186m về phía thượng lưu. Phương án này bám sát mục tiêu theo yêu cầu của TP Hà Nội. Tuy nhiên, điểm hạn chế là sẽ phải động chạm đến khoảng 198 nhà dân với diện tích 9.800m2 đất ở tại khu vực phía nam cầu.

Phần lớn các cơ quan có thẩm quyền thống nhất với phương án này và đến tháng 7/2010, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý, giao các cơ quan liên quan hoàn thiện.

Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện phương án, nhiều hộ dân các phố Nguyễn Trung Trực, Hàng Than, Quán Thánh (quận Hoàn Kiếm) đã gửi đơn, thư khiếu nại đến các cơ quan thẩm quyền về việc xây cầu mới sẽ gây thiệt hại lớn cho họ.

Tháng 10/2013, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi lại đề nghị Bộ Giao thông nghiên cứu tiếp phương án xây cầu đường sắt trùng với vị trí cầu Long Biên hiện tại để giảm thiểu giải phóng mặt bằng.

Theo chỉ đạo của TP Hà Nội, Ban quản lý dự án đường sắt (RPMU) đã nghiên cứu 3 phương án, giảm số nhà dân phải giải tỏa xuống, trong đó khu vực phía nam cầu chỉ phải đụng chạm đến khoảng 124 nhà và thu hồi khoảng 4.700 m2 đất ở.

Theo đó, phương án 1 là phá bỏ cầu Long Biên hiện tại, giữ lại 9 nhịp cầu mang tính bảo tồn tượng trưng, kết hợp phục vụ du lịch khu vực bãi giữa sông Hồng. Phương án 2 là xây mới cầu Long Biên tại vị trí cũ theo hình dáng kiến trúc cũ. Phương án 3 là xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu Long Biên nguyên bản để bảo tồn.

Chính phương án đòi "làm mới" cầu Long Biên - cây cầu lịch sử gắn bó hơn 100 năm với Hà Nội để dùng cho tuyến đường sắt đô thị này đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của các chuyên gia, người dân... nên góp phần dẫn đến sự chậm chễ trong dự án.

Và ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ báo chí về "nghi án" hối lộ 16 tỷ đồng liên quan đến dự án này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu trước mắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý dự án đường sắt tạm dừng giải ngân theo Hợp đồng đã ký với JTC - giai đoạn 1; đồng thời, tạm dừng thương thảo tài chính Hợp đồng tư vấn thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2a đối với JTC.

Cùng với những ý kiến trái chiều xung quanh số phận của cầu Long Biên thì việc xử lý "nghi án" này lại thêm một lần nữa khiến cho dự án này sẽ phải chậm tiến độ.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại