Sự thật về "nhân bản" hoá đơn nước ở chung cư của ông Thản

Phương Nhi |

Người dân ở căn hộ chung cư Linh Đàm của đại gia Lê Thanh Thản nghi ngờ hóa đơn nước của nhà mình bị nhân bản khi 2 – 3 tháng liên tiếp giống hệt nhau.

Hóa đơn tiền nước 2 tháng giống hệt nhau

Bán đảo Linh Đàm của đại gia bất động sản Lê Thanh Thản là tổ hợp chung cư bậc nhất hiện nay ở phân khúc chung cư bình dân. Tuy gọi là là “bậc nhất” nhưng không ít người dân khi về đây sống đã than phiền với nhiều bức xúc.

Thậm chí, có đợt, nhiều hộ dân còn mất ngủ cả đêm vì… tiếng dế kêu vào đêm khuya – một hiện tượng lạ tại chung cư nơi đô thị phồn hoa - Thủ đô của cả nước.

Mới đây, một số hộ dân tại bán đảo Linh Đàm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) đã phản ánh về tình trạng nhiều hóa đơn nước giống hệt nhau về công suất sử dụng ở 2 – 3 tháng liên tiếp.

Anh Vũ Đình H., cư dân tòa HH4B, lô CC6, bán đảo Linh Đàm đã đưa cho nhiều người xem 2 hóa đơn tiền nước của gia đình anh dùng trong tháng 10 và tháng 11/2015, với số tiền giống y như nhau.

Hóa đơn tiền nước 2 tháng giống nhau của gia đình anh Vũ Đình H., cư dân bán đảo Linh Đàm.
Hóa đơn tiền nước 2 tháng giống nhau của gia đình anh Vũ Đình H., cư dân bán đảo Linh Đàm.

Cụ thể, ở hóa đơn mang số hiệu 004287, thời gian sử dụng từ 02/10-01/11/2015, tổng tiêu thụ là 10 số, giá tiền phải trả là 179.697 đồng.

Còn ở hóa đơn tháng liền sau đó mang số hiệu 0005605, thời gian sử dụng từ 02/11 – 01/12/2015, tổng tiêu thụ cũng 10 số và giá tiền mà anh phải chi ra cũng với 179.697 đồng.

Điều này khiến anh H. không khỏi băn khoăn, ngạc nhiên, anh đã đưa thông tin và hình ảnh lên diễn đàn chung của khu dân cư để kiểm tra xem mọi người có ai bị trường hợp tương tự như mình không.

Kết quả, không chỉ riêng anh H. có lo lắng hóa đơn tiền nước của chung cư bán đảo Linh Đàm bị “nhân bản” mà một số người khác cũng có quan điểm và nhận định như vậy.

Đơn cử như gia đình cô Nguyễn Ánh N., 2 tháng sử dụng (tháng 11 và tháng 12/2015), cột tổng tiêu thụ, đơn giá, thành tiền đều giống hệt nhau. Số tiền 2 tháng chị dùng nước đều 29 khối mất 239.511 đồng.

Chị Lê Anh, một cư dân sống tại bán đảo Linh Đàm không giấu sự bất bình bày tỏ: “Có những nhà không ở mà vẫn mấy chục khối. Điều này tôi thấy rất vô lý. Theo tôi, nguyên nhân có thể do hạ tầng chưa đáp ứng được hoặc do công ty nước đo vớ vẩn”.

Cũng theo chị Lê Anh, việc một hộ gia đình dùng nước, có tháng sử dụng nhiều, có tháng sử dụng ít, có hôm tắm vặn vòi hoa sen xả nhiều nước, có ngày dùng ít hơn, có tháng có thêm khách,… chứ không thể có chuyện lượng tiêu thụ nước giống hệt nhau.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Nhung - một hộ dân khác ở khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ cũng là một dự án của đại gia Lê Thanh Thản, cho biết:

Hồi đầu, khi nhà chị mới chuyển về ở tại khu Kim Văn - Kim Lũ, hóa đơn nước cũng bị làm sai hàng loạt, dân tình phản đối ầm ĩ, công ty cung cấp nước mới chịu sửa.

“Trước đây, tại Kim Văn - Kim Lũ từng có vụ mỗi hoá đơn nước lên đến vài trăm nghìn. Về sau, dân tình thấy vô lý khiếu nại ban quản lý toà nhà, gọi điện lên chỗ công ty nước buộc họ phải thu hồi lại hoá đơn đã trả cho dân để phát hành hoá đơn mới” – chị Nhung nói.

Vì vậy, theo chị Nhung, việc “nhân bản” hóa đơn nước tại chúng cư ở bán đảo Linh Đàm rất có thể cũng xảy ra.

Công ty cung cấp nước: Chuyện giống nhau không có gì lạ!

Trong khi người dân bán đảo Linh Đàm khá ngạc nhiên về các con số tiền nước 2-3 tháng liên tiếp giống hệt nhau như trên thì những người làm trong ngành nước lại coi đó là chuyện hết sức bình thường, không có gì lạ lẫm.

Trả lời PV, bà Nguyễn THị Ngọc Trúc, PGĐ Công ty hạ tầng kỹ thuật VTS - đơn vị cấp nước cho chung cư HH4B – Bán đảo Linh Đàm khẳng định, không có chuyện nhân bản hóa đơn.

“Dân nghi ngờ như thế nhưng thực tế khi đi ghi số, dân dùng 9,9 khối hay 10,1 hoặc 10,2 khối, chúng tôi đều làm tròn số thành 10 khối. Bởi theo Quyết định 38 của Chính Phủ, cứ 10 khối nước sẽ có 1 mức giá, không đáng bao nhiêu để nhân bản…

Mỗi tòa 700-800 căn tương ứng 700 – 800 cái đồng hồ. Chúng tôi không thể bịa được số liệu ngoài việc đi kiểm tra thực tế.

Nếu bịa, khi các hộ dân sử dụng nhiều, tiền nước tăng lên, làm sao VTS có tiền để bù cho Viwaco – đơn vị bán đồng hồ tổng, chúng tôi chỉ thu đồng hồ lẻ. Chúng tôi không có thời gian đâu để làm, chúng tôi chỉ làm công ăn lương thôi” – bà Trúc nói.

Theo đại diện công ty cung cấp nước, việc 2-3 tháng liền tiền nước giống nhau không có gì lạ (Ảnh hóa đơn gia đình cô Nguyễn Ánh N.)
Theo đại diện công ty cung cấp nước, việc 2-3 tháng liền tiền nước giống nhau không có gì lạ (Ảnh hóa đơn gia đình cô Nguyễn Ánh N.)

Theo bà Trúc, việc hóa đơn tiền nước của một hộ dân 2 - 3 tháng gần nhau giống nhau là chuyện không hiếm.

“Chúng tôi có mấy nghìn hóa đơn/tháng xuất ra, rất nhiều hóa đơn trùng nhau số nước mà người dân dùng. Có nhà tháng này và tháng sau có 2 người thì vẫn cứ giữ nguyên 12 số, trừ khi có khách, nâng người thì mới thay đổi” – bà Trúc nhấn mạnh.

Vị đại diện này cũng lưu ý, nếu cư dân nghi ngờ có thể yêu cầu bên công ty nước thông báo lịch chốt tiền nước, khi nào đi ghi số, dân có thể kiểm tra chỉ số xuất hiện trên đồng hồ nước.

Đối với trường hợp khiếu nại “không sử dụng mà vẫn phải trả mức tiền phí nước cao”, bà Trúc cho rằng, có thể do vỡ đường ống nước hoặc do nhân viên của quản lý tòa nhà ghi nhầm số phòng lắp đồng hồ nước.

“Có đợt cả tòa nhà 4B bị lẫn, lúc lắp họ đánh dấu phòng bị lệch, ghi nhầm số phòng, lẽ ra phòng 430 lại ghi phòng 432, trong khi phòng 430 đóng cửa còn 432 phải đóng tiền.

Chúng tôi đã sắp xếp lại, cái này trách nhiệm của ban quản lý của nhà đầu tư – đơn vị lắp thiết bị điện nước” – bà Trúc nói.

Bà Lê Thị Mỹ Lệ, ban Kế hoạch Kinh doanh Công ty cổ phần đầu tư Xây dựng và kinh doanh Nước sạch Viwaco (đơn vị cung cấp đồng hồ tổng cho chung cư Linh Đàm) cũng nêu rõ, việc trùng hóa đơn tiền nước của các tháng cận kề nhau là hoàn toàn có thể xảy ra.

“Nhà tôi 3 tháng nay cũng chỉ dừng ở 16 khối, trong khi, tôi kiểm tra đồng hồ kỹ càng” – bà Lệ bày tỏ.

Vị đại diện của Viwaco cho biết, ngành nước cũng giống như ngành điện, đồng hồ nước cũng giống như công tơ xe máy, lượng nước sử dụng tháng nào được đo đếm cụ thể của tháng đó, khi chốt chỉ số, lấy số liệu tháng mới trừ đi số liệu tháng trước.

“Các tháng giống nhau cũng có thể xảy ra khi người dân sử dụng ổn định. Trường hợp 2 hay 3 tháng đều 10 khối đó có thể là trùng lặp tình cờ, ngẫu nhiên” – bà Lệ lưu ý.

Bà Lệ khuyên người tiêu dùng nếu băn khoăn về số tiền nước của nhà mình thì nên để ý đồng hồ - công tơ nước trước cửa nhà mình hoặc trong hộp kỹ thuật. Khi có sai sót, người dân cứ chủ động thắc mắc với đơn vị cung cấp.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại