Số phận tai ương của những người ham tìm "vàng 75"

Phùng Trân |

Hy vọng đổi đời, một số người dân vẫn mải miết đi tìm vàng ở quốc lộ 25. Tuy nhiên, sau bao ngày tháng lặn lội tìm kiếm, vàng chả thấy đâu toàn thấy… tai ương.

LTS: Dọc quốc lộ 25, con đường lối liền tỉnh Phú Yên với Tây Nguyên trước đây được người ta chôn giấu rất nhiều vàng. Số của cải này đa phần của binh lính ngụy chôn lại trên đường tháo chạy về đồng bằng sau khi Tây Nguyên thất thủ.

Phần lớn những “kho báu” bất đắc dĩ này đã được người ta tìm đến đào đi. Tuy nhiên, vẫn còn những hòm vàng, chum bạc thất lạc mà về sau này nhiều người dân nghèo khổ đã vô tình tìm được.

Người dân sống ven quốc lộ 25 gọi đó là “vàng 75”. Nhiều người đã thực sự đổi đời vì nhặt được “vàng 75” nhưng cũng có nhiều người liêu xiêu vì món quà thời trước này.

Phần 1: "Mất ăn mất ngủ" vì bỗng dưng đạp phải cả hòm vàng

Phần 2: Ám ảnh hãi hùng của những kiếp nghèo bỗng nhiên được trời cho lộc

Mòn mỏi kiếm tìm "thần may mắn"

Hôm chúng tôi về xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên), khi lái xe đi ngang qua con đường trung tâm xã thì gặp người phụ nữ chừng ngoài 50 tuổi đang dắt bò đi chăn ở cánh đồng.

Dừng lại hỏi thăm những người nhặt được vàng ở địa phương thì được bà cho biết, chồng mình cũng nhặt được vàng. Tuy nhiên, sau khi nhặt được “lộc trời”, gia đình bà đã tuột dốc không phanh.


Bà M. bảo, chồng bà đã phải trả giá vì ham tìm vàng 75.

Bà M. bảo, chồng bà đã phải trả giá vì ham "tìm vàng 75".

Người phụ nữ đó là Nguyễn Thị M. (56 tuổi). Theo lời bà M., vào một buổi chiều tháng 10/2007, chồng bà là ông Hồ Văn H. (59 tuổi) đi chăn bò ở con suối thuộc thôn Tân Thành và may mắn nhặt được vàng 6 chỉ vàng.

Dù số vàng nhặt được không nhiều nhưng Tết năm đó gia đình bà M. cũng tổ chức lớn hơn mọi năm.

“Ăn Tết xong, chồng tôi bảo tôi bán 3 chỉ vàng còn lại cho ổng làm lộ phí đi tìm vàng với mong muốn được đổi đời chóng vánh.

Tôi khuyên ổng là nhiều người ảo mộng như thế nhưng kết quả thì lại càng nghèo hơn nên lấy đó mà làm gương, đừng quá mơ mộng, nhưng ổng không nghe tôi”, bà M. cho biết.

Dù bà M. khuyên ngăn thế nào ông H. cũng không nghe. Cuối cùng, bà đành bán vàng rồi đưa hết số tiền cho chồng đi làm ăn… lớn.

Trả giá bởi lòng tham

Đến giờ bà vẫn con nhớ như in lời ông H. nói trước khi đi tìm vàng. Bà cho biết: “Ổng nói với tôi, trên quốc lộ 25 ngày trước có nhiều người chôn vàng nên chắc chắn là còn sót lại rất nhiều. Lần này ổng đi là trúng đậm, nếu không trúng ổng sẽ không quay về.

Ổng bảo là đến thị trấn Củng Sơn đi cùng với mấy người ở đó. Nhưng nửa tháng sau thì ổng quay về với hai bà tay trắng”.

Bà M. bảo, trong vòng nửa tháng ấy, ông H. cùng với 3 người bạn ở thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) góp tiền đi mua 2 máy rà sắt rồi đi khắp vùng rừng núi dọc quốc lộ 25.

Thị xã Ayun Pa, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), huyện Sơn Hòa, huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) là những nơi mà ông H. cùng đám bạn mình đến để tìm vàng.

Dò tìm mải miết mà kết quả của cuộc tìm kiếm ấy chỉ thu lại là chục ký sắt vụn, cùng với một lần rà đụng phải xác người.

“Ổng chính là người rà đụng phải xác người lần ấy nên ổng thấy ám ảnh và hứa với tôi là sẽ bỏ mộng làm giàu. Nhưng được dăm bảy hôm thì ổng bảo để ổng đi lần nữa, chứ như thế thì lỗ cả vốn, mất công mất sức mà chẳng được gì nên không đành.

Đứa con gái tôi nài nỉ van xin ổng ở nhà cho êm chuyện nhưng ổng không nghe, rồi bán một con bò lấy tiền để đi đào vàng”, bà M. tâm sự.

Lần này, bà M. không biết ông H. đi đâu, cũng chẳng biết đi một mình hay với những ai. Chỉ biết ông H. cầm máy rà sắt đi một tháng thì về trong thất vọng.


Những thỏi vàng óng ánh đã ám ảnh chồng bà M. suốt một thời gian dài.

Những thỏi vàng óng ánh đã ám ảnh chồng bà M. suốt một thời gian dài.

Bà M. cho biết: “Ổng về mà người ổng ốm nhom, đen sạm, ho khò khè. Tôi bảo ổng đi với những ai nhưng ổng không nói, chỉ bảo trời không giúp ổng nên quay về làm nương rẫy kiếm ăn như xưa.

Rồi từ đó ổng ở nhà làm nương rẫy. Có ai đến hỏi chuyện tìm vàng thì ổng chỉ lắc đầu rồi bỏ đi, không bao giờ nhắc đến giấc mộng tìm vàng nữa”.

Theo nhiều người dân ở đây, thời gian ông H. đi tìm vàng về nhìn người ông đờ đẫn, xơ xác nên họ nghĩ rằng ông bị “ma ám”. Cộng với chuyện trước đó, ông rà trúng xác người nên họ còn bàn tán xôn xao là ông bị quả báo.

Hàng xóm láng giềng cảm thấy thương ông. Họ động viên ông làm lại từ đầu, không nên nghĩ đến ảo mộng trúng vàng nữa.

Nghe lời khuyên của bà con hàng xóm, ông H. dần bỏ sự mặc cảm và quyết làm lại từ đầu.

“Tôi ở nhà nuôi bò, còn ông ấy đi trông coi vườn tiêu, cà phê cho người ta ở Gia Lai rồi. Mỗi tháng ông ấy chỉ về thăm nhà khoảng vài ba ngày rồi lại đi”, bà M. tâm sự.

Ông Nguyễn Xinh Mầu, Chủ tịch UBND xã Sơn Hội, cho biết: “Ở địa phương có nhiều người trúng vàng ở rừng, ở rẫy, ở suối… Có nhiều người nhờ thế mà đổi đời vì biết cách làm ăn.

Tuy nhiên, cũng có không ít người sau khi nhặt được vàng lại lao vào giấc mộng đổi đời nên đi tìm vàng, rồi trắng tay, nợ nần”.

Thấy người ăn khoai…

Ông Trần Ngọc Đ. (47 tuổi), một người chuyên hành nghề rà phế liệu ở xã An Hiệp (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) cũng là người từng gặp nhiều chuyện khốn đốn bởi giấc mộng tìm vàng trên quốc lộ.

Ý định làm giàu của ông bắt nguồn từ việc năm 2012, ông được một Việt kiều Mỹ thuê tìm lại của nải mà người này đã chôn giấu trước kia.

Việt kiều ấy tên Thành, thuê ông 1 triệu đồng cho một ngày vác máy rà phế liệu đi tìm kiếm. Ông Thành mang theo cả bản đồ vẽ tay để đi tìm.


Mong muốn đổi đời, ông Đ. đã đầu tư máy móc, kinh phí đi tìm vàng để rồi trắng tay khi trở về.

Mong muốn đổi đời, ông Đ. đã đầu tư máy móc, kinh phí đi tìm vàng để rồi trắng tay khi trở về.

Sau 4 ngày tìm kiếm ở khu vực buôn Ma Lất (xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa), khi đến chỗ một gốc cây đã mục, đột nhiên máy rà có tín hiệu. Ông Đ. đào xuống nửa mét đất thì moi lên được một thùng đựng đạn rất nặng.

Vừa thấy thùng đạn trên, ông Thành mắt sáng rỡ, vồ lấy. “Khi ông Thành mở ra, trong ấy toàn là vàng. Lần ấy, ngoài tiền công, ông ấy còn cho tôi 2 chỉ”, ông Đ. kể.

Sau khi thấy ông Thành trúng vàng thật, ông Đ. nảy ý định mạo hiểm một phen, biết đâu sẽ đổi đời.

Ông rủ thêm 3 người bạn gom góp tiền bạc, gói ghém hành lý, lương thực lên đường tìm vàng. Ông Đ. cho biết, cứ ngày đi đêm nghỉ, bao nhiêu mét rẫy, rừng ven Quốc lộ 25 ông đều rà kỹ.

Có hôm lên tận đỉnh núi cao, có ngày lại lặn ngụp dưới các con suối. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng rà tìm, nhóm của ông trở về với chiếc ba lô rỗng không.

“Vàng đâu không thấy, chỉ toàn mảnh đạn, mảnh bom, đành chấp nhận cứ thu gom, bán lại kiếm ít tiền gỡ vốn”, ông Đ. kể.

Cũng theo ông Đ., một người bạn đi tìm vàng cùng ông do nhiều ngày lặn lội trong rừng sâu đã bị nhiễm sốt rét ác tính.

“Lộc trời” thì để… trời cho

Ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên), thị xã Ayun Pa (Gia Lai) vẫn còn nhiều người ôm ấp giấc mộng đổi đời bằng cách tìm vàng của “người xưa” để lại.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, chưa có ai được toại nguyện bởi thứ mà họ tìm kiếm vẫn chỉ như là “ảo mộng xa xôi”. Thậm chí, có người bởi lao theo giấc mộng này mà chuốc họa vào thân.

“Dễ rà phải bom, mìn thời chiến lắm. Rà phải mấy thứ đấy thì mất mạng như chơi”, ông Đ. chia sẻ.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Cao Minh Hòa, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết: “Bây giờ cũng không ai khẳng định được có còn vàng hay không.

Nhưng, của “trời cho” thì cứ để tự nhiên, nếu tình cờ được thì là may, không thì thôi, chứ đừng cất công mà tìm kiếm mãi rồi lại quay về với thất vọng và khổ sở”.

Ông Đỗ Tiến Đông, Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa (Gia Lai) thì khẳng định, trên địa bàn thị xã đã chẳng còn vàng để mà tìm.

“Bây giờ dọc quốc lộ 25, đoạn qua địa bàn thị xã Ayun Pa, người ta đã xây nhà cả rồi. Còn sâu phía bên trong, người dân cũng đã làm rẫy thì làm gì còn vàng để tìm”, ông Đông nói.

Theo ông Đông, nếu trước đây người ta có cất giấu của cải thì đến giờ họ cũng đã tìm hết, hoặc ai may mắn thì cũng đã lượm cả rồi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại