Đường sắt VN mời khách đến xin lỗi, mong khách quay lại

TUẤN PHÙNG |

"Tôi làm đúng luật nhưng hơi hèn, đáng lẽ tôi xin ủy quyền ngay thì đến ngày hôm nay đã làm được, bớt được ngày nào quý ngày ấy, đỡ phải đêm hôm nghe điện thoại (thông báo tai nạn - PV) muốn phát khóc lên”.

Ông Trần Ngọc Thành - chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN - thẳng thắn cho biết như vậy khi báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trong hội nghị tổng kết công tác năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016 của ĐSVN.

​Ngành đường sắt Việt Nam (ĐSVN) tổ chức hội nghị mời khách hàng đến để xin lỗi, mong khách hàng quay lại để ngành đường sắt phát triển.

Khi sếp đầu ngành đường sắt “phải phát khóc”

Theo ông Trần Ngọc Thành, chủ trương ủy quyền của Bộ trưởng Bộ GTVT cho hội đồng thành viên ĐSVN được điều chỉnh kế hoạch phát huy sáng tạo giúp đường sắt thu được nhiều thành quả, đổi mới trong hai năm qua.

Tuy nhiên, ông Thành cũng xin nhận khuyết điểm, kể cả kỷ luật, trước Bộ trưởng Đinh La Thăng vì chưa chủ động xin ủy quyền nên việc lắp đặt rào chắn đường ngang tự động còn chậm.

Cụ thể là ĐSVN hứa trong năm 2015 đầu tư được 300 đường ngang có gác chắn tự động.

Sau khi thử nghiệm 40 rào chắn thành công, ĐSVN đề nghị Bộ GTVT đưa vào tiêu chuẩn, quy chuẩn khai thác. Nhưng khi trình phương án lên bộ thì “vụ nọ đẩy vụ kia, giao đi thuê tư vấn nên đến giờ không triển khai được.

Vụ Khoa học công nghệ bảo phải có tư vấn, đi thuê tư vấn nhưng mãi không làm xong”.

Ông Trần Ngọc Thành thốt lên: “Tôi phát khóc bảo bộ thuê ông nhưng ông làm không xong, tôi đi thuê người khác chứ không thể làm kiểu này được.

Đáng lẽ tôi xin bộ trưởng để tôi được ủy quyền thì tôi quyết luôn và chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Tôi làm đúng luật nhưng hơi hèn, đáng lẽ tôi xin ủy quyền ngay thì đến ngày hôm nay đã làm được, bớt được ngày nào quý ngày ấy, đỡ phải đêm hôm nghe điện thoại (thông báo tai nạn - PV) muốn phát khóc lên”.

Ông Thành quay sang Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Hết 15-1 này nếu không được phê duyệt thì ĐSVN làm văn bản xin bộ trưởng ủy quyền để năm 2016 huy động tất cả các nguồn lắp một loạt rào chắn tự động. Anh ủy quyền luôn nhá”.

Theo ông Thành, dù đã đổi mới nhưng đến giờ một số đơn vị vẫn còn tư tưởng đường sắt đơn, khổ 1m nên không thể tăng trưởng được vận tải. ĐSVN có quy trình sản xuất ngược khi lấy lợi nhuận vận tải hành khách bù cho vận tải hàng hóa.

Trong khi trên thế giới lấy lãi từ vận chuyển hàng hóa bù cho vận chuyển hành khách đường sắt.

Ông Thành khẳng định ĐSVN chưa vận dụng hết 5.000 toa xe các loại vẫn còn năng lực chạy tàu ở một số đoạn lên 25 đôi tàu/ngày đêm thay vì 17 đôi hiện nay nếu cải thiện hạ tầng.

“Xin lỗi, cầu cạnh khách hàng quay lại”

Nhưng “Thói hư tật xấu là ở chỗ khách hàng đến phải cầu cạnh, xin xe, cấp xe... Nhiều năm gần đây vì chúng ta quấy nhiễu nhiều quá nên các khách hàng lớn của đường sắt bỏ đi hết.

Các nhánh đường sắt vận chuyển hóa chất, Apatit, ximăng... tháo gỡ hết. Vận tải hàng hóa mà chỉ có mỗi trục đường chính thì không khác gì con người thiếu chân tay, đi xe lăn” - ông Thành thừa nhận.

Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN cho biết ĐSVN vừa tổ chức hội nghị để xin lỗi khách hàng. “Treo biển tri ân nhưng thực ra là mời người ta đến xin lỗi, cầu cạnh người ta quay lại để phát triển” - ông Thành cho biết.

Mục tiêu năm 2016 của ĐSVN - theo ông Thành - là “đổi mới các phương thức vận tải hàng hóa để có lãi, kéo hành khách về. Không lấy lợi nhuận từ vận tải hành khách để bù cho vận tải hàng hóa.

Khi khách hàng đi lại là nghĩ tới đường sắt thì lúc đó đường sắt mới tính chuyện tích lũy hợp lý”.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thời gian qua ĐSVN đã “biết thắt lưng buộc bụng” để tái cơ cấu, đầu tư, đổi mới, tăng tỉ lệ chạy tàu đúng giờ, hành khách mua vé thuận tiện hơn... Ông Thăng cho rằng dư địa để phát triển của đường sắt vẫn còn nhiều.

Nhưng “nghe báo cáo của Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn mà thấy buồn. Khi một đơn vị chủ lực mà năm 2015 lãi 5 tỉ đồng, năm 2016 phấn đấu lên 10 tỉ đồng thì làm sao cạnh tranh được với phương thức vận tải khác.

Giờ đi đường sắt mà vé cao hơn hàng không thì hành khách không đi”.

“Toàn Tổng công ty Đường sắt to như thế mà cả năm chỉ thu lãi được 65 tỉ đồng và phấn đấu tăng lên được 69 tỉ vào năm 2016. Đưa ra con số như thế thì làm sao mà phát triển?

Lương lái tàu, nhân viên trên tàu không tăng được thì dẫn đến chuyện “bao khách” đi tàu...” - ông Thăng nói.

Phấn đấu “sáng ăn phở Hà Nội, tối uống cà phê Sài Gòn”

Ông Thăng bày tỏ lo lắng khi cho rằng qua các con số báo cáo có thể hình dung toàn bộ lãnh đạo tổng công ty tới các công ty chủ lực của ĐSVN vẫn bình thản, hài lòng với kết quả đạt được.

Trong khi đó ĐSVN lại có quá nhiều tin đồn, nay đồn người này đi, mai đồn người khác đi. Tin đồn ngược lên cả Bộ GTVT khiến vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đi hỏi bộ trưởng trong khi bộ trưởng cũng không biết.

“Điều này thể hiện trong nội bộ còn những điều chưa dân chủ, chưa công khai minh bạch... Làm sao sang năm tổng kết chỉ nói tới tin đồn có bao nhiêu người xin về đường sắt làm việc” - ông Thăng đề nghị.

Ông Thăng yêu cầu ĐSVN phải thay đổi theo thị trường bình đẳng giữa các phương thức vận tải, thu hút hành khách, thu hút đầu tư vào đường sắt.

Đồng thời phải xây dựng chiến lược hiện đại đường sắt với các tiêu chí cụ thể về hạ tầng, quản lý, nhân lực...

Phối hợp với Bộ GTVT để chuẩn bị phương án đầu tư đường sắt khổ 1,435m Bắc - Nam, sớm trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt, xây dựng những đoạn có nhu cầu đi lại bằng đường sắt cao.

“Việc này phải chuẩn bị cho tương lai, đất nước công nghiệp hiện đại thì không thể thiếu đường sắt...

Phải quan tâm món nợ người dân là đường sắt phải hiện đại, có đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao đúng với tinh thần sáng ăn phở Hà Nội, tối uống cà phê Sài Gòn” - ông Thăng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại