Theo đó, Bộ GTVT đề nghị JTC cung cấp danh tính những cán bộ đường sắt nhận tiền hối lộ trong dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (Hà Nội).
Ngoài ra, trong ngày 25-3, Bộ GTVT còn có văn bản gửi Đại sứ quán Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thông tin về tiến trình giải quyết cũng như quan điểm, thái độ trong việc tư vấn JTC khai đưa hối lộ cho cán bộ đường sắt VN.
Xác minh danh tính người nhận hối lộ
Chiều 25-3, trước khi lên đường đi Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói với Tuổi Trẻ mục đích chuyến đi Nhật của ông và đoàn công tác Bộ GTVT nhằm chủ động nắm thông tin về danh tính những lãnh đạo ngành đường sắt VN liên quan đến cáo buộc nhận hối lộ từ JTC.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết bản thân ông chưa xác định cụ thể thời điểm về nước vì phải tùy thuộc kết quả tiếp xúc, thu thập thông tin liên quan đến việc đưa hối lộ.
“Mục đích trong chuyến đi Nhật Bản là trao đổi với các đơn vị liên quan để thu thập thêm thông tin chứ không chờ đợi quá trình rà soát của các đơn vị” - ông Đông nói.
Về lịch trình tiếp xúc, làm việc tại Nhật Bản, theo ông Đông, do việc xác minh theo tinh thần rất khẩn trương nên ông sang Nhật cũng chưa có lịch tiếp xúc được sắp đặt sẵn, mà sẽ tùy tình hình cụ thể để xác định chương trình, các cơ quan sẽ tiếp xúc để thu thập thông tin.
Tuy nhiên theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, trong chuyến làm việc tại Nhật Bản, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cùng đoàn công tác Bộ GTVT sẽ đề xuất tiếp xúc và làm việc với giám đốc JICA, Cục Thuế khu vực Tokyo - nơi phát hiện hành vi đưa hối lộ của JTC từ tháng 4-2013 và các cơ quan liên quan của Nhật Bản đã được báo chí Nhật nêu.
“Mục đích gặp các đơn vị liên quan bên Nhật để nắm thông tin và phối hợp hành động. Nếu sớm có các thông tin chính thức về việc đưa hối lộ, quan điểm của bộ sẽ cho công khai ngay với công luận” - ông Đông nhấn mạnh.
Về việc Bộ GTVT có chính thức đặt vấn đề với các cơ quan Nhật Bản cung cấp danh tính những cán bộ, lãnh đạo của ngành đường sắt VN mà chủ tịch JTC khai đưa hối lộ, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói: “Bất kỳ người nào từ phóng viên, người dân đến các cơ quan chức năng cũng đều muốn biết thông tin đó. Bộ GTVT cũng có văn bản thể hiện rõ quan điểm về việc này”.
Theo ông Đông, việc đề nghị trực tiếp các cơ quan của Nhật Bản cung cấp danh sách những người liên quan đến việc nhận hối lộ sẽ tùy thuộc diễn biến các cuộc tiếp xúc và làm việc.
“Nếu có được danh sách sẽ lập tức chuyển về cho các cơ quan xem xét và thực hiện các bước tiếp theo” - ông Đông nói.
Thanh tra các dự án liên quan đến JTC
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Văn Huyện - chánh thanh tra Bộ GTVT - cho biết đã có quyết định thực hiện thanh tra đột xuất toàn bộ các dự án có sự tham gia của nhà thầu JTC.
“Mục đích của việc thanh tra nhằm làm rõ toàn bộ quá trình thực hiện đấu thầu, các thủ tục trong quá trình đấu thầu dự án có đúng theo quy định không. Do vậy, việc thanh tra sẽ được tiến hành ngay” - ông Huyện nói với Tuổi Trẻ.
Thanh tra Bộ GTVT cho biết sẽ thanh tra đột xuất công tác tổ chức, quản lý, thực hiện dự án xây dựng đường sắt nội ô Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi và một số dự án của Tổng công ty Đường sắt VN làm chủ đầu tư có sự tham gia của JTC.
Các tiểu dự án xây dựng đường sắt đoạn Hạ Long - Cái Lân, Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long do Cục Đường sắt VN làm chủ đầu tư cũng thuộc diện phải thanh tra.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, đi kèm với việc thanh tra các dự án có nhà thầu JTC, Bộ GTVT cũng quyết định lập tổ điều tra do cơ quan thanh tra bộ phụ trách.
“Việc đầu tiên tổ điều tra phải làm là nắm toàn bộ diễn biến và đề nghị phía Nhật Bản trao đổi các dữ liệu một cách chính thức và các chứng cứ liên quan. Nếu có tên tuổi, từng cá nhân bị cáo buộc nhận hối lộ, tổ điều tra sẽ làm việc với từng trường hợp.
Bộ Ngoại giao đề nghị Nhật Bản cung cấp thông tin
Chiều qua, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukada tại trụ sở bộ để trao đổi về nghi vấn JTC đưa hối lộ cho công chức VN nhằm được nhận thầu dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hết sức quan tâm đến vụ việc và chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan chức năng của VN chủ động xác minh và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Nhật Bản để thu thập hồ sơ tài liệu về vụ việc.
Ông khẳng định với Đại sứ Fukada là VN kiên quyết xử lý nghiêm vụ việc theo đúng quy định của pháp luật VN nếu vụ việc được điều tra là đúng như nghi vấn hiện nay, đồng thời đề nghị phía Nhật Bản phối hợp chặt chẽ với phía VN, sớm cung cấp thông tin để cùng với phía VN điều tra làm sáng tỏ vụ việc.
Trên bình diện rộng hơn, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị hai bên cần hoàn thiện cơ chế để phòng ngừa những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai để các dự án ODA của Nhật Bản tại VN được triển khai hiệu quả hơn nữa.
Cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc
Tin từ Viện KSND tối cao cho biết ngay sau khi có dư luận báo chí đưa tin chủ tịch JTC khai với Văn phòng công tố (Tokyo) về việc đưa hối lộ cho quan chức ngành đường sắt VN, tiếp nhận ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo viện đã giao Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng (Vụ 1b) chủ động nắm bắt thông tin và phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48, Bộ Công an) để xử lý vụ việc.
Theo một lãnh đạo Viện KSND tối cao, đến thời điểm này các cơ quan chức năng đang trong quá trình tiếp cận thông tin, khi có đầy đủ căn cứ pháp luật thì cơ quan điều tra có trách nhiệm tiến hành các thủ tục để khởi tố vụ án.
Cổng thông tin điện tử Bộ Công an ngày 24-3 cũng dẫn lời trung tướng Triệu Văn Đạt - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, phó thủ trưởng thường trực Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an - cho biết: “Căn cứ vào kết quả giải quyết sự việc của các cơ quan tư pháp Nhật Bản, trên cơ sở đó Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ thực hiện việc xác minh tin báo, tố giác về tội phạm cũng như thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật”.
Ông VŨ QUỐC HÙNG (nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư):vNên xác minh tài sản của cán bộ có liên quan
Theo tôi, ngoài những biện pháp nghiệp vụ mà các cơ quan chức năng phải thực hiện, có một kênh nữa mà chúng ta có thể xem xét là tiếp cận từ góc độ kiểm soát việc kê khai tài sản.
Hiện Bộ GTVT đã tạm dừng công tác một số cán bộ để làm giải trình. Theo lãnh đạo Bộ GTVT thì việc tạm dừng đó không có nghĩa khẳng định ai có vi phạm hay không vi phạm, chủ yếu là để các cán bộ đó có thời gian tập trung cho việc giải trình. Với tinh thần không làm oan người vô tội nhưng không được để lọt sai phạm, bên cạnh việc phát huy tính tự giác của cán bộ, cấp có thẩm quyền cũng nên kiểm tra, xác minh tài sản của những cán bộ liên quan trực tiếp và mang tính chất quyết định đối với những gói thầu có sự tham gia của JTC. Qua đó làm rõ việc kê khai tài sản có trung thực hay không, nguồn gốc tài sản tăng thêm từ đâu mà có, tính hợp pháp của tài sản tăng thêm như thế nào... Tất nhiên, đây chỉ là một kênh có thể xem xét, trong vụ việc này có lẽ kênh quan trọng nhất là liên hệ với các cơ quan chức năng Nhật Bản để thu thập hồ sơ tài liệu.
Ông ĐẶNG NGỌC DINH (giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng):vĐừng để tham nhũng ảnh hưởng tới toàn cục
Theo thông tin trên báo chí, khi chủ tịch JTC thừa nhận tập đoàn này đưa hối lộ cho quan chức ngành đường sắt của ba nước, chúng ta hiểu rằng JTC sử dụng “tiền túi” của mình, mục đích của họ là được trúng thầu dự án. Do vậy, theo pháp luật của nước sở tại, vấn đề chủ yếu của họ là vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh. Còn trong trường hợp quan chức ngành đường sắt nước nào nhận hối lộ của JTC (nếu có) thì đó là ăn vào nợ công của quốc gia. Nghĩa là ở đây có hai vấn đề khác nhau, đối với phía Nhật Bản là việc thực thi luật chống cạnh tranh không lành mạnh, còn đối với nước nhận vốn ODA của Nhật Bản là vấn đề phòng chống tham nhũng trong các dự án đầu tư công.
Chúng ta biết rằng theo xếp hạng về chỉ số cảm nhận tham nhũng thì Nhật Bản là một trong những nước trong sạch nhất thế giới (luôn đứng trong số 20 nước dẫn đầu trong số 177 nước được xếp hạng). Tuy nhiên, phải đặt câu hỏi vì sao khi ra nước ngoài thì một số công ty Nhật lại phải sử dụng đến những cách thức không minh bạch, có phải là họ “nhập gia tùy tục” hay không?
Chính vì vậy, một mặt chúng ta hoan nghênh các cấp có thẩm quyền, các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc để chủ động làm rõ thông tin trên báo chí về nghi vấn JTC hối lộ cho một vài cán bộ ngành đường sắt, mặt khác cần tổng kết thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về sử dụng nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA) theo tinh thần minh bạch và hiệu quả. Cụ thể ở đây là vấn đề đấu thầu quốc tế trong các dự án sử dụng vốn ODA. VN khẳng định và chứng minh là sử dụng hiệu quả vốn ODA, đừng để một vài cán bộ tiêu cực, tham nhũng làm ảnh hưởng đến toàn cục.