Trình bày nội dung dự thảo Luật căn cước công dân trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết trong tương lai thẻ căn cước công dân có thể thay thế hộ khẩu, nhằm đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ công dân.
Theo ông Nam, cơ sở dữ liệu căn cước công dân hiện nay chủ yếu được lưu trữ thủ công, không được kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc cấp, quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) chưa đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và thực hiện chính phủ điện tử. Một trong những yêu cầu đặt ra là “các thông tin trên CMND cần được nghiên cứu quy định để có thể tiến tới bỏ sổ hộ khẩu, đơn giản hóa giấy tờ cho công dân”.
"Con người khi được sinh ra đã là công dân rồi, con người và công dân có những quyền hiến định. Nhà nước phải phục vụ nhân dân, cho nên tư duy làm luật cũng phải xuất phát từ tinh thần ấy. Làm luật là để phục vụ nhân dân chứ không phải để quản lý nhân dân"
Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Chủ tịch Quốc hội
“Tiến tới bỏ sổ hộ khẩu”
“CMND là thẻ căn cước của công dân Việt Nam và là giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng nhận căn cước của người từ 15 tuổi trở lên, để sử dụng trong giao dịch, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam. Dự thảo luật quy định về nội dung CMND phản ánh được các thông tin cơ bản về căn cước của công dân phục vụ cho giao dịch, đi lại nhưng vẫn bảo đảm giữ bí mật đời tư cá nhân”, ông Nam cho biết.
Ông nhấn mạnh thêm: “Trên CMND có thông tin về nơi thường trú của công dân và do đó về lâu dài, có thể nghiên cứu tiến tới dùng CMND thay cho sổ hộ khẩu. Trên CMND cũng có thông tin về họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc.
Các thông tin này trên CMND được tích hợp từ giấy khai sinh và các giấy tờ liên quan khác nên công dân có thể sử dụng CMND để chứng minh các thông tin này trong giao dịch, đi lại mà không cần phải mang các giấy tờ khác liên quan”.
Về tên gọi của thẻ, Chính phủ đề nghị vẫn giữ lại tên CMND vì tên này lâu nay nhân dân quen dùng, hơn nữa hiện có rất nhiều loại giấy tờ, giao dịch liên quan đến CMND nên thay đổi tên gọi sẽ rất phức tạp.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng với những nội dung thông tin, giá trị sử dụng của loại thẻ mới này, cũng như đã gọi tên luật là Luật căn cước công dân thì cũng nên gọi tên là thẻ căn cước công dân.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị quy định cả nội dung, hình thức thẻ căn cước công dân phải phù hợp với thông lệ quốc tế. “Người ta sản xuất ra cái thẻ căn cước công dân có kích cỡ chuẩn và những nhà sản xuất ra cái ví kích cỡ cũng phù hợp để đựng cái thẻ đó, nhưng riêng CMND của ta lại một kiểu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Tôi cho rằng nghiên cứu thẻ căn cước công dân để thay thế hộ khẩu là tiến bộ. Với dãy số định danh ghi trên thẻ, chỉ cần tra trên máy là có hết thông tin cha mẹ, con cái, quan hệ,... không cần sổ hộ khẩu nữa. Trên thế giới người ta đều quản lý như vậy cả”, bà Ngân nói.
Giảm được bao nhiêu loại giấy tờ?
Đó là câu hỏi lớn nhất được nhiều người cùng đặt ra. “Chúng ta đã và đang làm nhiều luật liên quan đến giấy tờ người dân: lý lịch tư pháp, hộ tịch, nay lại thêm căn cước. Liệu chúng ta làm nhiều luật như vậy thì có giảm thủ tục hành chính, giấy tờ công dân hay không? Hay lại tăng thêm thủ tục, giấy tờ, gây khó khăn thêm cho sự đi lại, giao dịch của người dân?”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề.
Đó cũng là thắc mắc của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: “Hiện nay dự án Luật hộ tịch vẫn mắc khi chưa trả lời được câu hỏi là làm luật này thì giảm được bao nhiêu giấy tờ cho công dân, công dân sẽ được những thuận lợi gì?”.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, thống kê sơ bộ cho thấy hiện nay Bộ Tư pháp quản lý ba loại giấy tờ chính, Bộ Công an quản lý ba loại giấy tờ chính và có tới 356 loại giấy tờ, thủ tục hành chính phải cần có CMND. “Ba trăm mấy chục loại giấy tờ cần đến CMND, dân nào chịu nổi”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gay gắt.
“Khi tôi mới sinh ra là tôi đã có nhu cầu khám chữa bệnh, nhu cầu sử dụng các phương tiện đi lại như lên máy bay. Vì vậy khi sinh ra thì có giấy khai sinh là cơ sở dữ liệu đầu tiên của căn cước, đến khi tôi đủ điều kiện để nhận dạng, lăn tay và có thêm các thông tin khác, tức là từ 15 tuổi thì tôi làm thẻ căn cước công dân và từ đó dùng cái thẻ này cho mọi giao dịch. Sao ở ta lắm loại giấy tờ, lắm loại thẻ thế? Sổ hộ khẩu, sổ hộ tịch, giấy khai sinh, CMND, bây giờ các đồng chí nói có thẻ căn cước công dân rồi lại có thẻ công dân điện tử nữa... Lẽ ra tôi là công dân tôi chỉ cầm một cái thẻ thôi, quản lý là việc của Nhà nước, ông muốn điện tử thì ông làm điện tử rồi ông cắm vào là nó ra hết thông tin”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phân tích.
Ông đề nghị các cơ quan của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công an và Bộ Tư pháp ngồi lại với nhau, rà soát xem quan hệ của các loại thẻ như thế nào, ra cái thẻ mới phải thay thế được nhiều loại giấy tờ cũ. “Tóm lại, mỗi công dân có một số định danh, một sổ dữ liệu chung và một thẻ căn cước. Khi toàn dân có thẻ căn cước rồi thì thẻ này có thể thay cho hộ khẩu”, Chủ tịch Quốc hội gợi ý.
Dự án Luật căn cước công dân sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5 tới đây, nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm thì luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.
Số CMND là số định danh cá nhân
Số CMND mới là một dãy số gồm 12 chữ số tự nhiên. Nếu như trước đây, số CMND sẽ thay đổi khi công dân thay đổi nơi thường trú từ tỉnh này sang tỉnh khác nên rất khó quản lý vì có thể lặp lại ở người khác, thì nay dự thảo luật quy định số CMND là số định danh cá nhân và gắn với riêng công dân đó, không lặp lại ở người khác.
Hiện thời hạn sử dụng CMND là 15 năm. Tuy nhiên, do ở mỗi độ tuổi khác nhau thì mức độ thay đổi về đặc điểm nhân dạng là khác nhau, dự thảo luật quy định theo hướng thời hạn sử dụng của CMND tương thích với từng độ tuổi nhất định; trong đó, thời hạn sử dụng CMND kể từ ngày cấp là 10 năm đối với người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi, 15 năm đối với người từ đủ 25 tuổi đến dưới 55 tuổi. Người từ đủ 55 tuổi trở lên thì không xác định thời hạn.
Đối với CMND đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; trường hợp cần đổi theo mẫu quy định tại luật này thì thực hiện theo luật này.
Trích Tờ trình của Chính phủ