Trường Sa 1988: Những mệnh lệnh lạ lùng của Đô đốc Giáp Văn Cương

Lý Minh Sơn |

(Soha.vn) - Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Cục phó Cục tác chiến, nói: “Đô đốc Giáp Văn Cương suốt đời tận tụy để bảo vệ lợi ích biển đảo của Việt Nam”.

 Thông tin - hình ảnh - video clip giá trị, độc quyền về HẢI CHIẾN TRƯỜNG SA 1988

Nhắc đến Trường Sa là nhắc tới một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, nhắc tới “vòng tròn bất tử” và những trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhớ tới Đô đốc Giáp Văn Cương – vị Đô đốc đầu tiên của Việt Nam đã luôn hết mình thực hiện nhiệm vụ giữ gìn biển đảo mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao phó. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh – nguyên Cục phó Cục tác chiến, người đã có nhiều năm tiếp xúc với Đô đốc Giáp Văn Cương và ra Trường Sa trong những ngày tháng 3 lịch sử này.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh mở đầu câu chuyện với chúng tôi về Trường Sa bằng nhận định về những chiếc tàu ngầm Kilo Việt Nam mua của Nga. Vốn là lính tên lửa, tướng Nguyễn Văn Ninh đánh giá vai trò của binh chủng tàu ngầm đối với hải quân Việt Nam, tướng Ninh cho rằng tàu ngầm với hải quân như tên lửa đối với Phòng không – Không quân Việt Nam. Trong chiến tranh, trận thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 đã nói lên vai trò quan trọng của tên lửa. Trong bối cảnh hiện nay, đối với Hải quân, binh chủng tàu ngầm cũng có vai trò quyết định như thế.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - nguyên Cục phó Cục Tác chiến (Ảnh: Tuấn Nam)
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - nguyên Cục phó Cục Tác chiến (Ảnh: Tuấn Nam)

Nói về biển đảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho rằng: “Làm chủ đảo, làm chủ chiến trường biển đảo gồm cả biển và cả đảo. Những đảo là những chiến hạm không thể chìm. Hải quân của ta còn yếu nên chúng ta phải có những đảo để giữ biển.

Dù Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa nhưng tôi cũng xin nhắc lại rằng chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là điều không thể phủ nhận. Bằng chứng là người dân của ta vẫn ra đánh cá ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa để khẳng định chủ quyền Tổ quốc.

Biển là vấn đề chiến lược từ thế kỷ 21. Người ta sẽ giành nhau từng tấc biển. Liên quan đến khủng hoảng chính trị ở Ukreine, trước đây, tôi đã ở Ukraine 9 tháng gần Crimea nên khi ở Ukraine có khủng hoảng chính trị, tôi đã nghĩ ngay rằng Nga sẽ đưa quân đến Crimea và y rằng như thế. Nói như thế để thấy rằng biển ở vị trí nào cũng đều rất quan trọng với bất kỳ một quốc gia nào. Rất khổ cho các nước không có biển”.

Ra Trường Sa nhiều lần trong khoảng thời gian từ năm 1976 cho đến 1995, tướng Nguyễn Văn Ninh là người khá am hiểu cuộc sống người lính trên đảo. Ông Ninh chia sẻ: “Cuộc sống của những anh em giữ đảo trong thời kỳ đó hết sức khó khăn. Ở Trường Sa, anh em có một định nghĩa về nước ngọt, tôi cho là tài tình lắm. Nước ngọt ở Trường Sa là nước nấu chín cơm. Ở đó chỉ có nước lợ thôi, loại nước có hàm lượng muối thấp hơn nước biển thì được gọi là nước ngọt chứ làm sao có nước ngọt như trong đất liền”.

Nhớ về Đô đốc Giáp Văn Cương, ông Ninh không giấu được sự xúc động và nói: “Đô đốc Giáp Văn Cương suốt đời tận tụy để bảo vệ lợi ích biển đảo của Việt Nam. Khi ra đảo, Đô đốc Giáp Văn Cương đi đến đâu cũng hỏi 3 ý. Thứ nhất, sau khi nhìn ra xung quanh đảo, ông Cương hỏi: “Cho các cậu nói, kẻ địch muốn chiếm đảo này thì sẽ đánh như thế nào?”. Khi đó anh em sẽ phân tích đặc điểm địa hình của hòn đảo đó và phát biểu ý kiến.

Đô đốc Giáp Văn Cương với công binh xây dựng đảo Tiên Nữ (Ảnh tư liệu)

Đô đốc Giáp Văn Cương với công binh xây dựng đảo Tiên Nữ (Ảnh tư liệu)

 

Nghe xong ý kiến của anh em, ông Cương hỏi tiếp: “Nếu quân địch lên đảo để chiếm đảo, ta đánh như thế nào? Các cậu sẽ đánh trả lại như thế nào để chiến thắng, giữ được đảo?”. Sau đó, ông Cương nghe anh em trả lời. Và câu cuối ông ấy mới hỏi “Cuộc sống của các cậu thế nào? Có khó khăn quá không?”. Khi đó anh em mới trả lời là: “Chúng con vất vả lắm bố ơi”. Tướng Cương cười khà khà rồi nói: “Được. Từ từ rồi chúng ta sẽ cùng giải quyết”.

Sau đó ông đưa mọi người đi khắp đảo và nói chuyện với những đảo trưởng, đảo phó. Không những vậy, ông còn viết ra toàn bộ ý kiến của mình về cách giữ đảo đó và dặn rằng khi có kẻ muốn chiếm đảo, anh em đừng có đánh xối xả một lúc, có thể ẩn nấp ở chỗ nào tùy vào đặc điểm của từng đảo. Và cho đến ngày nay, những ý kiến giữ đảo đó vẫn còn nguyên giá trị. Do điều kiện lịch sử và kinh tế khác nhau thì cách giữ đảo có thay đổi chút ít so với ban đầu. Với tư cách là Cục phó Cục tác chiến, những lần sau đó tôi ra, tôi có bổ sung ý kiến và cách đánh để giữ đảo nhưng về cơ bản phương án tác chiến giữ đảo là của Đô đốc Giáp Văn Cương”.

Với điều kiện của ta hiện nay, theo tướng Ninh, quân địch nếu có số lượng áp đảo thì có thể chiếm được đảo nhưng sẽ không giữ được đảo.

Nhớ về kỷ niệm với Đô đốc Giáp Văn Cương, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể tiếp: “Mùa hè năm 1988, anh Giáp Văn Cương dẫn đầu đoàn chúng tôi ra thăm đảo đá Tiên Nữ, đảo xa nhất về phía Đông của Tổ quốc. Anh Cương chỉ cho đoàn biết: “Đây là địa điểm dự định xây ngọn hải đăng” rồi nhìn ra bốn phía trời biển mênh mông. Với nét mặt rạng rỡ, sém nắng, anh bảo chúng tôi phát biểu. Đi cùng trong đoàn, tôi nhanh miệng đọc: “Từ độ ra đây xây đèn biển/ Biển Đông thêm nhớ đất Thăng Long”. Anh Cương liền nói: “Rất Nghệ! Đúng đấy!”.

Nghe anh nói câu đó, tôi cùng cả đoàn cùng cười vui bởi ai cũng hiểu ý anh rằng hai câu đó vừa đậm chất “Huỳnh Văn Nghệ” (Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977, Anh hùng LLVTND): “Ai về xứ Bắc ta đi với. Thăm lại non sông giống Lạc Hồng. Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” - PV), vừa pha màu “đồ Nghệ" (tôi sinh ra ở xứ Nghệ), rất trúng tim mọi người".

Nói về tinh thần chỉ huy của đô đốc Giáp Văn Cương, Tướng Ninh kể: “Đầu năm 1988, với sự nhạy bén trước tình hình đột biến nhanh ở Trường Sa, anh Cương đã có quyết tâm đối phó để chủ động giữ đảo. Vào dịp Tết năm 1988, anh Cương đã ra những mệnh lệnh lạ lùng nhưng rất chuẩn xác: “Không có Tết, tất cả cơ quan báo động, toàn bộ cơ quan vào Cam Ranh”. Anh ấy ra lệnh: “Tình hình này huy động toàn bộ lực lượng ra giữ đảo, tập trung huy động tàu to, tàu nhỏ, tàu đánh cá ra đứng chân trên các đảo, cùng một lúc, trên nhiều điểm, trên nhiều đảo xa bờ. Phải dồn toàn bộ lực lượng huy động giữ đảo, chở đá, cát, xi măng khẩn trương xây đảo”. Vậy là mùng 1 Tết năm ấy tôi ra tiễn anh lên máy bay vào Cam Ranh. Trước khi lên máy bay, tôi đã tặng anh một bao thuốc lá Điện Biên và nói với anh rằng ở ngoài Hà Nội, tôi sẽ liên tục liên lạc với anh để nắm tình hình”.

“Tôi còn nhớ những lần làm việc với anh Giáp Văn Cương, anh thường nhắc lại lời dạy của Bác Hồ ngày 15/3/1961: “Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Nhắc lại lời dạy đó, tôi muốn nhắn nhủ tới thế hệ trẻ Việt Nam hãy thấm nhuần lời dạy đó. Phải tâm niệm rằng Việt Nam có giàu có được là phải dựa vào kinh tế biển. Thế nên ta phải gắng giữ gìn từng tấc biển, tấc đảo. Anh em trẻ nên đọc, hiểu và học tập tư tưởng của cha ông ta từ những câu chuyện lịch sử về cha ông ta đã ra Hoàng Sa để làm chủ biển đảo như thế nào. Tôi cũng muốn khẳng định lại một lần nữa: Các bạn trẻ Việt Nam, đừng bao giờ quên Hoàng Sa là của Việt Nam và chúng ta phải đòi lại”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nhấn mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại