"Sau 2 tiếng, sóng thần có thể vượt biển Đông vào Việt Nam"

Phương Nhi |

(Soha.vn) - PGS.TS Nguyễn Hồng Phương (Viện Vật lý địa cầu): không thể phủ nhận sự hiện hữu của hiểm họa sóng thần đối với VN, sẽ thật sai lầm nếu người dân coi nhẹ hiểm họa này.

Việt Nam có mối hiểm họa động đất khá cao

Cách đây 9 năm, sau khi xảy ra trận động đất ở Indonesia (năm 2004), sóng thần ở Nam Á vào tháng 12/2004 và trận động đất kinh hoàng tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 12/5/2008, những người dân Việt Nam cũng bắt đầu hoang mang trước sức tàn phá ghê gớm của động đất. Nhưng sự lo lắng đó chỉ rộ lên một khoảng thời gian rất ngắn.

Tuy nhiên, trận động đất với cường độ lớn 9 độ richter đi kèm thảm kịch sóng thần tại Nhật Bản năm 2011 đã gây bàng hoàng không chỉ cho người dân đất nước mặt trời mọc mà còn cho toàn thế giới.

Và mới đây, siêu bão Haiyan đã cướp đi mạng sống hơn 2.000 người dân Philippines khiến cả thế giới không khỏi lo lắng về hiểm họa từ thiên tai mà loài người phải đối mặt trong thời gian tới.

Thậm chí, với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, Việt Nam cũng hoàn toàn có thể bị nhấn chìm như Philippines trong tương lai.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết: Mặc dù cho đến nay, thiệt hại về người do động đất gây ra tại nước ta là không đáng kể so với thiệt hại do các thiên tai khác như bão, lụt, hoả hoạn, v.v…, song sẽ thật là sai lầm nếu coi nhẹ các hiểm hoạ động đất.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu).
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu).

Một số đô thị lớn và các khu công nghiệp của Việt Nam hiện nay đang nằm trên những khu vực có độ nhạy cảm cao trước những rung động địa chấn.

Chẳng hạn, thủ đô Hà Nội hiện đang nằm trên vùng được dự báo phải chịu đựng chấn động cấp 8. Các khu vực dân cư và các công trình thuỷ điện lớn của đất nước tại Tây Bắc như Điện biên, Lai Châu, Sơn La... có thể phải chịu đựng những chấn động cấp 8-9 trong tương lai.

Đà Nẵng, Dung Quất và một số khu vực đô thị của miền Trung nước ta cũng nằm trong vùng có thể chịu ảnh hưởng chấn động của động đất tới cấp 7.

Mặc dù không nằm trên “vành đai lửa”, Việt Nam vẫn có mối hiểm họa động đất khá cao. Những trận động đất mạnh nhất đạt tới 6,7-6,8 độ Richter và tương đương đã được ghi nhận trong lịch sử (1 trận vào thế kỷ 14 và 2 trận vào thế kỷ 20) trên phần tây bắc lãnh thổ.

Phần phía nam của đất nước cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của động đất. Ngày 8/11/2005, một trận động đất có độ lớn 5,1 độ Richter đã xảy ra ở vùng biển gần Vũng Tàu. Tại thành phố Hồ Chí Minh, chấn động lan truyền từ các trận động đất đã làm rung chuyển các toà nhà cao tầng, gây hoảng loạn trong nhân dân.

Qua nghiên cứu, ông Phương nhận định: “Miền Bắc Việt Nam có độ hoạt động động đất mãnh liệt hơn nhiều so với miền Nam Việt Nam. Những trận động đất mạnh nhất tập trung tại vùng tây bắc lãnh thổ Việt Nam. Trên phần phía nam đất nước, động đất xảy ra chủ yếu ở ngoài khơi, trên vùng thềm lục địa miền Trung và đông nam Việt Nam”.

Sau 2 tiếng, sóng thần có thể vượt biển Đông vào Việt Nam

Không chỉ động đất, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, hiểm họa sóng thần đối với Việt Nam cũng luôn hiện hữu và nó đến từ khu vực vùng nguồn trên biển Đông. Trong đó nguy hiểm nhất là vùng nguồn nằm tại phía Tây của Philippines - nơi có đới đứt gãy kéo dài 1.200 km mang tên Máng biển sâu Manila. Đây là một đới hút chìm có khả năng gây ra những trận động đất lớn phát sinh sóng thần.

Các cơ quan khoa học trong khu vực đã có ghi nhận về những trận động đất mạnh tới 7,6 độ Richter. Nếu một ngày nào đó, các cơ chế của đới đứt gãy này phù hợp với điều kiện phát sinh sóng thần thì sóng thần sẽ đổ ập vào Việt Nam. Chỉ sau 2 tiếng đồng hồ để sóng thần đi qua toàn bộ biển Đông để đổ bộ vào bờ biển nước ta. Đây là những tính toán rất chính xác về định lượng của các nhà khoa học Việt Nam cho tới thời điểm hiện nay.


	Tại Việt Nam, Thống kê của Viện Vật lý Địa cầu cho thấy, chỉ tính từ năm
	1989 đến 2002, trên lãnh thổ nước ta đã có ít nhất 18 trận động đất… (Ảnh minh họa)

Tại Việt Nam, Thống kê của Viện Vật lý Địa cầu cho thấy, chỉ tính từ năm
1989 đến 2002, trên lãnh thổ nước ta đã có ít nhất 18 trận động đất… (Ảnh minh họa)

Các kịch bản sóng thần đã được xây dựng để đánh giá độ nguy hiểm sóng thần trên toàn dải ven biển Việt Nam. Đối với trường hợp có thể xảy ra động đất 8,5 độ richter ở đới hút chìm Máng biển sâu Manila (tây Philippines) sóng thần cao 3-4m có thể tấn công vào vùng biển Trung Bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà.

Khi đó, tại các vùng biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng cũng xuất hiện sóng thần với độ cao nhỏ từ 30-50cm.

Theo các nhà khoa học, khả năng sóng thần trên bờ biển Việt Nam không lớn nhưng thật sự tiềm ẩn khả năng này. Nếu có sóng thần xảy ra thì khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất là Trung Trung Bộ mà nặng nhất là từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi!

Bản thân Nhật Bản - một quốc gia có trình độ phát triển khoa học kỹ thuật cao, nhiều chuyên gia nghiên cứu địa chấn cũng đã phải "bất lực”, họ không lường trước được sức tàn phá ghê gớm của động đất, sóng thần khi có 25.000 người chết và mất tích chỉ trong khoảng thời gian tính bằng phút và hoàn toàn bất ngờ với sự cố rò rỉ hạt nhân của nhà máy Fukushima.

Động đất và sóng thần luôn xảy ra ngẫu nhiên và bất thình lình, đặc biệt, khi nó tới thì rất nhanh và để lại hậu quả nghiêm trọng. Không ít người đã mất hết niềm tin vào khả năng dự báo các hiểm họa thiên tai này.

“Hiện tại, việc dự báo trước để người dân kịp chuẩn bị sơ tán là một đòi hỏi vượt quá khả năng của khoa học địa chấn thế giới. Cách tốt nhất để phòng tránh những tổn hại khủng khiếp do động đất hay sóng thần gây ra đó là trang bị kiến thức, sự hiểu biết để biết được cách tự cứu mình khi có động đất xảy ra” - PGS.TS Nguyễn Hồng Phương nhấn mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại