LTS: Gần một năm trước, Trưởng đoàn đàm phán Philippines đã từng bật khóc khi ông kêu gọi thế giới “xin đừng trì hoãn thêm nữa, đừng bao biện thêm nữa”, bởi cơn bão Bopha đã nhấn chìm một nửa của đất nước vốn chưa từng chứng kiến một cơn bão nào mạnh như thế từ nửa thế kỷ này. Đến năm 2013, siêu bão Haiyan lại tiếp tục cướp đi 2.000 – 2.500 sinh mạng của người dân Philippines.
Những giọt nước mắt của nhà đàm phán Philippines đã thức tỉnh những người con đất Việt phải nhìn thẳng vào thực tế khắc nghiệt mà chúng ta phải đối mặt. Liệu trong thời gian tới, VN có phải hứng chịu một siêu bão Haiyan tương tự như Philippines hay không?
Chúng tôi đã có buổi trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, hiện là Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) về vấn đề này.
- Thưa ông, siêu bão Haiyan vừa đi qua Philippines ít ngày. Ông có đánh giá gì tình hình biến đổi khí hậu hiện nay?
GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ: Tình hình biến đổi khí hậu, nổi bật nhất là hiện tượng trái đất nóng lên gây nhiều biến đổi trong hệ thống khí hậu trái đất, trong đó có các thiên tai và hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới ,nắng nóng, hạn hán, mưa lớn, rét đậm, rét hại, lũ lụt, lốc… lặp đi lặp lại và năm nào cũng xảy ra.
Trong điều kiện trái đất ngày càng nóng lên, lượng nhiệt được tăng thêm trong hệ thống khí hậu trái đất. Trong số đó, đại dương hấp thụ nhiệt nhiều nhất vì đại dương chiếm ¾ diện tích bề mặt trái đất, khối lượng nước rất lớn và nhiệt có thể được truyền xuống rất sâu.
Khi hấp thụ lượng nhiệt lớn như thế, để duy trì cân bằng nhiệt giữa khí quyển và đại dương, đại dương phải tìm cách để giải tỏa nhiệt vào khí quyển. Có 2 cơ chế chủ yếu: Thứ nhất phải bốc hơi nhiều hơn, thông qua bốc hơi , đại dương mất nhiệt còn khí quyển nhận được nhiệt. Cơ chế thứ 2 thông qua đối lưu, tức là chuyển động thẳng đứng của không khí giữa đại dương và khí quyển. Cơ chế đối lưu mạnh nhất trên đại dương là bão và áp thấp nhiệt đới.
Đối lưu mạnh lên, bão phải mạnh lên. Đó là lý do tại sao các cơn bão càng ngày càng dữ dội hơn, sức càn quét khủng khiếp hơn.Các nhà khoa học đã cảnh báo và ở Việt Nam, tôi cũng đã phát biểu nhiều lần là những cơn bão mạnh sẽ càng ngày càng nhiều hơn, mạnh hơn và bằng chứng là đã có rồi. Những năm gần đây, số lượng cơn bão mạnh tăng lên đáng kể.
- Với tình hình biến đổi khí hậu như ông đã nói, sắp tới, liệu VN có gặp thảm cảnh như ở Philippines hay không, thưa ông?
GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ: Mặc dù lần này, VN không gánh chịu thảm cảnh như ở Philippines nhưng những cơn bão mạnh như thế hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai. Hiểm họa vẫn còn và luôn rình rập chúng ta bất cứ lúc nào. Bởi lẽ, biến đổi khí hậu hiện nay vẫn đang diễn ra, không những thế, còn biến đổi nhanh hơn trước, tốc độ nóng lên toàn cầu có thể sẽ nhanh hơn, trong khi, thế giới chưa làm được gì để ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Hơn nữa, VN lại nằm gần ổ bão Tây Bắc Thái Bình Dương, một ổ bão lớn nhất thế giới, chắc chắn sẽ phải chịu ảnh hưởng của các cơn bão mạnh như Haiyan trong tương lai. Bão mạnh chắc chắn sẽ còn nhiều, không thể tránh được. Vì vậy, chúng ta không được phép chủ quan dù bất cứ thời điểm nào. Khi có tin dự báo bão có thể đổ bộ vào vùng nào thì vùng đó cũng như các vùng lân cận phải chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.
- Haiyan đã cướp đi mạng sống của hơn 2.000 người dân Philippines. Nếu siêu bão như Haiyan vào Việt Nam, sức tàn phá tại đất nước VN sẽ khủng khiếp như thế nào, khi tầm hiểu biết, trang bị kiến thức phòng chống thiên tai của người VN còn hạn chế?.
GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ: Đặt giả thuyết, nếu bão Haiyan vừa qua đổ bộ vào VN, thiệt hại về người sẽ không nhiều vì miền Trung đã sơ tán được nhiều dân. Nhưng sức phá hủy sẽ rất lớn, gió mạnh gây đổ nhà cửa, công trình, thậm chí đê điều bị vỡ. Mực nước biển dâng cao do bão có thể lên tới 4 – 5m, khi đó, các công trình ven biển có thể bị phá hủy. Điều đó rất nguy hiểm.
- Nguy hiểm như vậy, tuy nhiên, công tác chuẩn bị của Việt Nam trước các đợt bão đã thực sự đảm bảo chưa, thưa ông?
GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ: Đợt siêu bão Haiyan vừa qua, miền Trung đã tổ chức sơ tán tốt, ước tính có 800.000 người đã sơ tán kịp thời. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo ngay từ đầu, các địa phương tích cực vào cuộc quyết liệt và người dân hưởng ứng. Đừng nghĩ siêu bão Haiyan không đổ bộ trực tiếp vào miềm Trung, việc sơ tán là không có ý nghĩa, tôi nghĩ, công tác chuẩn bị vừa qua là một bài học, một cuộc tổng tập rượt rất tốt, những lần sau, khi phải đối mặt với hiểm họa thiên nhiên, người dân có thêm nhiều kinh nghiệm hơn.
Philippines tan hoang sau siêu bão Haiyan.
- Có người cho rằng: Sẽ là sai lầm nếu coi nhẹ hiểm họa từ thiên nhiên. Quan điểm của ông xung quanh vấn đề này?
GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ: Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm này, không được coi nhẹ, không được chủ quan vì chúng ta không thể lường trước do chưa từng bị sóng thần, động đất hay núi lửa lớn xảy ra.
- Vậy trong các thảm họa thiên nhiên tiềm ẩn tại Việt Nam, hiểm họa nào đáng lo ngại nhất, ông có thể cho độc giả biết?
GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ: Động đất, sóng thần hay núi lửa là những hiểm họa lớn có thể xảy ra tại Việt Nam, tuy nhiên, do nước ta không nằm trong vùng đứt gãy lớn nên không có những trận động đất mạnh, sóng thần hay núi lửa thường xuyên xảy ra như Nhật Bản hay một số nước khác.
Mặc dù sóng thần đã từng xảy ra ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương nhưng ở biển Đông thì chưa, vì biển Đông hẹp hơn, có các dãy đảo chắn, tuy nhiên, không ngoại trừ có trận động đất ở dưới đáy ở Biển Đông hoặc sát phía Đông ở Philippines thì vẫn có thể di chuyển đến VN nên mình cần phải cảnh giác.
Hiểm họa thiên tai mà nước ta thường xuyên hứng chịu nhất đó là bão, lũ.
Bằng chứng là, trong năm 2013, tính tới thời điểm hiện tại (tháng 11/2013), VN đã có 3 cơn bão mạnh được coi là “siêu bão”.
Đầu tiên là bão Wutip đổ bộ vào miền Trung vào cuối tháng 9/2013, gió cấp 12 – 13, giật cấp 16 – 17, tàn phá các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế.
Tiếp theo, giữa tháng 10/2013, siêu bão Nari tiếp tục đổ bộ vào miền Trung, cường độ gió mạnh cấp 12 – 13, giật cấp 15 – 16. Đà Nẵng – tâm của cơn bão Nari tan hoang, nhà cửa đổ nát, trong khi nhiều địa phương ở Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình phải đối mặt với ngập lụt sau bão.
Và mới đây là siêu bão Haiyan – một trong 4 siêu bão khủng khiếp nhất của nhân loại, sức gió mạnh lên tới 320 km/h.
Thông thường, một cơn bão di chuyển với tốc độ trung bình vào khoảng 15 – 20 km/h nhưng cơn bão Haiyan đi rất nhanh với tốc độ lên tới 30 – 35km/h và gần như trên một đường thẳng cho đến khi vào gần bờ biển nước ta.
Khi tới gần bờ biển VN, bão Haiyan vẫn không giảm tốc độ, cường độ cũng không giảm đi, do đó, mọi dự báo ở các nước khác đều nghĩ siêu bão này sẽ đổ bộ vào miền Trung VN. Nhưng cơn bão Haiyan hoàn toàn không theo diễn biến thông lệ, khi đi cách biển Nghệ An – Thanh Hóa khoảng 200km về phía Đông, bão không di chuyển chậm mà lại đột ngột đổi hướng đi lên.
Đây có thể coi là một may mắn, dù không dự báo trước được.
Ngoài bão ra, VN còn xuất hiện những cơn giông tố, lốc mạnh, sức tàn phá không thua kém gì siêu bão, thậm chí mạnh hơn, tuy nhiên, phạm vi hẹp hơn. Điều đáng nói là tố, lốc đều đến rất bất ngờ, không thể dự báo trước, vì thế vô cùng nguy hiểm. Nếu xảy ra trên biển hoặc trên đất liền, những cơn tố, lốc mạnh sẽ cuốn phăng đi tất cả.
Ở Mỹ có hàng trăm cơn tố, lốc mỗi năm. Ở VN, số lượng ít hơn nhiều và xuất hiện rải rác, nhưng trong điều kiện biến đổi khí hậu vẫn đang diễn ra như hiện nay, đất trống, đồi núi trọc ở VN càng ngày càng nhiều, tố lốc có thể xuất hiện nhiều hơn trong tương lai, hiện tượng mưa lớn sẽ tăng lên dẫn tới sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt kéo dài ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.
Vì vậy, chúng ta phải hết sức cảnh giác.
Trân trọng cảm ơn ông về buổi phỏng vấn này!