Năm 2012, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 18 (COP18) ở Doha, Qatar, Trưởng đoàn đàm phán Philippines Yeb Sano nói rằng mỗi mùa mưa bão tàn phá đã lấy đi của Philippines hơn 2% GDP và công việc tái thiết mất thêm 2% nữa, có nghĩa là nước này mất đi gần 5% GDP mỗi năm vì bão.
Thế nhưng theo ông Sano, Philippines chưa từng nhận được một khoản tài chính nào để ứng phó với biến đổi khí hậu hoặc chuẩn bị phòng tránh bão và các hình thái thời tiết khắc nghiệt khác mà họ đang phải trải qua.
Phát biểu trên tờ The Guardian, Sano cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được bất cứ đồng tiền nào từ các nước giàu có để giúp thích ứng. Vì vậy, ngày càng có nhiều người chết mỗi năm. Tôi cảm thấy rất thất vọng... Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế”.
Ở những quốc gia công nghiệp giàu có - thủ phạm lớn nhất gây biến đổi khí hậu, các bộ phim về thiên tai vẫn giống như một hình thức giải trí. Một cơn đại hồng thủy có nguy cơ đe dọa Trái Đất lại chỉ được xem như ngành khoa học viễn tưởng.
COP19 diễn ra ngay sau khi Haiyan, siêu bão khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại, được cho là đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 người Philippines (theo số liệu của một số quan chức địa phương vùng cơn bão đi qua), hay ít nhất cũng là 2.500 người, theo ước tính do Tổng thống Philippines công bố.
Nhưng liệu đây có phải thời khắc thảm kịch biến đổi khí hậu đổ bộ lần cuối cùng xuống hành lang chính trị khí hậu?
Các đoàn COP đã đứng dậy, đã bật khóc và hoan nghênh Trưởng đoàn đàm phán Philippines Yeb Sano khi ông kết thúc bài phát biểu chấn động và tuyên bố tuyệt thực cho tới khi các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu ở Ba Lan đạt được bước tiến ý nghĩa nào đó.
“Để đoàn kết với đồng bào tôi, những người đang đấu tranh để tìm thức ăn ở nhà và với em trai tôi, người chưa ăn gì suốt ba ngày qua... bây giờ tôi sẽ bắt đầu tình nguyện tuyệt thực vì khí hậu. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ tự nguyện không ăn trong COP này cho đến khi thấy được một kết quả có ý nghĩa.”
Trang web của tổ chức phi lợi nhuận Truthout (Mỹ) đặt câu hỏi: Tại sao không có một giải Nobel nào cho những nỗ lực anh hùng như thế? Và tại sao những hành động tiếp tay hủy hoại Trái đất như các tập đoàn công nghiệp và các quốc gia phát triển đang làm không thể bị trừng phạt như một tội phạm quốc tế chống lại nhân loại?
Trang campaignstrategy.org bình luận: “Chúng ta hãy hy vọng, vì siêu bão Haiyan là một điềm gở mà thế giới không thể cố tình làm ngơ. Biến đổi khí hậu không phải là một trò chơi hay một sự lựa chọn chính trị. Nó là một thực tế cũng nguy hiểm như cơn thủy triều đang đe dọa cuốn phăng mỗi gia đình. Chúng ta hãy hy vọng, truyền thông sẽ khiến Yeb Sano trở nên nổi tiếng để bài phát biểu tuyệt vời của ông có thể góp phần chặn đứng cơn thủy triều độc ác ấy.”