Ấy vậy người ta vẫn bình thản “chờ”, rồi tìm cách đổ - tránh trách nhiệm khi phát hiện trong trụ cầu có gạch!
Thật tình cờ khi cái giây phút cầu treo đổ sập giữa một bản làng nghèo vùng Tây Bắc lại được một người dân ghi lại. Thay vì tưởng tượng qua “lời kể nhân chứng”, hàng triệu người đã tận mắt chứng kiến giây phút kinh hoàng ở Chu Va 6 qua từng đoạn clip.
Đám tang qua cầu. Cầu bất ngờ sập nghiêng ngả. Dưới con suối cạn trơ trọi từng hộc đá, người người nằm la liệt, máu chảy đỏ suối, người thân gào khóc thảm thiết thật ám ảnh, ai oán. Một nỗi đau tang chồng tang xảy ra. Con mất cha, vợ mất chồng, người thân đưa tiễn người thân… Chẳng biết nỗi đau ấy còn đeo đẳng vùng quê nghèo đến bao giờ?
Nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai? Cũng như nhiều vụ việc khác, cầu sập, các cơ quan chức năng từ Bộ xuống xã, tất cả đều nhanh nhanh vào cuộc điều tra. Ai cũng thể hiện trách nhiệm, ai cũng sốt sắng lao vào vụ việc.
Rồi những nguyên nhân dần được hé lộ. Đầu tiên là con ốc neo cáp làm ẩu, dẫn đến sập cầu. Kế đó, trong lúc Sở chức năng xuống hiện trường điều tra mà không tìm ra, thì người dân trong vùng lại phát hiện trụ cầu được ốp gạch thay vì phải đổ bằng toàn bộ bê tông.
Đa số người dân suy đoán, cầu sập do kém chất lượng, chất lượng kém vì công trình bị “rút ruột”, bộ phận quan trọng nhất của cây cầu là trụ cầu mà còn bị ốp gạch thay bằng bê tông khối.
Tuy nhiên, ông Giám đốc Sở giao thông Lai Châu đã nhanh nhảu thanh minh cho việc hoán đổi gạch – bê tông này: do trụ bê tông cầu không bằng phẳng nên mới phải ốp thêm gạch, và trụ vẫn được “làm theo đúng thiết kế”. Nghe lý do có vẻ hợp lý... nhưng vẫn còn lý do khác cũng hợp lý không kém được chính quyền xã đưa ra là có thể trụ bê tông bị đổ thiếu diện tích, nên người ta mới phải ốp thêm gạch (?).
Mọi kết quả đều có nguyên nhân. Các nguyên nhân vẫn đang được “tích cực” điều tra để làm rõ. Nhưng điều người ta thấy khó hiểu là thái độ bình thản của những người có liên quan. Ngành Công an thì bảo vụ việc chưa đủ cơ sở để khởi tố vụ án. Bộ GTVT thì chưa vội bình luận vì vẫn đang “chờ báo cáo” từ cấp Sở!
Ở các nước để xảy ra sự cố công trình, gây thiệt mạng chắc chắn sẽ có người phải từ chức. Đây được xem là cách làm hiệu quả, bởi nếu muốn giữ "cái ghế" của mình, người ta sẽ không thể làm ngơ cho cấp dưới làm bừa.
Còn ở Việt Nam, đã không ít những vụ sập cầu, đổ công trình xảy ra, không ít người vô tội đã phải nằm xuống, nhưng chẳng ai dám dũng cảm đứng lên nhận trách nhiệm, thậm chí cũng chẳng ai phải gánh chịu trách nhiệm.
Trước khi có cây cầu treo Chu Va 6, có lẽ người dân phải vén quần lội qua con suối này. Khổ một chút nhưng người dân vẫn an toàn, vì sẽ làm chủ được hành động của mình.
Có cây cầu treo Chu Va 6, người dân trong vùng chắc phải mừng rỡ lắm. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang và cũng chẳng thấm tháp gì so với nỗi đau mất mát khi cây cầu bất ngờ sập xuống.
Niềm tin ở một cây cầu đã đánh đổi bởi nhiều mạng sống. Phải chăng niềm tin đã bị đặt nhầm chỗ?