“Sao lại phải hỏi dân?” và chuyện “miệng nhà quan”

Bùi Hải |

“Cái gì cũng phải hỏi ý kiến (dân) hay sao?”, “bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì”, “không phải hỏi gì cả”.

> Mời xem bài: Lãnh đạo Hà Nội nói gì về bức thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn?
> Thư ngỏ ông Trần Đăng Tuấn gửi Chủ tịch HN Nguyễn Thế Thảo

Những câu nói về dân của ông Phan Đăng Long, Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, đã tạo nên một không khí nóng bỏng không chỉ trong cuộc họp báo chiều qua, mà còn cả trên mạng xã hội.

Ông Long cũng không quên nhấn mạnh vài lần “vai trò chỉ là người dân” của ông Trần Đăng Tuấn (nguyên Phó TGĐ Đài THVN, Phó Chủ tịch AVG), người đã gửi thư ngỏ đến Chủ tịch Hà Nội rằng, nên hỏi ý kiến dân về việc chặt hạ 6.700 cây xanh.

“Ông Trần Đăng Tuấn cũng là một người dân”, “còn anh không đồng tình với chuyện đó thì anh cũng chỉ là một người dân thôi” – ông Long nói.

Nhiều người dân sẽ giật mình khi nghe những tuyên bố này, vì từ trước đến giờ, họ vẫn nghĩ mặc nhiên mình là “ông chủ”. Và thực tế cuộc sống, chả “ông chủ” nào lại thích “công bộc” của mình dạy dỗ, chỉ bảo.

Tuy nhiên, những ai lợn cợn với phát ngôn của ông Long, thì cũng nên xem lại khẩu khí của nhiều quan chức khác.

Cách đây ít lâu, ông Dương Đình Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Thành Công (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) đã nói với báo chí thế này:

Dân ở đây kém hiểu biết lắm…Mới nói được vài câu là chúng nó (chỉ người dân – PV) đã hò reo nhau lên phá bĩnh. Lạc hậu đến mức độ như thế thì bảo tôi phải làm thế nào được. Nhố nhăng, dở nọ dở kia, ngu và bố láo thế chứ...!”.

Phát ngôn này đã khiến bà Nguyễn Thị Khá - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội sửng sốt.

Bà Khá hiến kế: “Dân ta vẫn có câu “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” nhưng có lẽ, với những vị cán bộ phát biểu trước công luận và dân chúng thì nên uốn lưỡi nhiều hơn 7 lần trước khi nói”.

Vì mới chỉ uốn lưỡi chưa nổi một lần, nên một “công bộc” ở Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Phước đã lập tức vỗ mặt “bà chủ dân”: “Cô là dân mà sao dám hỏi tôi câu đó” khi “bà chủ” e ấp hỏi nhẹ như gió thoảng: “Em làm gì ở đây và em tên gì?”.

Quan chức ngân hàng châm biếm dân ta quen “hưởng gió biển và hít khí trời” khi phản đối việc thu phí ATM, đã phải xin lỗi dân.

Quan chức lỡ miệng nói phóng viên thiểu năng, cũng đã xin được lượng thứ.

Quan Lương Văn Dũng, Bí thư thành phố Cô Sơn Tử, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã bị bay chức vì chửi dân vô ơn trong khi ăn tôm hùm, uống rượu ngoại:

"Chúng có gạo trong tay, thịt lợn trong mồm rồi mà vẫn chửi rủa mình được. Dân ở đây là như vậy. Chúng vô liêm sỉ và anh chẳng thể bắt chúng trở nên tự trọng hơn".

Quay trở lại chuyện những phát ngôn của ông Phan Đăng Long chiều hôm qua.

Chưa cần ông Long nhắc, ông Tuấn đã ghi rất rõ “chức phận dân thường” của mình khi gửi thư ngỏ cho ông Nguyễn Thế Thảo: Trần Đăng Tuấn (Mỹ Đình – Từ Liêm).

Và sau khi được ông Long nhắc nhở về vai trò dân thường, ông Tuấn đã nói về điều này một cách hàm súc: “Ông Long tuyệt đối đúng. Tôi là một người dân, và tôi tự hào về điều đó”.

Là một người “từ quan”, ông Trần Đăng Tuấn có những lý do riêng để tự hào là một người dân.

Nhưng những người dân thường, hàng ngày đến cửa công quyền, vẫn phải gặp cảnh như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo: “Dân chưa nói, ông đã sa sả là không được”, thì họ phải suy nghĩ tiếp về sự có tự hào hay không.

Bao lâu nay người dân vẫn biết, vẫn nghe khẩu hiệu “Dân là gốc”. Nhưng với kiểu tư duy lệch lạc của một số quan chức cụ thể nêu trên, cái “gốc” ấy giống như “gốc cây” – người ta muốn đốn hạ lúc nào cũng được.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại