Lãnh đạo Hà Nội nói gì về bức thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn?

Hoàng Đan |

Phó GĐ Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Nam Sơn cho biết, Hà Nội ghi nhận và đánh giá rất cao ý kiến của ông Trần Đăng Tuấn xung quanh vấn đề thay thế cây xanh của thành phố.

Trân trọng và đánh giá cao ý kiến ông Tuấn

Trao đổi với chúng tôi vào chiều 17/3, ông Hoàng Nam Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đơn vị chủ trì đề án cải tạo, thay thế cây xanh ở 10 quận nội thành cho biết, đã nắm được thông tin thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn gửi Chủ tịch HN Nguyễn Thế Thảo.

"Chúng tôi rất trân trọng, đánh giá cao, đồng thời ghi nhận ý kiến của ông Trần Đăng Tuấn", ông Sơn nói.

Về việc sẽ loại bỏ 6700 cây xanh trên 190 tuyến phố Hà Nội mà ông Trần Đăng Tuấn đề cập trong thư, theo ông Sơn, đó là kế hoạch trong vòng 5 năm.

"Còn trong giai đoạn 2014 - 2015 thì trong kế hoạch việc thay thế này chỉ khoảng 700 - 800 cây và hiện tại nguồn cây cũng đã hết do chưa có đơn vị nào tham gia xã hội hóa thêm cả.

Do đó, ngoài nguyên nhân này thì còn liên quan đến vấn đề thời tiết nên sẽ tạm thời dừng lại việc thay thế", ông Sơn cho hay.

Cũng theo ông Sơn, trong quá trình thực hiện đề án, Sở đã tính toán các vấn đề được ông Tuấn nêu ra trong thư.

Ông Hoàng Nam Sơn (Ảnh: KTĐT).
Ông Hoàng Nam Sơn (Ảnh: KTĐT).

"Đề án này đã trình và được thường trực Thành ủy thông qua và được UBND thành phố phê duyệt thành đề án để thực hiện.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, chúng tôi cũng đã nghiên cứu kỹ và thấy rằng cần phải triển khai từng bước thận trọng, hợp lý", ông Sơn nói thêm.

Trong kế hoạch, theo ông Sơn, không phải thay thế đồng loạt một lúc các cây xanh mà Sở cũng đã từng bước thực hiện ở một số tuyến phố như Nguyễn Thái Học, Kim Mã... để ghi nhận và lắng nghe ý kiến của người dân.

"Người dân cũng đã có ý kiến và chúng tôi đã rút kinh nghiệm.

Chính vì thế, trên các tuyến phố, không phải tuyến nào cũng thay thế toàn bộ mà chỉ những cây không đúng chủng loại đô thị, cây cong, nghiêng, sâu, mục, xấu... mới được thay thế bằng các loại cây phù hợp.

Trước khi quyết định chặt hạ hay thay thế, các lực lượng chuyên môn của chúng tôi cũng đã khảo sát, đánh giá đầy đủ các yếu tố lịch sử cũng như độ an toàn...

Riêng đối với một phần tuyến phố Trần Duy Hưng, do phục việc mở đường, hay đường Nguyễn Trãi phục vụ thi công, đảm bảo an toàn cho đường sắt trên cao nên phải chặt hạ, di chuyển toàn bộ cây...

Còn với tuyến phố Nguyễn Chí Thanh vừa qua, do không đồng đều về chủng loại cây trên tuyến đường này gây mất an toàn và được phía công an thành phố cùng một ngân hàng tài trợ nên đã tiến hành thay thế toàn bộ", ông Sơn nhấn mạnh.

Một việc rất quan trọng mà theo ông Sơn, cũng đã phải tính kỹ, đó là, nguồn cây để thay thế không phải đơn giản, phải chuẩn bị vài tháng trời.

Tuy nhiên, đợt này, với số cây đã thay thế thì cơ bản sẽ hết nên không có cây để thay vào thời điểm mùa hè này.

"Do vậy, với những cây, tuyến đường đang làm dở, di chuyển rồi thì sẽ làm nốt còn lại thì sẽ tạm dừng.

Từ giờ đến cuối năm, nếu tìm được nhà tài trợ thì chúng tôi mới có thể xem xét được việc thay, tỉa bao nhiêu cây ở phố nào theo kế hoạch", ông Sơn cho biết thêm.

Gỗ thu được sẽ bán đấu giá, thu tiền về ngân sách

Theo ông Sơn, do điều kiện ngân sách thành phố đang hạn chế nên quá trình thực hiện đề án đã áp dụng hình thức xã hội hóa, kêu gọi các đơn vị doanh nghiệp tham gia trồng thay thế cây mới. 

"Dù là xã hội hóa, Sở Xây dựng cũng yêu cầu các đơn vị khi tham gia trồng cây theo đúng chủng loại, kích cỡ theo quy định và sẽ kiểm tra trước khi đưa về trồng", ông Sơn khẳng định.

Để phục vụ thi công tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh, gần 100 cây xà cừ cổ thụ phải chặt bỏ.

Để phục vụ thi công tuyến đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh, gần 100 cây xà cừ cổ thụ phải chặt bỏ. (ảnh: Tiền Phong).

Theo đó, cây được thay thế phải có chiều cao tiêu chuẩn từ 6-8m, có đường kính thân lớn hơn 15cm và tán cây bảo đảm không ảnh hưởng đến tầm nhìn của người tham gia giao thông

"Đối với các cây sau khi được chặt hạ thì gỗ sẽ được Sở Tài chính thống kê, kiểm kê, chuyển về kho và sau đó tiến hành bán đấu giá, nguồn kinh phí thu về sẽ được chuyển vào ngân sách", ông Sơn thông tin.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh văn phòng UBND Tp Hà Nội cho biết, sẽ ghi nhận các ý kiến của ông Trần Đăng Tuấn và tổng hợp báo cáo lãnh đạo UBND Thành phố.

Còn ông Phan Đăng Long, Phó ban Thường trực Ban Tuyên giáo Hà Nội cho rằng, việc chặt cây đã nhiều lần được nói tới.

"Ông Trần Đăng Tuấn cũng là một người dân, thành phố có cả kế hoạch tổng thể và rất nhiều ban ngành tham gia. Còn cảm nhận của người dân rất có thể có ý kiến đúng sai.

Chuyện mục đích rất rõ ràng, minh bạch rồi, người ta tuyên bố đang xây dựng đô thị có những cái phải hy sinh như thế. Thành phố đã công khai, minh bạch chuyện đó.

Còn anh không đồng tình với chuyện đó thì anh cũng chỉ là một người dân thôi. Còn biết bao nhiêu người dân đồng tình thì sao?!", ông Long nói.

Ông Long cũng nêu quan điểm, việc chặt, thay thế cây xanh ở Hà Nội đã có đề án, kế hoạch cụ thể và phải thông qua các cấp, thông qua HĐND thành phố nên không cần phải hỏi thêm dân

"Không phải hỏi gì cả, đấy là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền. Một cái cây chặt đi cũng phải hỏi dân trong khi còn rất nhiều việc khác.

Còn cái gì phải hỏi dân thì đều có quy định", ông Long bày tỏ.

"Bây giờ đang xây dựng thành phố văn minh hiện đại, muốn tạo ra đô thị văn minh hiện đại, trồng cây cũng theo quy hoạch.

Đương nhiên có 1 đô thị trong 10 - 15 năm nữa, tương lai đẹp và thực sự thích. Cái đó cũng phải hy sinh bước đầu, chấp nhận phải chặt hạ một số cây ở một số tuyến phố. Chuyện này không phải chuyện gì lạ đối với các nước đô thị phát triển", ông Long nói thêm.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại