Rối rắm vụ vợ và con ôm di ảnh, chít khăn tang xông vào phản đối đám cưới chồng và cha ở Huế

Đăng Khoa |

Hôm ấy (15.11), khi trời vừa ngả bóng, bên trong hôn trường khách sạn Duy Tân (đường Hùng Vương, TP.Huế) âm nhạc vừa nổi, những lời chúc phúc trăm năm cho chú rể U40 và cô dâu 9x chỉ vừa được xướng lên thì ngoài đường đã chộn rộn tiếng người, xen lẫn tiếng kêu khóc. Rồi một đám người tay ôm di ảnh, đầu chít khăn tang tiến vào phản đối đám cưới vì cho rằng chú rể là người chồng phụ bạc. Câu chuyện chưa từng có xảy ra trên vùng đất lành, nền nếp gia phong khiến người dân không thôi bàn tán.

Vợ chồng không hôn thú

Lúc đó, nhiều vị quan khách, bạn bè chú rể, cô dâu chỉ mới vừa ngồi vào bàn tiệc ăn được 2 món, thậm chí có người vừa kịp bỏ tiền mừng đã phải vội vã ra về.

Bởi ngoài kia, những người phản đối đám cưới đòi gặp bằng được chú rể để nói chuyện phải trái, trắng đen. Người đi đường thấy chuyện lạ cũng tạt xe vào lề nghe ngóng mỗi lúc một đông.

Cho đến khi lực lượng công an có mặt, đưa những người phản đối đám cưới về trụ sở, trật tự mới được vãn hồi.

Căn nguyên của vụ việc các bên kể lại với phóng viên LĐ&ĐS như sau: Vào những năm 90 của thế kỷ trước, gia đình bà Bùi Thị M (ở phường Kim Long, TP.Huế) sang đất Lào lập nghiệp.

Bà M và con gái là Lê Thị H.Y (48 tuổi) bán quán hàng ăn.

Bà Y đã từng có một đời chồng ở phường Đúc (TP.Huế). Họ sống với nhau 8 năm, nhưng không có con, hạnh phúc chẳng được trọn vẹn nên hai người tự xé hôn ước, đường ai nấy đi mà không đưa nhau lên tòa giải quyết.

Ông Võ Đại Nh (40 tuổi, quê ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) đặt chân sang đất Lào mở lò bánh mỳ kiếm kế sinh nhai.

Bà M kể, ông Nh hay lui tới quán cơm dành cho tài xế, những người khách qua đường của gia đình bà nên quen biết bà Y.

Lâu ngày, giữa đôi bên nảy sinh tình cảm và bà Y mang bầu đứa con gái đầu là là chị Võ Thị Mỹ H (năm nay 19 tuổi).

Hai năm sau sinh thêm Võ Đại Đ (16 tuổi). Bà M kể, sau khi sinh cháu H, cha mẹ của ông Nh có bưng mâm cau trầu rượu lên tận nhà bà xin nhận cháu mình.

Còn ông Nh chỉ thừa nhận Đ là giọt máu của mình. 6 năm trước, một quán cơm của bà M bị điện chập cháy nên bà trở về quê sinh sống và giao quán ăn còn lại cho ông Nh và bà Y tiếp tục sinh sống, làm ăn.

“Khi lấy con Y, thằng Nh có thời gian làm cho tui ở quán cơm. Sau ni có điều kiện, nó mới ra buôn bán, phất lên”, bà M kể.

Theo bà M, ở phường Kim Long, nhà bà sống gần nhà chị Nguyễn Thị Thanh Nh (25 tuổi). Giữa hai bên thường hay lui tới và thân thiết với nhau.

Nh bán hàng mỹ phẩm cho H và ông Nh là người thường hay trả tiền cho con chứ không nghĩ rằng Nh yêu cha mình.

“Có một lần, ba nó đang ngồi uống bia thì cháu tui sang mời về để tui với chồng nói chuyện. Chỉ có vậy thôi mà ba nó đánh, con Nh cũng hùa theo đánh nó.

Sẵn bực tức trong người, tui cầm ghế đánh thằng Nh, nhưng hàng xóm can ngăn chứ không thì to chuyện”, lời bà M thuật lại.

Từ ngày đó cho đến khi cưới vợ, ông Nh không còn lui tới nhà bà M nữa, mà âm thầm thảo đơn kiện gia đình bà.

Sẵn sàng thử ADN để con được nhận cha

Bà M kể, chuyện tình cảm của ông Nh và cô Nh không ai hay biết cho đến khi Đ đọc được tin nhắn yêu đương giữa hai người và kể lại cho gia đình. Nh đã mang bầu nhiều tháng.

Sau tất cả những rạn nứt, gia đình bà M cũng chẳng màng gì đến chuyện ông Nh có người yêu trẻ cho đến trước đám cưới vài ngày, bức ảnh cưới được đưa lên mạng khiến gia đình bà Y bực tức, đến ngày cưới đã tổ chức người đi “quậy”.

“Nếu cả 2 đứa im lìm, không nói năng thách thức gia đình tui thì tui đã bỏ luôn, coi như không có sự hiện diện của thằng Nh trên cuộc đời này”, bà M nói.

Để rõ hơn câu chuyện, PV tìm gặp ông Võ Đại Nh và vợ mới là chị Nguyễn Thị Thanh Nh. Ông Nh đưa ra những thông tin hoàn toàn trái ngược phía gia đình bà M.

Ông nói: “Trong thời gian làm ăn, sinh sống ở Lào, tôi có với bà Y một đứa con chung là cháu Đ.

Giữa đôi bên không hôn thú, không sống chung nên bây giờ tôi có tình cảm với vợ tôi bây giờ và tiến tới hôn nhân. Để minh chứng, ông Nh đưa ra các giấy chứng nhận độc thân do UBND xã Lộc Bổn xác nhận.

Khi được hỏi giữa 2 người tổ chức đám cưới đã có giấy đăng ký kết hôn chưa, ông Nh cho biết là đang chờ ngày hẹn lấy.

Tuy vậy, bà M nói rằng, gia đình bà đã ngăn chặn và yêu cầu chính quyền xã ngừng việc cấp chứng nhận kết hôn vì ông Nh đã có vợ, con.

“Ý họ là tôi đã có vợ con rồi, bây giờ phụ bạc, như vậy là không đúng. Thử hỏi nếu như một người đàn ông nào đó qua đường có 5 đứa con riêng thì kéo nhau đi kiện cả rứa à”, ông Nh nói.

Ông Nh khẳng định mình không sống chung với bà Y, nhưng hàng tháng ông vẫn cấp dưỡng và thi thoảng ghé quán hàng ăn ở lại vài hôm để chăm sóc con trai.

Ông Nh phản bác việc gia đình bà M cho rằng H là con ruột mình. Ông Nh trưng ra một tập đơn kiện bà Y ra tòa án vì tự ý mạo danh chữ ký để ông đứng tên khai sinh cho cả H và Đ.

Ông Nh và vợ mới cưới nói rằng, trước khi đám cưới diễn ra, phía gia đình bà Y đều biết chuyện yêu đương của 2 người, việc kéo đến phá đám cưới là do ông Nh không đưa tiền theo yêu cầu của bà Y.

“Ý họ là tôi đi lấy vợ rồi sẽ không có ai cấp dưỡng cho con nên phá đám cưới của vợ chồng tôi”, ông Nh nói. Rồi ông nói tiếp:

“Tôi có con, nhưng chưa có vợ nên chúng tôi có quyền yêu nhau, có quyền kết hôn. Điều này pháp luật không cấm”.

Còn phía gia đình bà M khẳng định H là con ông Nh và cả 2 chữ ký trên giấy khai sinh đều là của ông Nh.

“Ra tòa, gia đình chúng tôi sẵn sàng thử ADN cho cháu H để chứng minh sự thật. Tôi muốn cháu mình có cha”, bà M khẳng định.

Kết cục của câu chuyện vẫn chưa có hồi kết, nhưng nhiều bạn đọc ở Huế khi đọc những thông tin báo chí đăng tải đã nói rằng:

“Sống có sao người ta mới làm vậy, chứ chẳng ai mặc áo đen, chít khăn trắng, ôm di ảnh đi đưa tang người còn sống bao giờ!”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại