Sau đó số người này đã lừa được những hộ có đất nằm trong khu vực giải tỏa ở Cụm đầu mối đường VH2 - Dự án Thủy điện Dakrinh “bán” lại các khoản tiền hỗ trợ an sinh với giá rẻ mạt.
Khu vực giải tỏa Cụm đầu mối đường VH2-Dự án Thủy điện Dakrinh
Giăng bẫy bằng rượu bia
Nhắc lại chuyện “dính quả lừa’ suýt mất toi gần nữa tỉ đồng, anh Đinh Văn Lết, Trưởng thôn Đắc Lam, xã Sơn Dung, kể:
Vào khoảng cuối năm 2012 khi đi làm nương trở về thì thấy một số người buôn bán ở trong vùng đang ngồi trò chuyện với người thân.
Sau khi "tay bắt, mặt mừng", những người này gạ gẫm anh Lết “bán” lại các khoản tiền mà nhà nước sẽ hỗ trợ cho gia đình trong thời gian tới.
Thấy anh Lết ngớ người chưa hiểu, một người trong số họ liền giải thích: “Ngoài số tiền đã nhận vì có đất bị giải tỏa hôm trước, sắp tới gia đình sẽ được nhà nước hỗ trợ thêm một khoản tiền hỗ trợ an sinh. Bây giờ bọn mình “mua”lại của Lết số tiền đó với giá là 350 triệu đồng”.
Dù chưa biết sẽ được hỗ trợ bao nhiêu, thế nhưng anh Lết lắc đầu. Tuy nhiên bất chấp sự từ chối của anh Lết, liên tục những ngày sau đó, những người kia vẫn đến nhà nài nỉ đồng thời còn mang cả bia, rượu và "mồi" đến ‘mời anh nhậu miễn phí.
Trong một lần say và mất tự chủ, anh Lết đã đồng ý kí vào giấy để bán “suất” hỗ trợ của mình với giá 350 triệu đồng.
Đến lúc được thông báo lên nhận khoản tiền hỗ trợ của nhà nước, anh Lết mới ngẩn người khi biết số tiền mà mình được nhận gần 810 triệu đồng.
Cũng bằng thủ đoạn đeo bám dai dẳng, đem rượu bia chiêu đãi miễn phí... các đối tượng trên đã lừa phỉnh được hàng chục hộ gia đình khác ở xã Sơn Dung.
Theo đó họ đã “bán” các khoản hỗ trợ của mình cho con buôn trước với giá thấp hơn từ 2-70 lần so với số tiền thực tế được nhận.
Vạch trần thủ đoạn bẩn
Đại úy Nguyễn Văn Chiến, Đội trưởng Đội Điều tra - Công an huyện Sơn Tây cho biết: Ngay khi nhận được thông tin, công an huyện đã khẩn trương triển khai lực lượng đến từng hộ dân để điều tra.
Sau khi xác minh vụ việc trên là có thật, công an đã vận động và hướng dẫn số hộ bị lừa làm đơn phản ánh.
Theo đó có 35 gia đình gửi đơn tố cáo và nhờ can thiệp. Từ số đơn này, công an huyện phát hiện hàng loạt trường hợp đã bán các khoản hỗ trợ cho những đối tượng buôn bán trong vùng, với giá thấp hơn so với thực tế từ hàng chục đến vài trăm triệu đồng.
Đơn cử như trường hợp ông Đinh Văn Du (58 tuổi), ở thôn Đắc Lam đã “bán” tiền hỗ trợ của gia đình chỉ 10 triệu đồng trong khi mức tiền được nhận thực tế là 700 triệu đồng.
Nắm bắt được tình hình, khoảng đầu năm 2013, khi cấp thẩm quyền tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho người dân, công an huyện đã cử lực lượng túc trực tại nơi chi trả, hướng dẫn người dân trả lại phần tiền đã nhận từ những kẻ buôn bán trước đó số còn lại đem gửi vào ngân hàng.
Ngoài số có đơn, công an huyện còn vận động thêm được nhiều hộ khác đã lỡ “bán” nhưng không dám phản ánh, cũng gửi tiền nhận được vào ngân hàng nhằm tránh bị những con buôn trên đến lấy.
Giúp dân giữ tiền
Sau khi đề xuất và được sự cho phép của UBND huyện, Công an huyện tạm thời giữ toàn bộ số sổ gửi tiền, với gần 10 tỉ đồng; đồng thời giám sát các trường hợp rút và sử dụng tiền của số hộ trên.
Lực lượng công an Sơn Tây đang điều tra tại hiện trường
Nói về việc 100/35 trường hợp có đơn đề nghị can thiệp nhưng không gửi tiền vào ngân hàng, Thượng tá Nguyễn Hồng Thanh, Phó trưởng công an Sơn Tây bày tỏ: Dù đã giải thích nhưng họ khăng khăng không đồng ý.
Tuy nhiên qua tìm hiểu thì tuy mang hết về nhà, thế nhưng nhiều người không đưa hết toàn bộ số tiền nhận được cho đối tượng buôn bán như thỏa thuận ban đầu mà chỉ đưa lại số tiền đã nhận và cho thêm một phần tiền lãi như trường hợp của anh Lết.
Ngoài việc trả lại cho những tay buôn số tiền cũ là 350 triệu đồng/gần 810 triệu đồng nhận được, anh Lết chỉ đồng ý đưa thêm 50 triệu đồng. Khi số người mua không chịu, anh Lết dọa báo cho công an nên số người kia không dám làm gì.
Qua điều tra công an Sơn Tây đã khoanh vùng được 15 đối tượng tham gia gạ gẫm và mua "suất" hỗ trợ của người dân, trong đó có 1 người quê ở huyện Sơn Hà.
Tuy nhiên theo Thượng tá Thanh, do việc mua bán đã có sự thỏa thuận giữa 2 bên nên không thể xử lý theo pháp luật. Vì vậy công an huyện đã yêu cầu số đối tượng trên chỉ nhận lại số tiền trước đây đã đưa cho người dân, đồng thời yêu cầu viết cam kết không được đe dọa, uy hiếp những hộ dân đã chót bán các "suất" hỗ trợ trước đó.
Qua thống kê của cơ quan chức năng huyện Sơn Tây, 178 hộ gia đình thuộc hai xã Sơn Dung và Sơn Liên đã được nhận các khoản tiền hỗ trợ an sinh, chuyển đổi nghề nghiệp... của Cụm đầu mối đường VH2-Dự án Thủy điện Dakrinh. Tổng số tiền hỗ trợ là hơn 40 tỉ đồng.