Sau một ngày trời đánh vật với con đường ngoằn ngoèo, vực sâu hun hút, với những khúc “cua tay áo”, cuối cùng chúng tôi mới đến được xã Mường Lý, một xã khó khăn nhất của huyện Mường Lát (một huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa).
Đập vào mắt chúng tôi không chỉ cái đói, cái nghèo của những con người vùng biên, cái khiến chúng tôi phải dừng lại, ghé thăm là những lều chõng tạm bợ làm bằng nứa, nằm xiêu vẹo theo độ dốc của sườn đồi, nơi các em ăn, ở và học tập.
Được biết, năm học 2012 – 2013, trường THCS Mường Lý có 308 học sinh bán trú. Từ năm 2010, để đảm bảo việc học của các em được thường xuyên, địa phương đã xây dựng hai khu bán trú cho học sinh, nhằm giúp các em có nơi ở để yên tâm học tập khi xa nhà.
Thế nhưng, 2 dãy nhà bán trú với 20 phòng, mỗi phòng 8 em tính ra chỉ giải quyết được nơi ở cho một nửa học sinh của trường (160/308 học sinh). Số học sinh còn lại, phải ra ngoài dựng lều ở tạm. Vì vậy, vào đầu năm học phụ huynh học sinh ở các bản xa của xã lại phải gồng gánh cọc tre, vách nứa, lá cọ... lên trung tâm xã để dựng lều cho con em mình ở để đi học.
Đến thăm chiếc lều của 3 em Thào Thị Da (bản Chà Lan), Mo Thị Xi (bản Trung Tiến 2) và em Trăng Thị Dởi (bản Chà Lan), đều là học sinh lớp 7 trường THCS Mường Lý, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi: Trong chiếc lều lụp xụp, tạm bợ, hở cả 4 phía, gió rừng thổi ràn rạt làm cho chiếc lều chỉ chưa đầy 4 m2 đó lạnh buốt.
Thào Thị Da kể: “ Thời tiết mùa đông như bây giờ, ở ba, bốn người là ít quá anh ạ. Vì bọn em không có nhiều quần áo ấm, chăn cũng không đủ dày, nên chỉ có cách ngồi sát vào nhau vừa học bài, vừa có thể sưởi ấm cho nhau, chứ mỗi người một góc thì lạnh lắm”.
Các em tự đun nấu để ăn. Bữa ăn chỉ lèo tèo rau, măng và cơm (gạo "cõng" từ nhà đi).
Chung cảnh ngộ “lều chõng đến lớp”, em Ngân Yến Đàm (ở bản Mau), học sinh lớp 9, tâm sự: “Chúng em rất muốn đi học theo buổi để được ở nhà nhưng quãng đường từ nhà đến trường gần 20 cây số, toàn đường núi có xe cũng không đi nổi.
Nếu ngày nào cũng guốc bộ 20 cây số để đến trường thì các em chưa đến được trường đã phải quay về kẻo trời tối. Đó là chưa kể trời mưa gió, rét mướt, chúng em phải nghỉ học ở nhà. Vì vậy bọn em mới phải dựng lều ở lại”.
Được biết, các em ở bán trú đều là những con em của các bản xa, gia đình đều rất khó khăn. Ngoài giờ lên lớp các em lại tranh thủ thời gian của mình vào rừng hái rau, chặt củi mang về nấu. Số tiền cha mẹ cho các em phải chắt chiu từng đồng để lo cho việc ăn học ở trường.
Hiểu thấu được sự vất vả của cha mẹ, nên các em chi tiêu rất tiết kiệm. Em Trăng Thị Dởi (12 tuổi), ở bản Chà Lan cho biết: “Cứ một tuần em về nhà một lần vừa để thăm nhà vừa để lấy gạo, sắn, mắm, muối mang lên. Nếu có tiền thì ba mẹ cho thêm để lên đó em có tiền mua rau, cá mà ăn.
Còn không có tiền thì chúng em cơm không qua bữa, có khi chỉ luộc mấy củ sắn ăn cho chắc bụng là được. Việc đi chợ chúng em cũng chi li, tính toán làm sao đi một ngày mà ăn được ba bốn ngày”.
Để “nuôi con chữ”, các em chấp nhận những khó khăn, vất vả. Một điều đáng mừng nữa là dù cuộc sống khó khăn, vất vả là thế nhưng các gia đình ở xã Mường Lý (Mường Lát) vẫn quyết tâm cho con em được đi học. Có lẽ càng trong hoàn cảnh khó khăn, người dân nơi đây càng nhận thức sâu sắc hơn về giá trị và tầm quan trọng từ việc học hành của con em mình.