Liên tục thất hứa…
Mới đây, tại cuộc họp về tiến độ đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Yu Jiang - Giám đốc điều hành Dự án cho hay, tỷ lệ phần trăm thi công các hạng mục dự án không đạt so với cam kết, tổng thầu EPC Trung Quốc liên tục chần chừ và xin thêm thời gian để thi công.
Cụ thể, theo ông Yu Jiang, tiến trình thi công 12 nhà ga mới đạt được 30-50% khối lượng, dự kiến nhà ga Cát Linh và La Khê phải đến tháng 3/2016 mới hoàn thành.
Ngoài ra, việc xử lý lún trong xây dựng khu depot do chênh lệch về giá hợp đồng nên chưa thực hiện được, phải đến tháng 6/2016 mới hoàn thiện được khu depot.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cũng khẳng định, dù không vướng mắc mặt bằng nhưng tất cả các gói thầu tại dự án đều chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng, việc tổng thầu EPC (là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) liên tục chậm thanh quyết toán cho nhà thầu phụ dẫn đến nợ đọng ngày càng tăng lên.
Tổng thầu Trung Quốc liên tiếp chậm chễ và đội vốn dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Thậm chí, trước đó, theo phương án được phê duyệt về xử lý lún, gói thầu này có trị giá 38 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, kinh phí đội lên thành 70 tỷ đồng và tổng thầu Trung Quốc đòi hỏi Ban Quản lý dự án đường sắt phải trả tiền theo phương án này.
“Chậm nhất đến 30/3/2016 phải hoàn thành dự án và đến 30/6 thì đưa dự án vào khai thác”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường kiên quyết nói.
Trước đó, tại các buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc liên tiếp cam kết đẩy nhanh tiến độ và thực hiện các nội dung chậm nhất vào cuối tháng 3/2015.
Tuy nhiên, tại cuộc họp lần này, tổng thầu Trung Quốc lại tiếp tục xin gia hạn tiến độ đến tháng 6/2016 thay vì cuối năm 2015 như yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải.
Sau khi tổng thầu Trung Quốc liên tục xin gia hạn, ông Lê Kim Thành - Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt đề nghị Bộ Giao thông thay thế tổng giám đốc dự án của tổng thầu nếu tiếp tục để tiến độ thi công bị chậm trễ.
Không thể hoàn thiện trong tháng 6/2016
Liên quan đến tiến độ dự án, TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông) cho rằng, dù tổng thầu Trung Quốc xin gia hạn đến tháng 6/2016, nhưng cũng không thể hoàn thiện và đưa dự án vào khai thác.
TS Nguyễn Xuân Thủy. (Ảnh: Infonet)
Lý giải vì sao không kịp đưa dự án hoạt động vào thời điểm xin gia hạn, ông Thủy cho rằng, có quá nhiều công trình, hạng mục hiện nay vẫn chưa được hoàn thiện.
Chẳng hạn như, hệ thống tàu điện muốn đưa vào vận hành phải có điện, có cột điện, dây điện. Nếu dùng điện một chiều phải có trạm đổi dòng điện xoay chiều thành một chiều, nhưng hiện nay vẫn chưa xây trạm.
Trong khi đó, hệ thống 12 nhà ga chưa hoàn thiện, tàu điện vừa mới đặt từ Trung Quốc dẫn đến việc đưa dự án khai thác vào tháng 6/2016 là bất khả thi.
"Đó mới chỉ là hạ tầng, còn bao nhiêu vấn đề kỹ thuật khác đâu phải đơn giản như làm đường cho ô tô. Đường của tàu còn gắn liền với hệ thống hạ tầng chặt chẽ, tự động hóa, công nghệ hóa…
Công việc mới được 30-50%, trong khi trước đó mấy năm mới làm được ngần đó thì làm sao mà xong được trong vòng mấy tháng nữa.
Bây giờ, tổng thầu Trung Quốc xin gia hạn đến tháng 6/2016 chắc chắn là không được. Nhanh lắm thì phải đến cuối năm 2016 hi vọng mới đưa vào khai thác được”, ông Thủy nhận định.
Đối với việc tăng tổng mức đầu tư dự án 250,6 triệu USD vốn tín dụng Trung Quốc, TS Thủy cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất là do yếu kém của cả hai bên.
“Việt Nam ký hợp đồng với công ty không đáng tin cậy, cơ chế không chặt chẽ, không có ràng buộc rõ ràng về thời gian và giá dẫn đến liên tục bị các nhà thầu đẩy giá lên cao”, ông Thủy nói.
Hơn nữa, ông Thủy cũng cho hay, việc thay thế tổng giám đốc dự án của tổng thầu đến nay đã quá muộn.
“Tôi đã nói rất nhiều lần rồi, đề nghị nhiều lần Bộ Giao thông nên thay thế ngay từ đầu nhưng vẫn dùng. Bây giờ người ta đã quen với công nghệ rồi, giờ thay đổi sẽ phức tạp và chưa biết chừng giá lại tiếp tục đội…”, TS Thủy khuyến cáo.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc.
Dự án được Chính phủ giao, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3136/QĐ-BGTVT ngày 15/10/2008.
Dự án có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,05 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 Nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia).
Ngoài ra còn có khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông; mua sắm 13 đoàn tầu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc thiết kế tối đa 80km/h, vận tốc bình quân khai thác 35km/h.