Phận đời éo le của "người lai" sống giữa lòng Thủ đô

Tiêu Tuấn - Lê Minh |

(Soha.vn) - Một chiếc xe đạp, căn phòng với bộn bề là phế liệu, đứa con trí não chậm phát triển và quá khứ với hai đời chồng… với những bữa cơm đói.

Cuộc đời nhiều vết cắt

63 năm có mặt trên đời thì có tới gần 60 năm bà Nguyễn Thị Gái (phòng 208, C3, khu tập thể Thành Công, Đống Đa, Hà Nội) sống trong cơ thể của một người tật nguyền. Chiếc lưng còng cùng với nước da đen của thân phận "người lai" là đặc điểm dễ “nhận dạng” ở người phụ nữ này.

Tiếng là ở khu tập thể giữa lòng thủ đô Hà Nội nhưng số phận đã không cho bà những phút thảnh thơi hay bữa cơm đủ đầy. Quỹ thời gian của mình bà dành chủ yếu ở ngoài đường để làm các công việc từ thồ hàng thuê, chuyển đồ, dọn nhà, rửa bát hay nhặt đồng nát... để kiếm tiền nuôi đứa con đã ngoài 20 tuổi nhưng trí não vẫn chỉ như đứa trẻ lên 10.

Hai mẹ con bà Gái bên bếp ngô nướng bán trong đêm đông
Hai mẹ con bà Gái bên bếp ngô nướng bán trong đêm đông

8h sáng bà dắt xe ra khỏi nhà. Bà Gái về nhà vào lúc 3 - 4h sáng. Thậm chí có hôm, 6h sáng giấc ngủ mới đến với người phụ nữ ấy.

Vật dụng quý giá nhất trong nhà là những chiếc chai, lọ, những xấp giấy bà nhặt ngoài đường về chất đầy nhà để đợi tầm 11h đêm mang đi bán rồi kiếm về vài ba chục nghìn trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Bữa cơm cũng chỉ có đậu, lạc với rau. Thỉnh thoảng cải thiện có được bữa cơm thịt.

Trải lòng về quãng đời của một “người lai” sống kiếp tật nguyền, bà Gái thở dài:

Sinh năm 1951, từ khi lọt lòng, bà Gái đã mang nước da đen “khác thường” với nhiều thắc mắc của chính bản thân về nước da ấy.

Sau năm 1954, bà Gái mới được mẹ đẻ cho biết, bố của bà là người châu Phi. Năm 1950 trại đóng quân của người Pháp được dựng lên tại làng Đa Phúc, Sóc Sơn, Hà Nội. Mẹ bà Gái là cụ Lê Thị Thảo sống gần khu vực doanh trại đó. Một năm sau bà Gái chào đời. Bấy giờ cũng là lúc người cha ngoại quốc bỏ về nước. Mọi liên lạc bị cắt đứt từ đó. Người mẹ trẻ nghẹn đắng lòng ôm đứa con “lai” trong tiếng khóc vô vọng đi khắp nơi để xin cho con được nhập khẩu và làm giấy chứng sinh.

Tên gọi “người lai” cũng theo bà Gái từ đó. Mặc cảm về thân phận, nhiều lúc bà Gái chỉ muốn mình không tồn tại trên đời này để không phải mang tiếng… có bố là lính đánh thuê.

Chiếc lưng gù, nước da đen là đặc điểm dễ nhận dạng ở bà Nguyễn Thị Gái
Chiếc lưng gù, nước da đen là đặc điểm dễ nhận dạng ở bà Nguyễn Thị Gái

Khi bà Gái lên 5 tuổi, mẹ đi thêm bước nữa, làm vợ thứ ba của một người đàn ông ở làng Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội). Sợi dây gắn kết họ với nhau chính là em trai cùng mẹ khác cha của bà Gái. Và bà Gái cũng mang họ Nguyễn của người chồng hiện tại của mẹ.

Từ khi mẹ đi bước nữa, tuổi thơ của bà chỉ biết ngập trong nước mắt cùng với những nỗi ám ảnh khi bị người đời kỳ thị. “Di sản” để lại đối với bà không chỉ là giọt máu lai mà còn là những vết thương trong những lần điều trị căn bệnh gù lưng quái ác mà bà phải mang từ khi lên 6 tuổi.

Nói về căn bệnh của mình, bà Gái trần tình: “ Ngày bé chỉ là những nốt mụn nhọt ở phía lưng bị lở loét. Không có thuốc chữa, những tế bào trên cơ thể cứ thế thối rữa dần. Sau này đi khám bác sỹ tôi mới biết mình mang dị tật bẩm sinh với khối thịt thừa trên lưng”.

Cho tới bây giờ, bà Gái vẫn không quên được lời mẹ: “Chắc gì ông ấy đã còn sống”. Câu nói ấy đã theo bà nhiều năm. Chính vì thế, mỗi khi có ai hỏi về ước mơ tìm lại bố đẻ, tìm lại nguồn gốc của mình, bà chỉ lắc đầu: “Chắc gì ông ấy đã còn sống”. Nói là như thế nhưng ẩn sâu trong đôi mắt bà vẫn là niềm khao khát được tìm được nơi “quê cha đất tổ” của mình, được biết anh chị em ruột của mình.

Năm 1985, bà bỏ nhà đi lang thang cùng đám bạn. Rồi bà xin làm bốc vác tại các chợ lớn ở Hà Nội. Tấm lưng gù khiến bà không thể xin được việc. Những cái lắc đầu ngán ngẩm khiến bà Gái càng thấy tủi thân.

Những mảnh ghép cùng “người lai” sống giữa Thủ đô

Không từ bỏ tham vọng thay đổi cuộc đời, bà Nguyễn Thị Gái dùng số tiền tích cóp ít ỏi của mình để hành nghề buôn thúng, bán mẹt trên các chuyến tàu Bắc – Nam. Mặt hàng buôn bán cũng đơn giản lắm chỉ mấy đôi dép cao su hay mấy thứ hàng xén rẻ tiền. Trong những chuyến đi vào Nam, người con mang dòng máu lai đã “xiêu lòng” trước một người đàn ông miền Sài Thành. Tình yêu vừa mới chớm nở, được một thời gian rồi cũng lụi tàn khi bà Gái phát hiện chồng mình đã có một đời vợ và không có khả năng sinh con. Rồi bà lại tiếp tục cuộc hành trình trên dòng đời nghiệt ngã.

Khi trời đã về đêm, bà Gái vẫn lọ mọ ngoài đường để nhặt những phế liệu mọi người bỏ đi
Khi trời đã về đêm, bà Gái vẫn lọ mọ ngoài đường để nhặt những phế liệu mọi người bỏ đi

Bản năng khao khát làm mẹ luôn trỗi dậy trong người phụ nữ ấy. Qua lời mai mối của một cô bạn cùng làm phục vụ trên chuyến tàu Bắc – Nam, bà Gái ngược đường ra ngoài Bắc xem mặt người đàn ông tên Nguyễn Quốc Bang ở bên kia bờ sông Hồng, thuộc vùng đất Gia Lâm, Hà Nội. Sau lần gặp gỡ bất ngờ ấy, hai người nảy sinh tình cảm và quyết định dọn về ở cùng nhau. Một lần nữa bà lại chấp nhận cảnh sống làm “vợ lẽ” người ta.

Căn phòng rộng chưa đầy 17m2 mượn tạm của người em trai sau ngày cưới là tổ ấm mới của đôi vợ chồng đều đã bước sang tuổi tứ tuần. Chẳng ai bảo ai họ luôn khao khát được tự đặt những viên gạch hạnh phúc cho riêng mình.

Năm 1993, 43 tuổi, ở cái tuổi tưởng chừng như rất khó có được mụn con, bà Gái đã sinh hạ được một cậu con trai đặt tên là Nguyễn Trung Đức. Đức là con trai đầu lòng và cũng là duy nhất của bà.

Chia sẻ về cậu con trai này bà Gái nói: “Lúc nhỏ thằng Đức bụ bẫm lắm, ai nhìn cũng bảo nó to cao như “Tây”. Vì sinh con muộn nên hai vợ chồng bươn chải mọi việc, gom góp từng đồng tiền lẻ để nuôi con với mong ước nó sẽ hương hỏa cho mình sau này. Đồng thời hai vợ chồng gắng công vun đắp cho cuộc sống gia đình”.

Năm 2002, ông Bang qua đời khi mới 53 tuổi vì căn bệnh ung thư gan đã giai đoạn cuối. Sóng gió một lần nữa lại trút xuống cuộc đời người phụ nữ “tật nguyền” gần 60 năm sống trong thân phận “con lai” ấy khi gia đình phát hiện trí tuệ của Đức chậm phát triển.

Phần lớn quỹ thời gian của mình bà Gái dành ở ngoài đường, bạn đồng hành là chiếc xe đạp đã cũ được mua lại của những người bán đồng nát
Phần lớn quỹ thời gian của mình bà Gái dành ở ngoài đường, bạn đồng hành là chiếc xe đạp đã cũ được mua lại của những người bán đồng nát

“Thời điểm chồng mất cũng là lúc tôi phát hiện con trai có nhiều biểu hiện lạ nên cho đi kiểm tra. Đau lòng lắm khi biết tin Đức mắc bệnh chậm phát triển trí não. 12 năm đi học chỉ là để biết mặt chữ. Thương con nên nhà vốn nghèo tôi cũng cố lo cho nó được đi học nghề ở trường trung cấp Estih (Hà Nội). Là đứa chậm trí não nên Đức không tiếp thu được bài và không thể vượt qua được các bài kiểm tra ở lớp. Cứ học môn toán là Đức lại sợ. Vì vậy, chỉ học được một tháng thì nó xin tôi ở nhà và không đến trường nữa. Khi nghe con trần tình về câu chuyện bị các bạn gọi là thằng “ngu đần” mà thấy thương con”, bà Gái kể.

Từ ngày bỏ học, Đức ở nhà phụ đi dọn nhà thuê, giúp mẹ gom rác để bán và bán ngô nướng vào mỗi buổi tối mùa đông.

“Em thương mẹ lắm. Em vẫn nhắc mẹ về sớm, về lúc 11 - 12h đêm rồi tranh thủ đi ngủ để giữ sức khỏe. Nhiều hôm em thấy mẹ ngủ gật trên dốc Thành Công. Cũng chưa có đêm nào em đi cùng mẹ ra đường vì em không biết đường và mẹ cũng không cho đi”, ngồi cạnh mẹ, Đức tâm sự.

Cũng theo lời kể của Đức, đêm nào bà Gái cũng lang thang thang nhặt rác ngoài đường tới tận 5 – 6h sáng mới về. Công việc nhặt rác đã trở thành nguồn sống chủ yếu cho hai mẹ con suốt gần 10 năm nay.

Clip về cuộc sống của bà Nguyễn Thị Gái:

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại