Cái Tết đầu tiên của cha con "người rừng" sau 40 năm

Chuyển về từ rừng sâu, cha con “người rừng” ở Quảng Ngãi chờ đón một cái Tết ấm cúng cùng những người thân, họ hàng sau hơn 40 năm sống tách biệt

Tròn 5 tháng kể từ khi được đưa trở về cộng đồng, cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh (82 tuổi) - Hồ Văn Lang (41 tuổi) nay đã an cư trong ngôi nhà nhỏ vừa được các mạnh thường quân xây tặng, nằm cách trung tâm huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi vài cây số. Họ đang từng bước hòa nhập cuộc sống mới.

Cái Tết đầu tiên

Lúc chúng tôi đến, ông Hồ Văn Lang đang bổ củi, để dành gần Tết nấu bánh. Cạnh đó, một bao nếp rẫy do đích thân ông Lang vừa trồng được, chuẩn bị cho cái Tết đầu tiên cha con ông sắp được trải qua.

Anh Hồ Văn Tri, em ông Lang, nói: “Anh Lang không biết Tết là gì đâu. Nhưng nghe mình nói, mình kể, ảnh rất vui. 41 tuổi nhưng phải theo cha vào rừng sống suốt 40 năm, anh Lang chưa một lần được ăn cái Tết đúng nghĩa”.

“Anh Lang kể ở trong rừng cũng có Tết nhưng không phải Tết của người Kinh mà là Tết Ngã rạ của người Kor. Mỗi năm, ông già (cụ Hồ Văn Thanh - PV) làm Tết Ngã rạ một lần. Vật phẩm chủ yếu là ếch, chuột bắt được, đem về nướng cùng xôi nấu từ nếp để cúng thần linh. Cúng Tết Ngã rạ xong là bắt đầu xuống giống vào vụ mùa mới. Còn Tết của người Kinh thì anh Lang chưa trải qua nên nghe nói ăn Tết, mổ gà, thịt heo..., ảnh  phấn khởi lắm” - anh Tri cho biết thêm.

Từ khi trở về cộng đồng đến nay, ông Hồ Văn Lang thích ứng khá nhanh với cuộc sống mới. Dù không thành thạo bằng tiếng Kor nhưng người Kinh ai nói gì, bảo gì ông cũng hiểu. Chúng tôi hỏi: “Thích ở đây hay ở rừng?”, ông Lang nhoẻn miệng, gật đầu tỏ vẻ ưng ở lại đây hơn. Khi chúng tôi tặng tiền, ông vui mừng gật đầu cảm ơn.

Theo anh Hồ Văn Tri, từ lúc được đưa từ rừng về đến nay, ông Lang đã biết nhiều thứ. “Bây giờ, anh Lang đã biết tự đi rừng một mình, không cần ai dẫn đi nữa. Những lúc đi rẫy, ảnh làm rất giỏi và chăm chỉ. Ai nhờ gì anh ấy cũng làm, không bao giờ phàn nàn hay từ chối. Bà con chòm xóm thấy vậy thường tới nhờ ảnh đi dựng nhà, làm rẫy. Ảnh sống rất vui vẻ, hòa nhập nhanh với mọi người. Ai nói, hỏi gì cũng cười” - theo anh Tri.

Chưa quên chốn cũ

Còn về phần “người rừng” Hồ Văn Thanh, từ khi trở lại cộng đồng đến giờ, cụ ít tiếp xúc với những người xung quanh nhưng thỉnh thoảng cũng nói chuyện bằng vài tiếng Kor mỗi khi nghe con trai Hồ Văn Lang gợi chuyện.

Theo chị Hồ Thị Nhung (vợ anh Hồ Văn Tri), thời gian đầu trở về, cụ Thanh ăn xong là vào phòng ngồi co ro, chẳng nói chẳng rằng. Bây giờ, cụ thường đi dạo quanh nhà, có khi ngồi vót chông, tìm bắt chuột, trồng thuốc lá. Hễ có người lạ tới là cụ “vọt” vô nhà, không làm nữa.

Cũng theo chị Nhung, dù trở về khá lâu nhưng nỗi nhớ rừng, nhớ rẫy, nhớ căn chòi lá trong rừng của cụ Hồ Văn Thanh vẫn chưa nguôi. “Có đêm, cụ ngồi dậy, gọi anh Lang dẫn vào rừng lại nhưng Lang không chịu. Cụ buồn, bỏ ra chồ củi nằm ngủ. Mới đây, cụ một mình tự chôn cây, làm chòi trên cao bên nhà. Thấy vậy, anh Tri hỏi, cụ không nói nhưng mình biết cụ đang làm lại căn chòi giống như trong rừng cho đỡ nhớ” - chị Nhung kể.

Chúng tôi hỏi anh Hồ Văn Lang: “Có muốn về rừng như cụ Thanh không?”, anh lắc đầu quầy quậy. “Có muốn lấy vợ không?”, anh cười, tỏ vẻ phấn khích. “Mặc dù suy nghĩ của anh Lang giống như một đứa trẻ mới lớn nhưng anh đã biết hổ thẹn, ngại ngùng. Mình chỉ người phụ nữ nào mà có chồng rồi thì anh ấy không thích, bỏ đi; hễ mình chỉ người nào chưa chồng, ảnh liền cười thích thú… Qua Tết, tôi sẽ nhờ bà con tìm vợ cho anh ấy để cuộc sống ổn định hơn” - anh Tri cho hay.

Dù cuộc sống của cha con “người rừng” có nhiều đổi thay sau khi chia tay rừng thẳm nhưng hiện vẫn đối mặt với nguy cơ thiếu ăn, thiếu mặc bởi gia đình anh Hồ Văn Tri là hộ nghèo, nuôi 3 con nhỏ, cộng thêm cha con cụ Thanh - anh Lang nữa nên cơm áo gạo tiền luôn là gánh nặng quá sức.

Chị Hồ Thị Nhung cho biết từ lúc đưa cha con cụ Thanh - ông Lang về ở cùng trong ngôi nhà mới được xây tặng, gia đình còn được 27 triệu đồng do những nhà hảo tâm giúp đỡ. Số tiền đó nay đã cạn sạch vì phải chi trả viện phí, mua quần áo cho cụ Thanh, ông Lang. Cả nhà đang lo Tết sắp tới không biết lấy tiền đâu mua gạo. “Ở nhà mới, thấy Tết đến cũng vui nhưng sợ cái bụng đói lắm!” - chị Nhung thở dài.

Bà Hồ Thị Ân - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Phong, huyện Tây Trà - cam kết: Chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ vật chất để trước mắt gia đình “người rừng” đón một cái Tết đầm ấm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại