Hồ nước kỳ lạ ấy nằm tại ấp 1, xã Thạnh An, huyện Hòa Thạnh, tỉnh Vĩnh Long, trong một góc khuất ở khu vườn trồng cây ăn trái của một hộ dân. Tận mắt chứng kiến cảnh tượng từng bọt nước sôi sùng sục trên mặt hồ chỉ rộng chừng 4m2 (mà không có bất kỳ tác động nhân tạo nào), nhiều người ngỡ ngàng.
Theo khẳng định của những người dân nơi đây thì hồ nước kỳ lạ này đã tồn tại từ hàng trăm năm nay. Nếu ai đó đi nhanh, mạnh quanh hồ thì lập tức, những bóng nước cũng sôi to và mạnh hơn. Vì những điều kỳ lạ này, nhiều người cho rằng đây là hồ nước thần linh thiêng, vì thế nếu bất kính dám xâm phạm sẽ chịu trừng phạt và kéo nhau đến khấn vái, xin lộc.
Lợi dụng sự mê tín của người dân, có kẻ còn tự xưng thầy cúng phao tin nước nơi này có thể chữa bách bệnh và nhiều người lại lại đổ xô đến đây với hy vọng xin được “nước thánh” chữa bệnh.
Theo ông Trần Văn Mạnh Trưởng, Trưởng ấp Thạnh An, hiện tượng nước sôi tự nhiên trong hồ đã có từ lâu, không có mưa nước cũng sôi ùng ục. Khi bà con dùng lửa châm vào thấy phát sáng nên đã sử dụng làm chất đốt hàng ngày. Nhiều hộ gia đình trong ấp không có nước sử dụng, khi khoan giếng xong lại không thể dùng được do nước chua và có chất mặn. Vì vậy, từ giếng đã khoan đó bà con sử dụng làm hố gas, vì thấy như vậy sẽ có lợi hơn. Tuy nhiên không phải chỗ nào khoan cũng có gas.
Khi được hỏi về độ an toàn của sự việc này, ông Trưởng cho biết: “Ở trên huyện, tỉnh không khuyến khích người dân sử dụng nguyên liệu này, do đây là việc sử dụng gas tự phát, không đạt quy chuẩn sử dụng gas an toàn, có thể sẽ xảy ra hiện tượng cháy nổ bất ngờ khi túi gas bị rò rỉ, chỉ có một số bà con sử dụng mà thôi vì cho tới nay, nhiều nơi đã bắt đầu cạn kiệt, số lượng cũng không nhiều” .
Cán bộ phòng tài nguyên Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Vĩnh Long, cho hay sở dĩ hiện tượng các bàu nước phát ra tiếng kêu ùng ục, phun trào bong bóng khí có thể do vùng đất Tam Bình, Long Hồ, Vũng Liêm, Trà Ôn… nằm trong vùng đất có trầm tích lâu đời. Khí gas mà người dân sử dụng là khí metan.
Vị cán bộ Sở tài nguyên cũng giải thích, hiện tượng các mó nước sôi ục ục là do chịu tác dụng giãn nở của khí nên bị phun trào ra khỏi mặt đất. Dưới lòng đất, nước ngầm không ngừng tiếp xúc với lớp nham thạch nóng chảy, nhiệt độ nước không ngừng gia tăng. Tất cả những nguyên nhân đó làm cho bong bóng khí và nhiệt lượng hình thành bên dưới không thoát ra được. Các bong bóng khí ấy ngày càng tích nhiều dần, áp lực ngày càng lớn. Khi áp lực đạt đến một ngưỡng nhất định, nước lại tiếp tục phun trào. Khí này có thể dùng làm chất đốt như khí gas, tuy nhiên số lượng cũng không nhiều và sẽ cạn kiệt nếu bị dùng quá mức.
Cách TP.HCM 150 km về phía Đông Bắc, thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng tồn tại khu suối nước nóng Bình Châu nổi tiếng có nhiệt độ từ 40 độ C - 82 độ C, phun trào bất tận trên 70 điểm, bất kể ngày đêm.
Theo nhiều người dân địa phương kể lại, nguồn gốc của suối nước nóng Bình Châu gắn liền với một truyền thuyết kể về mối tình bi thương của cặp vợ chồng trẻ. Chuyện kể rằng, xưa có đôi vợ chồng trẻ sống thật hạnh phúc bên nhau trên mảnh đất La Gi (Bình Thuận), khi ấy nơi đây vẫn vắng dấu chân người. Họ sống trong một cái động có tên là động Bà Sang, ngày ngày người chồng đi săn, người vợ ở nhà bên bếp lửa, chờ chồng mang thức ăn về. Một hôm người chồng nghe có tiếng con chim lạ hót. Chàng nghĩ ngợi, bàng hoàng vì trước giờ chưa bao giờ nghe được tiếng chim hót lạ đến như vậy, nghĩ rằng nơi ấy có nhiều chim chóc, thú rừng. Thế rồi chàng xách ná, đeo tên đi theo tiếng chim về hướng núi xa. Đến một vùng đất lạ, chim chóc, thú rừng chẳng thấy đâu nhưng ở quanh chàng hiện ra khung cảnh của ngàn hoa và những hình bóng mỹ nữ diễm kiều. Khung cảnh tuyệt đẹp khiến chàng quên cả lối về, quên cả người vợ đang ngóng đợi chàng ở nhà.
Ở nhà, người vợ nóng lòng bên chảo nước réo sôi, lửa lại sắp tàn, mòn mỏi ngóng chờ chồng mang thịt thú rừng về. Ngày tiếp ngày, nàng vẫn kiên trì giữ hồng bếp lửa để chảo nước luôn sôi. Rồi một đêm, nàng được thần báo mộng rằng chàng đã phụ bạc nàng, đã quay lưng với tình yêu nồng ấm ngày nào. Phẫn uất, nàng hất đổ chảo nước đang sôi như một lời thề đoạn tuyệt. Chảo nước sôi ấy đổ ra, tạo thành suối nước nóng ngày nay.
Để giải thích chính xác nguồn gốc xuất lộ của suối nước khoáng nóng, bùn khoáng nóng tại khu vực này, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã vào cuộc. Căn cứ theo tài liệu nghiên cứu khoa học của đoàn 801, nó có một nguồn cung cấp nước ở độ cao từ 20 đến 30 mét trở lên (như hồ trên núi Mây Tàu, núi Hồng Nhung tích tụ nước mưa). Nước từ đó vận động theo các vết nứt, xâm nhập vào lòng đất với độ sâu ít nhất từ 3.000 mét đến 5.000 mét. Trên đường vận động đó, nó được đốt nóng và trao đổi hóa học với thành phần vật chất của các lớp đá vây quanh như: Lớp chứa nước trong trầm tích biển đầm lầy (hologen, gio-pleixtoxen), nước trong khe nứt của đá macma rồi nhờ áp suất cao tại đây, chúng được đẩy lên mặt đất qua đới vỡ vụn tại giao điểm của 3 hệ thống đứt gãy kiến tạo theo hướng: Tây Bắc Đông Nam, Tây Nam Đông Bắc.
Nước khoáng, bùn khoáng nóng trào lên qua vô số điểm, tùy theo thành phần vật chất và mức độ cản trở trên đường đi mà chúng xuất lộ với nhiệt độ cao, thấp khác nhau, có xu hướng hòa nhập với nhau tạo thành từng nhóm, cụm rồi hòa chung thành dòng vận động về phía Nam theo hướng dốc tự nhiên của địa hình.
Tổng hợp theo GĐXH, NĐT