Tết đầu tiên trong trại giam
Theo lời kể chắp vá, lúc nhớ, lúc quên của ông Chấn, năm 2004 là năm đầu tiên người nông dân này biết thế nào là ăn Tết trong tù. “Buồn lắm! Mới vào trại Vĩnh Quang, người nhà chưa ai biết lên thăm”, ông Nguyễn Thanh Chấn bồi hồi nhớ lại năm đầu tiên ăn Tết ở trại Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc). Theo lời kể của ông Chấn, trong tù, Tết cũng có bánh chưng, ít thịt luộc, hộp mứt tết, chừng ấy cũng khiến ông nhớ gia đình đến nao lòng.
Thực phẩm được chia theo suất. Gia đình nào khá giả, gửi thêm thực phẩm vào nhiều thì người đó được hưởng. Vừa chân ướt chân ráo, dính án giết người, hiếp dâm, vào tù, ông Chấn không nhận được sự đồng cảm của những phạm nhân khác. Vì không quen ai, nên trong ba ngày Tết, phạm nhân Chấn chỉ biết ngồi thu lu ở một góc phòng giam. Trong tâm trí ông hiện lên hình ảnh người mẹ già đang cặm cụi rửa lá dong, người vợ tần tảo đang vo gạo nếp, đãi đỗ, chuẩn bị gói bánh chưng. Còn bốn đứa con thơ đang chia nhau những công việc quét dọn nhà cửa, trang trí cây quất. Nghĩ đến đây, ông Chấn ứa nước mắt. Giá như được ở nhà lúc này, mình sẽ giúp vợ con những công việc nặng nhọc, bổ củi nấu bánh chưng, giã giò mang sang nhà cho mẹ vợ gói (mẹ vợ ông Chấn nổi tiếng gói giò ngon trong làng)”, ông Chấn kể.
Đúng lúc ông đang mải mê với dòng hồi tưởng, một người bạn tù tên Trần Văn Thạch lân la đến gần ông Chấn nói chuyện. Qua câu chuyện xã giao, hai người nhận ra nhau là đồng hương, quê Yên Dũng, Bắc Giang. Được lời như cởi tấm lòng, ông Chấn thổ lộ những lời ruột gan tự đáy lòng của một người mắc án oan giết người, hiếp dâm. Nghe những lời tâm sự ấy, người bạn tù chỉ biết nói lời động viên, chia sẻ. Rồi ông Chấn quay sang hỏi Thạch vì sao phải ngồi tù. Thạch tâm sự: Anh ta bị khép vào tội giết người. Theo lời kể của Thạch, vào một buổi sáng định mệnh, anh ta phát hiện vợ mình chết ở bếp trong trạng thái treo cổ. Chưa qua giỗ đầu vợ, Thạch lấy vợ hai. Phía nhà vợ cả bức xúc, làm đơn kiện lên công an. Anh ta bị bắt đúng vào ngày cưới, bị xử tù chung thân về tội giết người. Mới đầu Thạch kêu oan, sau đó thì thôi.
Sau phút giây trải lòng, đôi bạn tâm sự những chuyện về nhân tình thế thái, gia đình. Trong những câu chuyện, ông Chấn luôn kể về gia đình mình trong nỗi nhớ khôn nguôi: “Tôi đi tù, không biết gia đình ăn Tết ra sao? Thiếu tôi chắc mẹ buồn lắm. Tôi vào tù, mẹ khóc thương đến mờ cả mắt”, ông Chấn nhớ lại.
Ông Chấn đang lần giở từng dòng lưư bút trên cuốn lịch tay. Ảnh Thành Long.
Và 9 mùa Xuân khắc khoải... kêu oan
Lần giở những dòng chữ viết nguệch ngoạc gói ghém trong từng trang cuốn lịch nhỏ bằng bàn tay của ông Chấn, chúng tôi thấy tràn đầy những cảm xúc chân thực của một con người luôn cho rằng mình bị án oan.
Trong nhiều trang lưu bút, ông Nguyễn Thanh Chấn luôn lặp lại câu: “Tôi không phạm tội giết người. Đề nghị ban giám thị hội đồng cán bộ xem xét kiến nghị lên các cơ quan xem xét lại cho tôi. Tuy tôi không phạm tội, nhưng tôi luôn chấp hành đúng nội quy trị, để mong được sự tạo điều kiện của cán bộ trại. Tôi vẫn chấp hành, không chống đối gì để mong các cán bộ có ý kiến lên các cơ quan cấp trên xem xét lại bản án cho tôi. Tôi không phạm tội. Đề nghị cán bộ tiếp tục cho tôi được viết đơn kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền, tôi sẽ chấp hành đúng, để chờ xem xét giải oan...”.
Ông Chấn giải thích: “Ở trong tù, tôi không biết bày tỏ cùng ai, cũng không thể cứ ôm song sắt, sau đó kêu oan. Thế nên, tôi ghi tất cả tâm sự ra những trang giấy nhỏ ấy. Mục đích để dằn lòng mình, những mong một ngày nào đó, đèn giời soi xét, tôi được minh oan, trở về với gia đình”.
Trong bức thư gửi các con, ông Chấn viết: “Các con yêu quý của bố. Đầu thư bố không biết nói gì. Bố cầm bút viết mấy lời về hỏi thăm sức khoẻ toàn thể gia đình và tất cả anh em họ hàng nội ngoại cùng với dân làng sang năm mới được mạnh khoẻ. Bố ở trong này như ếch ngồi đáy giếng. Mẹ và các con khẩn trương đi kêu oan cho bố. Còn bố lúc nào cũng mơ về quê hương để đoàn tụ gia đình. Không biết đèn giời có soi xét cho không? Sao mà pháp luật lại có những người mất hết lương tâm, bắt người vô tội phải nhận việc tày đình...”.
Thương nhớ mẹ già trong ngày Tết, từ trong trại giam, ông Chấn viết: “Vĩnh Quang ngày 20/12/2005. Mẹ ơi, con là Chấn đây. Thế là thấm thoát được hơn 2 năm rồi, trong lòng và đầu óc lúc nào con cũng nghĩ về quê hương, gia đình bây giờ thế nào? Con ở trong này không biết kêu ai bây giờ được nữa. Nhiều lúc cứ nghĩ chết đi cho xong, khỏi phiền đến mọi người xung quanh, khỏi phải phiền đến mẹ và vợ con. Nhưng rồi anh em khuyên chết thì dễ, sống mới khó.
Nhiều lúc con tự hỏi, mình không giết cô Hoan, sao lại phải nhận lấy tội về mình. Chỉ vì hành động tắc trách, thiếu lương tâm của người mang danh pháp luật, đến bây giờ con phải chịu khổ thế này. Thôi con chả viết nữa. Càng viết nước mắt cứ chảy hoài, đâm ra nghĩ lung tung, làm cho gia đình đau lòng, xót ruột. Trong lòng con lúc nào cũng nhớ về quê hương, nơi cha mẹ sinh ra con. Cho con hỏi thăm tất cả bà con dân làng. Còn con không phải là kẻ giết người. Con trai Nguyễn Thanh Chấn”.
Một bức thư ố vàng ông Chấn viết cho người mẹ của mình vào dịp Tết. Ảnh Thành Long.
Một ngày đầu năm mới, viết thư cho vợ, trái tim người chồng thổn thức: “Đêm nay, khi tất cả anh em trong trại đã chìm vào giấc ngủ, anh không sao ngủ được, trong lòng cứ nghĩ về em và các con mà hai dòng nước mắt cứ tuôn rơi. Vậy nên anh thức dậy, cầm bút ghi nhanh vài dòng về thăm em và các con.
Mở đầu tâm sự, anh chúc em luôn luôn mạnh khoẻ để chèo lái con thuyền cho tốt, mà còn kêu oan cho anh. Em ơi, bây giờ anh rất đau khổ và buồn chán. Không biết đến bao giờ mới hết được cảnh khổ này. Không biết bao giờ vợ chồng mình được sum họp, cùng ăn bữa cơm bên đàn con ngoan trong ngày Tết. Em hãy cố gắng thật nhiều và nghĩ ít thôi, còn phải kêu oan cho anh nữa chứ. Chúng mình lấy nhau đã hơn hai chục năm và đã có những đứa con ngoan.
Nay lại thêm cả con dâu và một đứa cháu nội nữa. Anh chưa bao giờ để em phải buồn và lo cho anh. Nhiều lúc đầu anh như muốn nổ tung ra vì không sao chịu nổi những việc oan ức trong lòng mình”.
Tâm sự với PV về những kỷ niệm đau buồn của 10 cái Tết trong tù, ông Nguyễn Thanh Chấn xúc động, giọng nhát gừng: “Những ngày Tết trong trại giam, với tôi chỉ toàn nhớ nhung, buồn chán, mong từng ngày được đoàn tụ gia đình”. Nhìn cây cối ngoài vườn đang đơm hoa, chuẩn bị đón Xuân Giáp Ngọ, gương mặt ông Chấn vui vẻ hẳn lên: “Năm nay tôi lại được giã giò, gói bánh chưng cùng gia đình. Tự tay tôi sẽ trang hoàng lại nhà cửa, ra đồng thắp hương mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu”.