Người dân lo lắng là hoàn toàn hợp lý
Chia sẻ với chúng tôi, Đại biểu QH Dương Trung Quốc cho rằng, theo sự phê duyệt của UBND TP Hà Nội, nhiều hàng cây xanh cổ thụ bị chặt hạ trên các tuyến phố nội thành, điều này khiến người dân vô cùng lo lắng là hoàn toàn hợp lý.
Theo ông Quốc, những người thuộc thế hệ của ông vẫn tự hào Hà Nội là một “Thủ đô xanh”.
"Việc chặt hạ hàng nghìn cây xanh ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân, vì thế, khi các hàng cây cổ thụ bị chặt hạ, tâm lý chung của người dân là nuối tiếc, lo lắng", ông Quốc nói.
Cũng theo ông Quốc, cây xanh có ý nghĩa vô cùng quan trọng với môi trường sinh thái và cuộc sống hàng ngày của người dân. Để trồng được một hàng cây xanh, vấn đề không chỉ là tiền bạc mà còn là thời gian.
Một hàng cây cổ thụ, có thể cần đến vài chục năm để trưởng thành, vì vậy, việc chặt hạ, kể cả thay thế cần phải cân nhắc rất kỹ xem việc làm này có chính đáng hay không, có cần thiết hay không.
Nhiều người dân đứng bên phía đối diện UBND Thành phố và giơ các biểu ngữ phản đối chặt cây xanh chiều 20/3.
"Sự thiếu minh bạch của Hà Nội trong việc chặt hạ, thay thế cây xanh vừa qua chính là thể hiện sự coi thường người dân. Đây là bài học để cho lãnh đạo Hà Nội nhận thức điều đó.
Kinh nghiệm cho thấy, Hà Nội càng đưa ra minh bạch bao nhiêu thì người dân sẽ ủng hộ những điều đúng, đóng góp cho bớt sai đi.
Còn với cách làm của Hà Nội như bây giờ, khiến cho người dân có quyền nghi ngờ là ngoài sự thiếu hiểu biết, trách nhiệm thì đằng sau có lợi ích nhóm nào đó. Điều mà lãnh đạo luôn nói là không có", ông Quốc nhìn nhận.
Ông Quốc cũng bày tỏ, việc dừng kế hoạch thay thế cây xanh mới là không chặt hạ tiếp. Tuy nhiên, còn phải làm rõ đến cùng vấn đề này, bởi rất nhiều các câu hỏi của báo chí đưa ra chưa được lãnh đạo HN trả lời và có thì cũng là đối phó.
"Hiện nay, Quốc hội cũng đang bàn về vấn đề trưng cầu dân ý dù là không phải cái gì cũng trưng cầu. Tuy nhiên, ở đây, cần phải nắm được ý của dân muốn như thế nào thì người lãnh đạo phải chủ động.
Tôi thấy, việc đưa ra giải pháp theo kiểu treo biển lấy ý kiến về cái cây nếu nói đúng phải là ngớ ngẩn. Nếu xem cây sâu, mục... thì phải leo lên, phải có kiến thức.
Chưa kể, tại sao những việc như này mà các cơ quan được coi là phản biện của Hà Nội lại không vào cuộc sớm.
Ví dụ như Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật của Hà Nội, các hội nghề nghiệp thì Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cũng không thấy lên tiếng mà rõ ràng chức năng phản biện có và dư luận người dân có.
Lúc này, ngoài người dân nhận thấy trách nhiệm của mình tự phát làm thì cơ chế giám sát xã hội, các hội nghề nghiệp, cơ quan chuyên môn, nhất là Mặt trận Tổ quốc cần phải xem lại để phát huy vai trò của mình, làm cho Hà Nội tốt hơn.
Và điều quan trọng nhất, chính là tính minh bạch", ông Quốc nhấn mạnh.
Mừng vì người dân đồng loạt phản đối
Đánh giá từ thực tế diễn ra trong vấn đề chặt cây của Hà Nội, ông Quốc khẳng định, cá nhân ông cảm thấy mừng khi người dân đồng loạt phản đối việc này.
"Tôi cảm thấy mừng vì người dân đồng loạt phản đối việc chặt cây và việc người dân làm như vậy, trước hết là do sự không minh bạch.
Chưa nói đến kinh phí mà đây là một dự án rất lớn, động chạm đến nhiều mặt của đô thị và cây xanh không chỉ là một cái cây mà nó là một phần đời sống, tình cảm, ký ức người Hà Nội.
Nhưng cơ quan quản lý Hà Nội lại coi như không, coi như quyền của mình và muốn làm gì thì làm", ông Quốc nói thêm.
Đồng thời, theo ông Quốc, bây giờ là lúc phải xem xét tất cả, xem lại các luận chứng, luận cứ của vấn đề này có cơ sở không hay chỉ là lợi ích cục bộ, trước mắt, bởi vì, chặt cái cây đi Nhà nước cũng mất tiền và trồng lên cũng mất tiền.
"Việc chặt, trồng 6.700 cây này có ai giám sát chưa, có qua đấu thầu không, trồng loại cây gì, tham khảo ý kiến của ai... Điều đó sẽ phải xem xét lại, bởi vì câu chuyện quản lý cây xanh là câu chuyện lâu dài.
Đây sẽ là một bài học để đúc rút kinh nghiệm nhưng riêng vụ việc này, tôi đề nghị phải đi tới cùng chứ không thể dừng việc chặt hạ là xong", ông Quốc nhấn mạnh thêm.