Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, khi mọi người đang quây quần bên người thân và gia đình thì trong các bệnh viện, các y, bác sỹ vẫn miệt mài với công việc của mình. Và trong những phiên trực đó, rất nhiều câu chuyện vui buồn, thậm chí là phát hoảng đối với không ít y, bác sỹ.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bác sỹ Đào Thị Tâm (do đề nghị của nhân vật nên tên đã được thay đổi - PV), chuyên khoa ngoại một bệnh viện ở Sơn La cho biết, những ngày Tết vừa qua, chị phải trực cả khối, cả khoa từ 27 đến hết mùng 6 Tết. Trong đó có ngày 29, 30, mùng 3 và mùng 6 tham gia trực khối ngoại là vất vả nhất.
Và trong dịp trực Tết vừa qua, đã có không ít câu chuyện, tình huống đã để lại những ấn tượng khó quên trong chị cũng như các đồng nghiệp tại bệnh viện.
Sau Tết, lượng bệnh nhân ở các bệnh viện đều có chiều hướng tăng mạnh, nhất là các bệnh nhân nhi.
"Hôm đó thời gian đã vào khoảng 1 giờ sáng, do bệnh viện miền núi nên rất vắng, chỉ có kíp trực ngoại gồm 1 chị y tá trực tiếp đón và tôi cùng với bệnh nhân và 1 người nhà bệnh nhân ở tầng 1 của bệnh viện.
Người nhà bệnh đó là một người đàn ông, thân hình vạm vỡ, chân tay to, mặc áo lót hở vai và cánh tay xăm trổ đầy rồng phượng. Khi bước vào thì một tay vẫn đang cầm con mã tấu dài hơn nửa mét, sáng loáng còn tay kia vác bệnh nhân đang say mềm, người bê bết máu. Chạy vào phòng cấp cứu, người này hô lớn, "bác sĩ ơi! Bác sĩ cấp cứu cho em của em với. Bọn nó uống rượu say, chửi nhau rồi chém nhau".
Tôi và chị y tá vừa nhanh chóng khám, kiểm tra các chỉ số sinh tồn, kiểm tra và băng cầm máu tạm thời các vết thương đang chảy máu để chuyển bệnh nhân lên khoa xử lý vừa e dè liếc người đàn ông vác mã tấu đứng kè kè bên cạnh.
Tôi liền hỏi, anh là anh trai của bệnh nhân à thì người này đáp vâng. Vì định cho bệnh nhân vào khoa để có thêm nhân viên của mình nữa, chứ có 2 chị em thế này với cái người to vật và con mã tấu sáng loáng kia, chẳng biết thế nào nên tôi nói thêm, chúng tôi băng tạm thế này rồi đưa bệnh nhân lên khoa (tầng 3) để trên khoa người ta khâu vết thương cho. Anh lên cùng để làm thủ tục bệnh án nhé?
Nhưng, người này trả lời: Chị cứ cho thằng em em lên để xử lý đi. Đằng nào nó cũng phải nằm đây chưa về được ngay. Thủ tục bệnh án tính sau. Giờ em phải về để tìm cái thằng đâm thằng em em cái đã....
Lúc anh ta chạy đi, tôi quay sang thấy mặt chị y tá cũng đang tái nhợt...", bác sỹ Tâm kể lại câu chuyện xảy ra trong dịp trực Tết vừa qua mà đến giờ khi nhớ lại chị vẫn cảm thấy rùng mình.
Một trường hợp khác, đó là ca tử vong do tai nạn giao thông đã khiến chị Tâm cảm thấy day dứt, buồn đến tận bây giờ.
"Đó là ca trực ngày mùng 3 Tết, bệnh nhân nữ, 25 tuổi, đang mang thai 3 tháng, chồng chở xe máy đi chơi và bị tai nạn giao thông. Lúc đầu chỉ có mỗi anh chồng đưa vào trong tình trạng thở ngáp cá, đồng tử giãn tối đa, mất phản xạ ánh sáng.
Kíp trực đặt ống, cho thở máy, truyền xối xả thuốc chống phù não. Đang cấp cứu thì người nhà đến rất đông. Một người đàn ông trung tuổi, chắc là bố của bệnh nhân, lao vào phòng cấp cứu, rút trong túi ra đống tiền dày đến cả gang tay gồm 4-5 cục tiền xanh lè, mới đét rồi lắp bắp nói: "Các bác sĩ ơi, các bác sĩ cố gắng cứu em nó, hết bao nhiêu gia đình tôi cũng sẵn sàng".
Lúc đó, tôi bảo với chú đó là: "Chú cất tiền và ra ngoài đi để bọn cháu cấp cứu bệnh nhân". Mặc dù, chúng tôi đã rất cố gắng nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi vì chấn thương não quá nặng... Thực sự là chúng tôi rất buồn, khi đây không phải một sinh mạng mà cả hai sinh mạng cùng ra đi...", chị Tâm kể lại với giọng lạc đi.
Nhưng bên cạnh những nỗi buồn đó, theo chị Tâm, cũng có những niềm vui từ ca bệnh nhờ có sự cứu chữa kịp thời của chị và các y, bác sỹ khác trực trong dịp Tết đã giúp bệnh nhân thoát khỏi "lưỡi hái" của tử thần.
"Đó là vào dịp Tết năm 2011, bệnh nhân được đưa vào kíp trực của tôi trong tình trạng viêm phúc mạc nặng nề do thủng dạ dày. Giải thích cho người nhà bệnh nhân biết rằng phải cho vào viện mổ thì mới cứu sống được bệnh nhân. Người nhà giãy nảy xin cho bệnh nhân về chết ở nhà vì không có tiền nhập viện.
Nhìn 3 đứa con nheo nhóc và cô vợ trẻ ngơ ngác, chồng bảo đưa về nhà chờ chết cũng đồng ý. Lúc đó, tôi không cầm nổi lòng. Vừa cương quyết không cho bệnh nhân về, vừa thuyết phục người nhà là sẽ lên ban giám đốc xin miễn viện phí cho. Khi mình lên trình bày, giám đốc đã đồng ý ngay. Cuộc mổ diễn ra tốt đẹp, bệnh nhân khỏi, ra viện.
Và 3 mùa hoa đào rồi, cứ trước Tết, đích thân bệnh nhân lại lặn lội vào rừng tìm, chặt và mang đến tặng mình 1 cành đào phai thật đẹp. Niềm vui đó, thực sự là cho đến bây giờ, nó vẫn là niềm động viên rất lớn lao đối với mình để làm tốt công việc...", bác sỹ Tâm chia sẻ.
Nghe xong những chia sẻ của bác sỹ Tâm, rất nhiều những xúc cảm khác nhau đã đến trong tôi. Thực sự, có đi sâu vào mới thấu hiểu được những nỗi vất vả, những niềm vui, thậm chí là nỗi lo lắng, hoảng sợ của các y, bác sỹ, nhất là trong dịp trực Tết Nguyên đán...