Cô bé được bố mẹ đặt tên là Minh Châu – với kỳ vọng sẽ em bé sẽ như một viên ngọc sáng. BS Vũ Bá Quyết – GĐ BV đã đến tặng quà và mừng tuổi, chúc em bé hay ăn chóng lớn.
Dự kiến sinh vào ngày mồng 8 Âm lịch, nhưng đang xem dở màn Táo quân, chị Nghiêm Lệ Chi ( 34 tuổi ở Văn Giang, Hưng Yên) có đã dấu hiệu trở dạ nên đã vào BV Phụ sản TƯ lúc chỉ cách giao thừa chỉ một giờ đồng hồ. Dường như tiếng pháo hoa đì đùng nổ bên ngoài bờ Hồ Hoàn Kiếm ngay gần đó có làm chị phân tâm một chút, khiến cuộc trở dạ kéo dài, nhưng rồi em bé đã ra đời thuận lợi. Bé gái hồng hào, khóc to. Với kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh, y tá Đinh Thị Thu Hiền – Khoa đẻ - thấy cánh mũi của cháu bé chưa thật căng nên đã chủ động cho bé thở oxy thêm 15 phút để bé hết khò khè trong tiếng thở. Một giờ sau, em bé đã được đưa vào bú mẹ - những giọt sữa non bổ dưỡng và quý giá của người mẹ.
GĐ BV Phụ sản TƯ – TS Vũ Bá Quyết – đã đến tặng quà và lì xì may mắn cho cháu bé.
Trong 30 phút đầu tiên của năm Giáp Ngọ, ngoài bé Minh Châu, các BS, hộ lý khoa Đẻ, BV Phụ sản TƯ đã đỡ 2 ca sinh khác, đó là 1 công dân nam và 1 công dân nữ trong tương lai. Y tá Thu Hiền cho biết: “Dự kiến sẽ có ít nhất 10 ca sinh trong đêm 30 Tết, rạng sáng mồng 1, các sản phụ đã đều nhập viện và chờ sinh. So với ngày thường, trung bình mỗi đêm tại BV có khoảng 30 ca sinh”.
Có mặt tại BV chúc Tết, động viên các cán bộ công nhân viên BV trực đêm 30 Tết, TS Vũ Bá Quyết - GĐ BV đã tới thăm tặng và và lì xì cho em bé may mắn. Theo TS Quyết nhận định: “Năm Giáp Ngọ không được coi là năm đẹp nên số ca sinh có thể sẽ không tăng đột biến như những năm Thìn, năm Mùi trước đây”.
Những người không có Tết
Đêm giao thừa, cùng ở BV, nhưng có lẽ chỉ có những ông bố, bà mẹ như chị Chi là có niềm vui. Còn với hầu hết các người bệnh phải ở lại BV trong thời khắc giao năm cũ,năm mới, họ nhiều lo lắng, đau đớn vì bệnh tật hơn. Năm nay, bệnh nhân phải ở lại Tết tại Khoa Ngoại Tổng hợp – BV Ung bướu TƯ ít hơn mọi năm, chỉ có 4 người.
Anh Đỗ Xuân Quyền, 34 tuổi, quê ở Cà Mau bị ung thư đại tràng. Hôm nay anh mổ đã được 15 ngày, dự kiến được về nhà từ ngày 29 Tết, nhưng có biểu hiện sốt nên phải ở lại BV theo dõi. Cơn sốt làm anh mệt và không tập đi lại được mỗi ngày 4 lần như BS khuyên. Anh cố gắng ăn được nhiều để nhanh hồi phục hơn. Thời khắc giao thừa bắn pháo hoa, anh Quyền muốn ra xem, nhưng lại không thể đi được khi đôi chân đi cũng không vững. Vì thế, anh chỉ mong đêm giao thừa sẽ có thể ngủ ngon để sáng mai khỏe khoắn hơn.
Mong ước đêm Giao thừa của anh Quyền chỉ là có một giấc ngủ ngon để sớm mai, anh có sức khỏe chiến đấu với bệnh tật của mình.
Tương tự như anh Quyền, bác Nguyễn Trung Kiên (62 tuổi, ở Nam Trực, Nam Định) phát hiện bị ung thư đại tràng cách đây 2 tháng. Hôm nay bác mổ đã được 13 ngày, nhưng do tắc ruột nên cũng chưa thể về nhà ăn Tết. Vừa đi thăm con gái ở xa về Việt Nam, bác Kiên chưa được ở nhà lâu thì suốt 2 tháng qua đã phải liên tục ở BV. Ngày Tết không được về nhà thắp hương cho ông bà tổ tiên, thắp hương mời người vợ thân yêu đã mất về ăn Tết, bác Kiên cũng chảy nước mắt, chạnh lòng nhớ gia đình.
Với điều dưỡng Dương Thị Ngát, khoa Ngoại Tổng hợp, BV Ung bướu TƯ, năm nay đã là năm thứ 2 liên tục trực 30 Tết tại BV. Chị cũng thay mặt cán bộ công nhân viên trong khoa làm mâm cỗ cúng giao thừa giản dị. Hương tàn, chị mang đồ cúng mời các bệnh nhân và người nhà thụ lộc. Chị nói: “Chủ yếu là mời người nhà, chứ bệnh nhân mới mổ xong, nhất là những người mổ ở đường tiêu hóa, họ không nên ăn đồ nếp như xôi, bánh chưng để tránh bị dính ruột; lại cũng không nên ăn thịt gà có da nếu mới mổ vì có chất tanh sẽ khiến vết mổ lâu lành”. Chị Ngát cũng bảo, năm mới đến, làm ở BV thì chẳng có BS, y tá nào không có mong ước là mọi bệnh nhân sẽ chóng lành bệnh. “Nhiều lúc nói chuyện với bệnh nhân, nước mắt chỉ trực trào ra vì thương họ quá nhưng chúng tôi đều không dám khóc vì sợ bệnh nhân sẽ nghĩ ngợi cho rằng chắc bệnh tật của mình nặng, họ lại bi quan”.
Mâm cỗ cúng giao thừa xong được điều dưỡng Ngát chia cho bệnh nhân và người nhà cùng thụ lộc, đón năm mới.
Đêm 30 Tết, hầu như mọi khoa/phòng trong các BV đều vắng lặng hơn mọi khi, chỉ có những trường hợp bệnh nhân nặng mới phải ở lại ăn Tết trong BV. Chỉ có khoa Cấp cứu các BV là không nằm trong ngoại lệ đó. Khoa Cấp cứu BV Việt Đức trong vòng 2 giờ sau giao thừa đã tiếp nhận 6 trường hợp tai nạn chấn thương được chuyển đến từ nhiều nơi. Các BS ở đây nhận định: Trong từng đó thời gian, có ngần ấy ca nhập viện, có lẽ cũng là yên ả. Mong ước của các BS là sự yên ả đó kéo dài thêm, dù rằng điều đó là rất khó. Bởi đã thành quy luật từ nhiều năm nay, các ca cấp cứu vì tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt trong dịp Tết thường tăng nhiều bắt đầu từ đêm mồng 1 Tết và cứ như vậy duy trì đến hết nghỉ lễ Tết.
Tại các BV ở Hà Nội như BV Bạch Mai, Việt Đức, BV Nhi TƯ…. có hàng nghìn bệnh nhân phải ở lại BV ăn Tết. Để kịp thời động viên bệnh nhân, các BV đều tặng quà và cung cấp các suất ăn miễn phí trong những ngày Tết tới bệnh nhân.