Nhộn nhịp sắm vàng mã tiễn Táo quân về trời

Nguyễn Vũ |

(Soha.vn) - Vài ngày trở lại đây, thị trường đồ lễ cho ngày Tết ông Công, ông Táo ở thành phố Hà Nội đã nhộn nhịp cảnh mua bán.

Theo quan niệm truyền thống của người Việt, 23 tháng Chạp là ngày Táo quân về trời, dâng tấu với Ngọc Hoàng về việc bếp núc, làm ăn của các gia đình dưới hạ giới trong năm qua. Bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều làm lễ, làm cơm để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đốt vàng mã gồm quần áo, mũ hài cũng trở thành truyền thống trong dịp này.

Phố Hàng Mã bày bán rất nhiều đồ lễ cúng ông Công, ông Táo từ giày, mũ, quần áo tới cá chép...

Có mặt tại phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm) ngày 30/1 (tức 19 tháng Chạp), chúng tôi nhận thấy dọc hai bên phố, đồ cúng lễ được bày bán la liệt, nhiều nhất là bộ đồ cúng gồm quần áo, mũ, dép và cá chép cho ông Táo, tiền vàng, hương...

Các cửa hàng tại đây bày bán đủ loại kích cỡ bộ lễ ông Công, ông Táo và cũng phong phú về giá cả. Không chỉ tập trung ở phố Hàng Mã, đồ lễ cũng được bày bán nhiều tại các chợ như chợ Hôm, chợ Đồng Xuân và cả trên những gánh hàng rong với giá rẻ hơn.

Những ngày này, nhiều người gánh vàng mã, đồ lễ cúng ông Công, ông Táo đi khắp các ngõ, phố Hà Nội.
Những ngày này, nhiều người gánh vàng mã, đồ lễ cúng ông Công, ông Táo đi khắp các ngõ, phố Hà Nội.

Những năm gần đây, một bộ phận không nhỏ các gia đình chuẩn bị đồ lễ cúng ông Công, ông Táo với đủ thứ đồ, vàng mã mua thật nhiều rồi đốt. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng như vậy là lãng phí.

Chị Phạm Thị Bích ở Hà Đông vừa mua bộ lễ quần áo, mũ, giày cho ông Công, ông Táo nói: “Tôi thấy thị trường vàng mã rất phong phú, rất nhiều thứ để mình chọn mua. Nhưng tôi chỉ sắm lễ với sự thành tâm của mình chứ không chạy đua với ai. Như thường năm, gia đình tôi cũng mua mũ, giày, quần áo, cá chép và làm cơm cúng sau đó, cá thì đem thả rồi hóa vàng thôi. Mua sắm đồ mã nhiều lại đốt đi vừa ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí mà lại không đúng phong tục truyền thống.” Chị Bích chia sẻ.

Thị trường vàng mã năm nay khá đa dạng về mẫu mã. Các bộ đồ như mũ, áo, giầy dép của ông Công, ông Táo được làm bằng nhiều loại giấy màu khác nhau với hình thức bắt mắt. Giá vàng mã năm nay tăng bình quân từ 10 đến 15%. Hiện giá một bộ đồ cúng ông Công, ông Táo bán rong từ 30-50 nghìn đồng/bộ. Tại phố Hàng Mã, bộ ông Công, ông Táo loại to có giá 120 nghìn đồng, loại vừa giá 100 nghìn đồng. Quần áo chúng sinh có giá khoảng 40 nghìn đồng 100 bộ.

Bà Tính với gian hàng bán đồ cúng ông Công, ông Táo.
Bà Tính với gian hàng bán đồ cúng ông Công, ông Táo.

Điểm khác biệt so với những năm trước là năm nay, chỉ những đồ dùng cần thiết cho ngày ông Công, ông Táo như mũ mão, quần áo, cá chép giấy...là bán chạy. Còn những loại hàng mã xa xỉ khác rất ít người hỏi mua. Bởi vậy nên các cửa hàng tại phố Hàng Mã năm nay không thấy bày bán các mặt hàng này.

Bà Tính, một người bán đồ lễ trên phố Hàng Mã cho hay, “mấy năm trước, vào độ này là người dân mua nhiều rồi nhưng năm nay dân vẫn chưa mua nhiều lắm.” Bà Tính cho hay, độ này năm ngoái, mỗi ngày bà bán được khoảng 30-40 bộ nhưng năm nay, dù đã là 19 tháng Chạp rồi nhưng bán cũng chưa được nhiều.

Việc cúng ông Công, ông Táo vốn không phụ thuộc vào vật cúng lễ mà chính là sự thành tâm, tấm lòng của mỗi người. Ngày nay, điều kiện kinh tế xã hội phát triển, kinh tế khá giả, nhiều gia đình chuẩn bị Tết ông Công, ông Táo cầu kỳ, kỹ lưỡng hơn. Điều đó phần nào cho thấy tín hiệu đáng mừng vì người dân ngày càng coi trọng truyền thống văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng, đốt quá nhiều vàng mã không chỉ lãng phí mà còn ảnh hưởng tới môi trường, có thể gây hỏa hoạn và thậm chí còn gây phản cảm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại