Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT nói về "cấm" phát ngôn chặt cây xanh

Hoàng Đan |

Ông Doãn cho rằng, nếu như cán bộ của Trường ĐH Lâm nghiệp nhân danh cơ quan để cung cấp thông tin thì không đúng nhưng nếu họ cung cấp thông tin với quyền của họ thì không sai.

Cán bộ cung cấp thông tin với quyền của họ là không sai

Ngày 25/3, trường ĐH Lâm nghiệp đã có văn bản số 373 liên quan đến “việc phát ngôn liên quan đến chặt cây xanh ở Hà Nội".

Đáng chú ý, văn bản này còn cho biết, Phòng An ninh Chính trị Nội bộ (PA83) – Công an Hà Nội đã có thông báo cho nhà trường đề nghị xử lý các cá nhân vi phạm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin.

Hôm qua (27/3), ĐH Lâm nghiệp đã nhận sai và khẳng định không có ý kiến nào như vậy từ PA83 CA Hà Nội.

Trao đổi với chúng tôi, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng, nếu như cán bộ của Trường ĐH Lâm nghiệp nhân danh cơ quan để cung cấp thông tin thì không đúng nhưng nếu họ cung cấp thông tin với quyền của họ thì không sai.

Theo ông Doãn, tạo Điều 4, khoản 2, chương 2 Luật Báo chí quy định rất cụ thể việc này:

"Công dân có quyền tiếp xúc, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí và nhà báo; gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm khác cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin".

Ông Doãn nhấn mạnh: "Như vậy đây là quyền của mọi công dân được luật pháp bảo hộ.

Chỉ trong trường hợp những người đó nhân danh tổ chức hoặc người đứng đầu mà không được ủy quyền để phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì mới không đúng theo quy định tại Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ".

Công văn 373 của trường ĐH Lâm nghiệp.
Công văn 373 của trường ĐH Lâm nghiệp.

Cần làm rõ trách nhiệm của hiệu trưởng

Còn Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, trường hợp này cần phải làm rõ là cán bộ thuộc Đại học Lâm Nghiệp khi trả lời báo chí có nhân danh trường đại học hay không.

"Nếu cán bộ này nhân danh, đại diện cho trường Đại học Lâm Nghiệp khi chưa được sự cho phép của trường thì người này mới vi phạm, có dấu hiệu mạo danh Đại học Lâm Nghiệp.

Ví dụ: Nếu họ nói "Tôi là Nguyễn Văn A, chức danh gì, tôi nhân danh trường Đại học Lâm Nghiệp tuyên bố cái này cái khác" thì như vậy mới là nhân danh, mạo danh trường đại học.

Khi đó, Trường Đại học Lâm Nghiệp xem xét xử lý cán bộ này là có cơ sở" - LS Hòe phân tích.

Tuy nhiên, Luật sư Trương Quốc Hòe khẳng định rằng, nếu cán bộ Đại học Lâm Nghiệp trả lời báo chí mà chỉ nhân danh cá nhân của họ.

Nói cách khác, họ nêu tên, lấy chức danh đang công tác tại trường Đại học Lâm Nghiệp, nhưng không nhân danh trường Đại học Lâm Nghiệp để trả lời thì họ không vi phạm.

 
Luật sư trương quốc hòe
Khi báo chí hỏi về một vấn đề mà xã hội đang quan tâm, một người có thể sử dụng kiến thức, sự hiểu biết của họ để nói về vấn đề đó. Họ được quyền nhân danh bản thân để nói về việc đó. Họ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung mà họ nói về vấn đề mà xã hội đang quan tâm, không xâm phạm đến quyền, lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân thì họ không bị truy cứu trách nhiệm. Đó là quyền tự do ngôn luận.

Đồng quan điểm, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng VP Luật sư Vì dân (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho hay, đối với các cán bộ của trường ĐH Lâm nghiệp vừa là nhà khoa học, giáo viên nhưng cũng vừa là công dân.

"Họ nói là giáo viên hay tiến sỹ ở trường ĐH Lâm nghiệp thì chỉ là địa chỉ của họ thôi còn không phát ngôn thay trường. Họ phát ngôn với tư cách của công dân, nhà khoa học là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp, pháp luật quy định.

Công dân có quyền tự do tự do ngôn luận và có nghĩa vụ góp phần đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật, đồng thời góp ý với cơ quan có thẩm quyền về công tác quản lý nhà nước để được tốt hơn" - Luật sư Triển nói.

Theo Luật sư Triển, việc các cán bộ của ĐH Lâm nghiệp đưa ra quan điểm liên quan đến chặt cây là hết sức có lợi về phương diện quản lý Nhà nước và khẳng định, trách nhiệm của họ trước xã hội, Nhà nước, nhân dân.

"Điều đó hoàn toàn đáng khen. Việc hiệu trưởng nhà trường đưa ra văn bản đó rõ ràng là vi phạm.

Ở đây, nếu do không hiểu biết pháp luật ra văn bản thì còn xem xét giảm nhẹ trách nhiệm còn nếu hiểu biết ra mà văn bản như vậy thì phải kiểm điểm rõ trách nhiệm của hiệu trưởng" - Luật sư Triển nhấn mạnh.

Thêm vào đó, Luật sư Triển cũng bày tỏ, việc hiệu trưởng ký văn bản đó trong khi không có văn bản của cơ quan công an, sau đó, đổ lỗi cho "đánh máy" là động cơ không lành mạnh, cần phải xem xét rõ.

Trước đó, ông Nguyễn Vũ Lâm, Trưởng phòng Hành chính tổ chức, Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội xác nhận, văn bản số 373/TB-ĐHLN-HCTH ngày 25/3/2015 là do nhà trường vừa ban hành.

"Thực tế, ở đây không có ý kiến gì của bên Phòng An ninh Chính trị Nội bộ (PA83) - Công an Hà Nội cả mà chỉ có một nhắc chung là nhà trường cần tăng cường công tác quản lý cán bộ và học sinh, sinh viên.

Chính vì vậy, chúng tôi cũng có một văn bản 370 nhắc nhở chung về quy chế phát ngôn.

Tuy nhiên, do các đơn vị tham mưu nôn nóng quá nên có đưa ra văn bản 373 tiếp theo có nội dung nhấn mạnh như vậy và người soạn thảo chưa hiểu hết ý nghĩa nội dung cũng như ý truyền đạt của lãnh đạo nên soạn thảo chưa đúng.

Đây là lỗi văn bản" - ông Lâm nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại