'Người rừng' Hồ Văn Lang cố gắng học chữ để... tìm vợ

Dương Kha |

"Buổi trưa đi làm về anh Lang lấy vở ra học chữ. Anh ấy học được bảng chữ cái rồi. Lúc tâm sự, anh Lang nói muốn lấy vợ, sinh con nên anh ấy cố gắng học chữ để tìm vợ"- em trai "người rừng" cho biết.

Sau hơn 2 năm được đưa về sống với cộng đồng cùng với cha là Hồ Văn Thanh, đến nay anh Hồ Văn Lang (SN 1968) hòa nhập khá tốt với cuộc sống mới, anh đã biết xem ti vi, lên rẫy trồng cây, cấy lúa... giúp bà con trong làng khi họ nhờ.

Đặc biệt, anh Lang còn biết để ý con gái và muốn có vợ, có con.

PV báo Người đưa tin ghé thăm căn nhà của cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang (thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) vào rạng sáng 21/7, một buổi sáng mờ ảo trong làn sương trắng buốt sau cơn mưa rừng.

Trong căn nhà cấp 4 được các đoàn thể, tổ chức xây tặng, "người rừng" Hồ Văn Thanh đang ngồi co ro trên chiếc giường xem ti vi… vì đứa con gắn bó trong rừng hơn 40 năm của mình, anh Hồ Văn Lang, cùng những người hàng xóm đi làm ruộng từ sáng sớm.

Theo chân anh Hồ Văn Tri (em trai anh Hồ Văn Lang), PV đến tìm anh Lang ở cánh đồng đầu thôn. Đôi tay thoăn thoắt, anh Lang cuốc đất làm ruộng như một người nông dân thực thụ. Nhìn thấy PV, anh Lang nhoẻn miệng cười.

Dường như sau 2 năm, một "người rừng" sợ sệt mỗi khi thấy người lạ đã biến mất.

Điều đó phần nào chứng minh cho lời kể của anh Tri: "Lúc trước anh Lang chỉ thích đi núi không dám xuống ruộng vì anh ấy bảo xuống ruộng dơ lắm còn bây giờ thì làm rất giỏi.

Vụ vừa rồi sào ruộng của anh ấy gặt được mấy tạ lúa đó. Anh ấy còn biết đến nhà hàng xóm chơi và trò chuyện nữa".

 

Tranh thủ thời gian nghỉ giải lao, anh Lang cùng những người hàng xóm lên bờ uống nước, nhai trầu. Anh Lang vui vẻ trò chuyện cùng bạn làm, lâu lâu, anh còn đọc thầm "a, o, ô, ơ..."- những chữ cái mà anh học được.

Khi được PV hỏi có còn thích ở trong rừng không, anh Hồ Văn Lang cười cười rồi lắc đầu, hỏi lý do thì được anh nói lí nhí trong miệng.

Anh Lang chưa nói được tiếng Kinh, nên PV nhờ anh Tri "phiên dịch": "Thôi, không thích sống trong rừng nữa đâu. Không thích nữa. Ở đây rất vui, rất hạnh phúc. Có cơm ăn còn được nói chuyện với mọi người".

Cũng theo anh Tri, anh Lang đã biết để ý con gái. Thời gian gần đây, anh Lang còn nhờ cháu gái (con gái anh Tri) dạy cho mình tiếng Kinh.

"Buổi trưa đi làm về anh Lang lấy vở, viết ra học chữ. Anh ấy học được bảng chữ cái rồi. Trong những lúc anh em tâm sự, thì anh Lang nói muốn lấy vợ, rồi sinh con. Nên anh ấy cố gắng học chữ để tìm vợ", anh Tri nói.

Trong khi anh Hồ Văn Lang hòa nhập rất tốt với cuộc sống mới thì ông Hồ Văn Thanh nhất quyết không chịu ra ngoài, cứ ở mãi trong nhà và không nói chuyện với ai.

Những vật dụng từ lúc làm "người rừng" được ông cất gọn gàng ở đầu giường nơi mình ngủ - có lẽ đó là những ký ức không thể nào quên với cha con ông Thanh, vốn đã sống biền biệt hơn 40 năm trong rừng sâu...

 - Ảnh 1
"Người rừng" đã dần dần hòa nhập với cộng đồng
 - Ảnh 2

Anh Hồ Văn Lang đã quen với công việc đồng áng

 - Ảnh 3
"Người rừng" ăn trầu lúc nghỉ giải lao
 - Ảnh 4
Vui vẻ trò chuyện cùng hàng xóm bên giếng nước công cộng
 - Ảnh 5
Tranh thủ buổi trưa anh Lang học chữ Kinh
 - Ảnh 6
Anh Hồ Văn Tri (em trai của anh Lang) cho biết, anh Lang rất thích xem tivi
 - Ảnh 7
Ông Hồ Văn Thanh ngồi co ro bên con trai

Tiếp xúc với PV báo Người đưa tin, lần đầu tiên “người rừng” Hồ Văn Lang cất tiếng hát sau thời gian hơn 2 năm hòa nhập với cộng đồng.

Báo Người đưa tin xin gửi đến bạn đọc bài hát có tựa đề “Hạnh phúc" do “người rừng” Hồ Văn Lang sáng tác.

Do đây là ngôn ngữ của riêng “người rừng” nên thông qua sự giải thích của người em trai tên Hồ Văn Tri, PV tóm lược được nội dung chính.

Bài hát có nội dung: "Ở đây có cơm ăn, có tivi xem. Cây lồ ô chặt về có người mua, họ còn trả tiền.

Ở đây còn có xe Dream, có Tây Trà, có Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đắk Lắk. Được học chữ "o, ư, ô, ơ".

Cuộc sống thật vui vẻ, tự do,hạnh phúc". Anh Tri cho biết: “Lời hát là những gì anh Lang cảm nhận được về cuộc sống của mình trong thời gian qua”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại