Trao đổi với PV sau khi tòa tuyên án đối với hai bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh, bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền cho biết, gia đình đồng tình với mức án này.
"Gia đình chúng tôi đồng tình với những gì đã diễn ra trong 2 ngày tòa án tiến hành xét xử vừa qua.
Với mức án 19 năm của bị cáo Tường, tuy chưa được như mong muốn của gia đình về việc chuyển tội danh nhưng chúng tôi cho rằng, đây là một bản án nghiêm khắc.
Đồng thời, việc cấm bị cáo hành nghề 5 năm sau khi hết hạn tù cũng mang tính răn đe cao.
Riêng với bị cáo Khánh thì mức án 33 tháng cũng là hợp lý với hành vi của bị cáo gây ra", bà Hiền nói.
Tuy nhiên, theo bà Hiền, mức bồi thường dân sự Tường phải chịu mà tòa tuyên hôm nay, trong đó, phần cấp dưỡng cho 2 cháu con chị Huyền đến tròn 18 tuổi, mỗi tháng 1 triệu đồng/cháu là chưa thực sự hợp lý.
"Gia đình tôi có thể sẽ kháng cáo đề nghị xem xét lại phần tiền bồi thường và tiền cấp dưỡng nuôi hai cháu nhỏ con của Huyền", bà Hiền nhấn mạnh.
Còn ông Lê Văn Viễn, bố đẻ chị Huyền cũng cho biết, dù Tường không bị kết tội Giết người nhưng mức án 19 năm cũng đủ răn đe.
Đồng quan điểm đó, anh Nguyễn Hữu Huy, chồng chị Huyền cũng cho hay, gia đình chấp nhận mức án cao nhất mà tòa tuyên đối với tội danh bị truy tố của Tường.
"Tôi nghĩ rằng, tòa đã đưa ra phán quyết công minh nhất để đem lại sự công bằng cho xã hội và với tội danh bị truy tố của Tường thì đó là một hình thức răn đe, tránh trường hợp tương tự", anh Huy bày tỏ.
Về vấn đề bồi thường dân sự được tòa tuyên, anh Huy cũng khẳng định, gia đình sẽ xem xét việc kháng cáo.
Anh Nguyễn Hữu Huy, chồng chị Huyền chia sẻ về bản án đối với bị cáo Tường sau khi bị tòa tuyên.
"Ở đây, gia đình đang sống giữa trung tâm Thủ đô mà với mức cấp dưỡng Tường phải chịu là 1 triệu đồng/tháng/cháu đến năm 18 tuổi là chưa đủ đóng tiền học chứ chưa nói đến các chi phí ăn uống, ốm đau...
Tôi cho rằng, đây là một bất cập, ảnh hưởng tới tương lai của các cháu. Thêm vào đó, với hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi hiện tại thì nó sẽ hạn chế rất nhiều.
Cá nhân tôi chỉ mong muốn tòa sẽ xem xét một cách thực tế chi tiêu dành cho con cái hiện tại.
Còn ở đây, gia đình sẽ xem xét việc có kháng cáo mức bồi thường dân sự này hay không", anh Huy chia sẻ.
Đối với những người có liên quan trong vụ án không bị xem xét, xử lý, anh Huy bày tỏ: "Cá nhân tôi tin tưởng vào tòa án và các cơ quan thực thi pháp luật trong việc có cần phải xem xét, xử lý những người đó hay không".
Với trường hợp của chị Hằng, vợ của bị cáo Tường, người ngồi cùng xe ôtô trong quá trình vứt xác chị Huyền nhưng không bị xử lý anh Huy cũng cho rằng, điều này cũng thể hiện tính nhân đạo.
"Hành vi của Hằng là đi cùng Tường trong lúc tiến hành phi tang xác vợ tôi nhưng theo quy định của pháp luật, khi truy tố Tường về tội danh này thì không truy tố về việc không tố giác chuyện đó.
Còn đứng ở góc độ nhân đạo, thì ở đây, các cơ quan chức năng cũng đã xem xét các yếu tố có liên quan về gia đình để không xử lý Hằng. Bản thân tôi cũng hiểu được tình người ở đây", anh Huy nói thêm.
Trước đó, tòa đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Tường 14 năm về tội: Vi phạm quy định về khám chữa bệnh, 5 năm tội xâm phạm thi thể. Tổng hợp hình phạt là 19 năm.
Đối với bị cáo Khánh phạm tội khi còn nhỏ, hành vi không đặc biệt nghiêm trọng nên tòa cho rằng cần xem xét giảm một phần hình phạt cho bị cáo này.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Khánh 24 tháng tội Xâm phạm thi thể, 9 tháng tội Trộm cắp tài sản. Tổng cộng 33 tháng.
Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc bị cáo Tường phải bồi thường 585 triệu đồng, trừ đi 200 triệu đã bồi thường. Bị cáo phải cấp dưỡng cho con chị Huyền mỗi cháu một triệu một tháng đến khi đủ 18 tuổi.
Tường bị cấm hành nghề 5 năm sau khi mãn hạn tù. Bị cáo có quyền kháng cáo trong 15 ngày.