Sự việc tìm mộ tướng Phùng Chí Kiên, người đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được Hồ Chủ tịch kí sắc lệnh phong tướng đã được báo chí nhắc tới từ nhiều năm nay. Năm 2008, vụ việc xét nghiệm ADN xác định xương sọ chỉ là đất, mảnh sành và răng thì của lợn rừng. Tuy nhiên, việc sai sót trong việc tìm mộ bằng ngoại cảm khi đó ít người quan tâm.
Nhưng sau loạt phóng sự của VTV “vạch mặt” việc làm “thất đức” của nhà ngoại cảm trong việc tìm mộ liệt sĩ với những con số được các nhà khoa học công bố khiến mọi người ngỡ ngàng, trong đó có nhắc tới nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng trong việc tìm mộ tướng Phùng Chí Kiên thì đã thực sự gây sóng dư luận.
Trên cương vị là luật sư mà Phan Thị Bích Hằng nhờ tư vấn, luật sư Trần Đình Triển (đoàn luật sư TP. Hà Nội, Trưởng văn phòng Luật sư Vì Dân) đã trả lời một cách chung nhất về vấn đề ngoại cảm và những vấn đề xung quanh Phan Thị Bích Hằng.
Luật sư Triển cho biết: “Liên quan tới vấn đề tâm linh hay nhà ngoại cảm có thể có nhiều quan điểm khác nhau. Dưới góc độ luật sư, bản thân tôi cũng là người không có khả năng đó và cũng chưa có một cái gì để tin hay không tin. Có thế giới thứ ba, có người ngoài hay tinh hay không… tất cả những vấn đề đó đang được nghiên cứu. Nhưng cũng có những điều khoa học đã từng chứng minh thì mỗi con người có những đặc tính khác nhau, có những điểm từ trường khác biệt nhau và cũng có thể đồng cảm với nhau… Với tôi, trên quan điểm những việc gì là mê tín hay không mê tín nhưng ai đóng góp được những gì có ích cho xã hội thì đều tốt cả, chúng ta phải ghi nhận để tập trung vào giải quyết những vấn đề mang tính “uống nước nhớ nguồn”, trong đó có phong trào của những nhà tâm linh”.
Trên thực tế, qua một số tài liệu cũng như một số việc làm hay một số trung tâm nghiên cứu về hiện tượng lạ, luật sư Triển nói thêm: “Tôi không chứng minh được họ có khả năng hay không có khả năng nhưng đây là có nghiên cứu của bên tổ chức UIA hay các tổ chức nghiên cứu khác về tiềm năng con người, chứ không phải họ chấp nhận hiện tượng đó”.
Tuy nhiên theo luật sư Triển, thông qua các nhà nghiên cứu nói lại, thì, về hoạt động của các nhà tâm linh không phải ai cũng có khả năng cả. Có những người có những khả năng thực sự thì ở giai đoạn này nhưng ở giai đoạn sau không còn, có những người có khả năng đó vào buổi sáng nhưng buổi chiều yếu dần…
Bên cạnh đó, luật sư Triển đưa ra quan điểm của mình: “Một số người không có khả năng nhưng lợi dụng vào việc tâm linh để làm những việc sai trái hoặc kiếm tiền… gây nên bức xúc cho xã hội. Phải giải quyết những mối quan hệ. Như vậy, mới công bằng trước những cách nhìn nhận. Còn khi khoa học chưa chứng minh được thì chúng ta chưa vội kết luận một điều gì”.
Luật sư Triển cũng đưa ra ví dụ để tìm mộ liệt sĩ ngoài vấn đề tâm linh như, khi tìm mộ liệt sĩ, có thể trong người liệt sĩ đó có những vật kỉ niệm như cái kính, cái bút, khăn tay hay nhẫn rồi những vật dụng khác có khắc chữ… mà người thân có thể nhận định ra.
Thêm nữa, là thông tin của quân đội, của đồng đội hay nhân dân địa phương để kiểm chứng lại; thông qua giám định ADN để kết luận rằng việc đó chính xác hay không chứ cũng không thể tin các nhà ngoại cảm được. “Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cũng rơi trong bối cảnh chung như vậy. Điều đó chúng ta phải đánh giá một cách khách quan”, luật sư Triển nhấn mạnh.
“Còn cái mà nhà ngoại cảm bỏ công sức ra hay họ có tâm để đi tìm mộ liệt sĩ, điều đó chúng ta ghi nhận và trân trọng. Còn đúng hay sai phải nhiều biện pháp để kiểm chứng thận trọng xem thật hay giả chứ không phải vội vàng kết luận điều gì để xúc phạm người khác. Đó là điều hết sức kiêng kị dưới góc độ về khoa học, về nhân tâm, về con người”, luật sư Triển đưa ra đánh giá của mình qua những sự việc luật sư theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian vừa qua về sự việc liên quan tới ngoại cảm.
Bàn về trường hợp tìm mộ tướng Phùng Chí Kiên của Phan Thị Bích Hằng, luật sư Triển cũng đưa ra ý kiến của mình. Tướng Phùng Chí Kiên là một người mà luật sư hết sức trân trọng. Phan Thị Bích Hằng tìm mộ tướng Phùng Chí Kiên không phải chỉ có việc của tâm linh, khi đó còn cả chính quyền địa phương và các đồng chí lão thành cách mạng trông đợi. Là luật sư được Phan Thị Bích Hằng nhờ tư vấn, Trần Đình Triển khuyên Phan Thị Bích Hằng "nên im lặng, không nên nói ý kiến gì". Còn việc này các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét lại.
Luật sư Triển đưa ra kết luận: “Đối với nhà ngoại cảm, họ có hay không khả năng, dưới góc độ khoa học, đây là vấn đề thử nghiệm và nghiên cứu. Còn khi họ có cái tâm để đi tìm hài cốt các liệt sĩ mà không vụ lợi thì đó là nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng. Khi tìm được hài cốt, về mặt khoa học chúng ta phải chứng minh là thật hay giả”.
Trên quan điểm luật sư, Trần Đình Triển hết sức phê phán những người không có khả năng gì nhưng lợi dụng mê tín dị đoan rồi đưa ra những việc như mình có khả năng.
“Tôi lấy ví dụ ngay sự việc xác chết bị giám đốc Thẩm mỹ viện Cát tường phi tang bằng cách ném xuống sông Hồng, hàng loạt nhà ngoại cảm mà với góc độ tôi ở ngay bên cạnh UIA mà không biết nhà ngoại cảm đó ở đâu cả, chưa bao giờ nghe tới tên tuổi của họ, nhưng họ có thể lợi dụng vào việc đó để đánh bóng tên tuổi mình. Từ đó họ trục lợi sang mê tín dị đoan, lừa dối người này người kia để thông qua việc tìm mộ để rồi kiếm lợi. Điều đó, chúng ta cần phê phán và xử lý nghiêm minh”, luật sư Triển nói.
Bàn về việc xử lý nghiêm minh những trường hợp lợi dụng tâm linh để trục lợi, luật sư Triển cũng phân tích: Trong pháp luật cũng có quy định rất rõ ràng về mê tín dị đoan. Công dân có quyền tự do tín ngưỡng nhưng tín ngưỡng phải thánh thiện, mang lại lợi ích cho Nhà nước, cho nhân dân. Hay một điều gì đó mà người ta coi như văn hóa tâm linh. Còn dựa vào điều đó để mê tín dị đoan, để kiếm tiền hoặc làm ảnh hưởng tới cái chung về an ninh trật tự hoặc gây nên hậu quả khác thì điều đó trong luật cũng đã quy định rõ ràng và phải xử lý nghiêm minh.
Những thông tin đặc biệt về Phan Thị Bích Hằng và ngoại cảm (cập nhật liên tục)
* Nhà ngoại cảm đoán sai thời gian tìm thấy xác khách thẩm mỹ
* TS Khanh: "Nói Phan Thị Bích Hằng như vậy là vô trách nhiệm" Toàn bộ thông tin vụ việc: BẤM VÀO ĐÂY |