>> Xem toàn bộ vụ TRỌNG ÁN THẨM MỸ VIỆN LÀM CHẾT NGƯỜI, VỨT XÁC xuống sông Hồng
Khi xảy ra vụ việc bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường ném xác khách hàng xuống sông Hồng gây rúng động dư luận, có không ít các giả thiết đã được đặt ra, cố gắng giải thích cho một sự suy đồi về đạo đức trong xã hội nói chung và y đức trong ngành y tế nói riêng.
Rằng nếu bác sỹ Tường đưa chị Huyền đi cấp cứu ngay khi có những dấu hiệu bất thường thì sao? Nếu không thì khi chị Huyền đã tử vong nhưng bác sỹ Tường ra trình báo cơ quan công an? Và cuối cùng, cho đến thời điểm này khi thi thể của chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy thì tại sao với lương tâm của một bác sỹ lại có thể nghĩ ra cách phi tang vô nhân đạo như thế?
Tất cả chỉ là giả thiết và câu trả lời là không có một trường hợp ngoại lệ nào cho sự phi tang mà không phải là một sự vô nhân đạo bởi khi quyết định không đưa khách hàng đi cấp cứu thì “cánh cửa” nhân đạo trong lòng ông bác sỹ ấy đã đóng lại rồi.
Và đáp án cho những câu hỏi tại sao một bác sỹ có thể có hành vi vô nhân đạo như vậy đã được Luật sư Trần Quốc Thuận – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đưa ra: “Sợ trách nhiệm”.
Đáp án này có vẻ đúng khi nó ăn khớp với vấn đề một cách đáng kinh ngạc. Vì sợ trách nhiệm khi đã nhận tiền đặt cọc và tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Huyền rồi nên bác sỹ Tường đã “bỏ qua” các cơ hội để có thể cứu sống được khách hàng cũng như “cứu sống” chính mình và những người thân trong gia đình.
Điều đáng sợ hơn là “sợ trách nhiệm” dường như đã trở thành một căn bệnh trầm kha của xã hội khi ngay trong câu trả lời về trách nhiệm của những người làm công tác quản lý, mọi người cũng có thể thấy bóng dáng của một động tác “đá bóng”.
Trả lời báo chí gần đây về về trách nhiệm của Sở Y tế khi thẩm mỹ viện Cát Tường đã hoạt động không phép trong một thời gian dài (từ tháng 5 tới nay) mà không bị cơ quan quản lý phát hiện, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường nói: "Do cơ sở y tế hoạt động không phép nên Sở Y tế không có cơ sở để nắm được thông tin. Sở cũng chưa nhận được báo cáo kiểm tra, giám sát cơ sở này của Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng".
Còn ở Nghị trường, các nhà báo quan tâm đến vụ việc, cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu và xua tay từ chối của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - người lẽ ra phải chủ động lên tiếng với báo chí.
Và sau đó, dường như khi cảm thấy không lên tiếng không được, Bộ trưởng Tiến đã… đặt vấn đề về trách nhiệm và vai trò của báo chí khi so sánh hệ thống tuyên truyền hiện nay với thời chiến tranh.
“Tại sao trong chiến tranh, hệ thống tuyên truyền của ta chỉ có đài tiếng nói chứ tivi chưa có, cộng với một ít báo nhưng đã dấy lên lòng yêu nước, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc và cống hiến? Vậy báo chí hiện nay ngoài nêu tiêu cực thì hãy nêu gương tốt và làm sao nêu lên được khát vọng cháy bỏng.
Tôi cho rằng báo chí cần có những định hướng đúng để xã hội thấy những cái dở nhưng cũng phải thấy những cái tốt, nổi bật lên được khát vọng làm giàu chính đáng để xây dựng đất nước. Chúng ta đã thành công rất nhiều trong chiến tranh giải phóng dân tộc ở khâu truyền thông giáo dục tư tưởng. Nên tôn vinh hơn nữa cái tốt, khuấy lên phong trào làm giàu chính đáng, yêu nước và cống hiến”, bà Tiến nói.
Danh ngôn có câu: “Trách nhiệm lớn lao đòi hỏi đức hạnh lớn lao”. Phải chăng những nghi ngại về sự xuống dốc của “bánh xe” y đức là chính xác khi “chiếc phanh” trách nhiệm “không được bóp”?
Những thông tin đặc biệt vụ trọng án: Đi thẩm mỹ viện bị chết, bác sỹ ném xác xuống sông Hồng (cập nhật liên tục)
* Tiếp tục xuất hiện nhà ngoại cảm ra sông Hồng tìm xác nạn nhân
* Chủ tịch Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM: "Ông Tường nói láo"! Toàn bộ thông tin vụ việc: BẤM VÀO ĐÂY |