Nhà ngoại cảm…khổ lắm!
Trong chương trình "Trở về ký ức" số mới nhất của VTV đã chia sẻ rất nhiều thông tin quan trọng về khả năng thực sự của các nhà ngoại cảm. Trong đó, nhà ngoại cảm nổi tiếng Phan Thị Bích Hằng cũng được nhắc đến.
Cụ thể, nhiều nhân thân gia đình của các liệt sĩ đã nhận nhầm xương động vật thành xương của người đã khuất. Đáng chú ý là vụ giám định vào tháng 9/2009 khi phát hiện thứ mà nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng nói là hài cốt của liệt sĩ Phùng Chí Kiên chỉ là mảnh sành vụn và một chiếc răng động vật.
Thông tin này khiến nhiều người bất ngờ và dần mất niềm tin vào khả năng thực sự của các nhà ngoại cảm, đặc biệt đối với Phan Thị Bích Hằng.
"Vì một sự kiện mà phủ nhận 20 năm của Phan Thị Bích Hằng là bất công".
Trao đổi với chúng tôi, Nhà giáo Quan Lệ Lan (Phó chủ nhiệm thường trực Bộ môn Cận tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) khẳng định, kết quả xác định hài cốt của liệt sỹ Phùng Chí Kiên mà Phan Thị Bích Hằng tìm ra sai là đúng sự thật, họ nói đó là răng chó là không sai.
Nhưng vấn đề ở chỗ, khi lấy mẫu cốt thẩm đi thử lại sai về mặt thủ tục. Nhà giáo Quan Lệ Lan giải thích: “Đáng lẽ lấy mẫu hài cốt phải là người có trách nhiệm, chuyên môn như công an, nhân viên pháp y nhưng lại để gia đình lấy mà không có sự quan sát của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng”.
Đã từng chứng kiến nhiều vụ tìm hài cốt của các nhà ngoại cảm trong đó có Phan Thị Bích Hằng, bà Quan Lệ Lan nói: “Vì một sự kiện mà phủ nhận 20 năm công sức của Phan Thị Bích Hằng là bất công, vô cùng bất công!”.
Đưa ra ví dụ, nhà giáo Quan Lệ Lan cho biết, khi Phan Thị Bích Hằng tìm mộ liệt sĩ Lê Xuân Trứ ở Côn Đảo (là bố của ông Lê Xuân Tùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội) đến lần thứ 2 là đúng.
Hay công lao của Phan Thị Bích Hằng trong lần tìm được mộ của nhà văn Nam Cao dưới sự giám sát của 35 đơn vị, rồi đến tìm mộ của Nguyễn Đức Cảnh, Hồ Ngọc Lân đều đúng.
“Những trường hợp như thế, về tư liệu, việc thực hiện của nhà ngoại cảm là đúng nhưng tất cả phải đặt trong hoàn cảnh như thế nào. Phản biện phải có tính khoa học và tính nhân đạo. Theo tôi, trong sự phản biện ở đây, khoa học không có, nhân đạo cũng không. Cụ thể, thủ tục lấy mẫu không đúng.
Bản thân Bích Hằng chưa bao giờ nhận khả năng ngoại cảm chính xác 100% ở mọi lúc mọi nơi, người ta cũng là con người. Nhà ngoại cảm chịu rất nhiều sức ép, họ cũng được nhiều nhà, gia đình biết ơn, thù lao nhưng thù lao đó không là cái gì so với sức ép họ chịu đựng. Họ khổ lắm!”, nhà giáo Quan Lệ Lan nói thêm.
Về con số báo cáo của Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội), trong một vụ giả mạo xương các liệt sĩ thì gần như 100% các mẫu xương tìm theo lời của nhà ngoại cảm mang đến giám định đều cho kết quả sai; 2-5% số xương mang đến không phải xương người, nhà giáo Quan Lệ Lan cho biết: “Tôi cảm thấy họ đã đưa hiện tượng để làm nhòa bản chất - bản chất khả năng tìm mộ của nhà ngoại cảm là có thật, nhưng chỉ ở một số ít người và không phải lúc nào chuẩn ở mọi lúc mọi nơi, có sai số có thể 30 - 40% hoặc hơn thế”.
Cần có cơ chế quản lý nhà ngoại cảm
Cũng theo nhà giáo Quan Lệ Lan, sự phát triển của nhà ngoại cảm quá ồ ạt mà chúng ta không quản lý hết nên xảy ra nhiễu. Vì vậy, cần có cơ chế quản lý – cơ chế ở địa phương chứ không phải ở Viện nhằm hạn chế trung tâm, nhà ngoại cảm “dởm”.
Bà Lệ Lan cho biết, khi bà vào Nghệ An và thấy có đến 17 trung tâm áp vong tìm mộ, bà đã tư vấn cho tỉnh Nghệ An để dẹp thực trạng này. Đầu tiên là dùng phương tiện truyền thông để giáo dục người dân rằng hiện nay có ngoại cảm nhưng giả dạng lừa dân cũng không ít. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An yêu cầu số lượng người tập trung bao nhiêu, số ngày ở địa điểm đó tìm mộ…
“Thực tế, có trường hợp gia đình ở đó 30 ngày tốn hơn 100 triệu không được gì mà người nhà trở về lại bị điên. Phải dùng cơ chế hành chính quản lý để hạn chế điều này. Tỉnh Nghệ An tuyên bố sẵn sàng bỏ tiền tạm ứng để gia đình đem mẫu đi thử ADN, nếu thấy sai thì nhà ngoại cảm trả lại tiền”, nhà giáo Quan Lệ Lan đề xuất.