Làm thế nào để sinh viên mới ra trường không thất nghiệp?

Thiên Di |

(Soha.vn) - Thiết lập hành lang pháp lý giữa doanh nghiệp với nhà trường; quy hoạch lại nguồn nhân lực, xem xét quy mô đào tạo của trường; nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên.

Đây chính là những giải pháp được Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đưa ra nhằm hạn chế hiện tượng tỷ lệ sinh viên ra trường không kiếm được việc làm hoặc làm trái ngành nghề ngày càng nhiều.

Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận trả lời về vấn đề sinh viên ra trường thất nghiệp.

Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận trả lời về vấn đề sinh viên ra trường thất nghiệp.

Thực trạng sinh viên ra trường không làm đúng ngành nghề hay thất nghiệp là nỗi lo không chỉ của bản thân sinh viên, gia đình mà còn là bài toán khó giải quyết đối với các cơ sở đào tạo và các nhà quản lý giáo dục.

Trên thực tế, sinh viên tốt nghiệp cầm trên tay tấm bằng đỏ đại học nhưng vẫn phải đi làm công nhân; 2- 3 năm mỏi mắt không kiếm được việc làm đúng chuyên ngành đã được đào tạo vì đa phần đều bị các doanh nghiệp “từ chối” do thiếu kinh nghiệm…

Một trong những nguyên nhân chính là cung không gắn với cầu. Người “cung” nguồn nhân lực chính là các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ GD quản lý. Trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục như thế nào khi hàng năm, số lượng sinh viên ra trường ồ ạt nhưng các trường thi nhau mở các ngành tràn lan xảy ra tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”?

Nhấn mạnh việc này trong buổi chất vấn tại Uỷ ban Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, việc thừa thầy thiếu thợ không hoàn toàn đúng mà vì chúng ta đang thiếu thợ lành nghề, thừa thợ chưa đạt chuẩn .

Bộ trưởng cũng thừa nhận rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên mới ra trường khó xin việc là do chất lượng đào tạo chưa tốt, vấn đề quy hoạch nguồn nhân lực cũng chưa được chú ý, sự gắn kết các trường đại học, cao đẳng với doanh nghiệp chưa chặt chẽ và quy mô đào tạo của trường chưa được cân đối.

Thêm vào đó là xuất phát từ hiện tượng học giả bằng thật, chạy theo ứng thí và cách tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp, tổ chức quá coi trọng bằng cấp, không chú trọng đến kỹ năng của người ứng tuyển, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp bị “từ chối” vì bị chê là thiếu kinh nghiệm, kỹ năng mặc dù đa số các trường đều có khoảng thời gian để sinh viên năm cuối “cọ sát” với thực tế về ngành nghề được đào tạo.

Sinh viên với nỗi lo mang tên thất nghiệp (ảnh minh họa).
Sinh viên với nỗi lo mang tên thất nghiệp (ảnh minh họa).

Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn xảy từ nhiều năm qua đó là việc quản lý sinh viên thực tập của nhà trường, doanh nghiệp lại thiếu… chặt chẽ, lỏng lẻo. Đa số sinh viên chỉ “đánh trống ghi danh”, xin số liệu báo cáo, thiếu kỹ năng thực hành, rèn luyện.

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng giải thích, hiện nay việc thực tập chưa được chú ý, có nơi bị xao nhãng giảm chất lượng, nhà trường chưa coi trọng kỹ năng thực hành, chưa chủ động quản lý việc thực tập ngoài nhà trường. Mặt khác, doanh nghiệp thiếu trách nhiệm cũng như chưa có quy định doanh nghiệp nhận sinh viên thực tập mà chủ yếu dựa vào quen biết.

“Bộ chưa có kinh nghiệm trong thiết lập hành lang pháp lý về quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp. Để khắc phục, Bộ đã phối hợp với Bộ Thương binh và Xã hội trao đổi và ký thỏa thuận với hiệp hội doanh nghiệp Đức ở Việt Nam về việc 160 doanh nghiệp của Đức sẽ hỗ trợ kinh phí, giáo viên thực tế để kèm cặp sinh viên sắp hoặc mới ra trường. Và chúng tôi sẽ kiến nghị ưu đãi cho các doanh nghiệp, từ đó xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ.

Chung quy lại, chất lượng đào tạo chưa gắn với thực tế, sinh viên không được thực hành đúng nghĩa, Bộ chưa chú trọng việc quy hoạch nguồn nhân lực chính là những nguyên nhân và trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục.

Trả lời những thắc mắc ấy, Bộ trưởng Bộ GD nhấn mạnh trước Quốc hội, các vị đại biểu rằng: “Ý thức được điều này, Bộ điều chỉnh các trường đại học, tổ chức thông tin cho xã hội, ngành nào thiếu, ngành nào bão hòa. Chúng tôi quy hoạch lại, phát cảnh báo về ngành kinh tế quản trị kinh doanh, ngân hàng tài chính, điều dưỡng. Khu vực, lĩnh vực, địa phương nào cần nhân lực chúng tôi đã phát tín hiệu thu hút học sinh, sinh viên”.

Và để hạn chế các loại hình đào tạo ồ ạt, nở rộ phức tạp như mở cơ sở không đảm bảo chất lượng, đào tạo thạc sĩ liên kết chất lượng kém gây ra dư thừa nhân lực, Bộ GD đã ban hành văn bản giảm đào tạo tại chức còn 50%, giảm và tiến tới xóa bỏ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp; cấm đào tạo tiến sĩ ngoài cơ sở chính nhà trường, không tổ chức đào tạo tiến sĩ vừa học vừa làm, chỉ tập trung vào chất lượng, tránh có nhiều tiến sĩ mà không có nhà khoa học.

Tuy nhiên, giải pháp vẫn chỉ là giải pháp nếu không được thực hiện. Đến bao giờ và làm thế nào để tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp, làm trái ngành giảm vẫn là bài toán khó giải đáp của những người quản lý giáo dục.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại