Năm 2011, kỳ thi đại học của nước ta đã chứng kiến hàng nghìn điểm 0 môn Sử. Đây là một câu chuyện buồn. Rất buồn! Thậm chí nói một cách thẳng thắn thì đây còn là nỗi hổ thẹn lớn, không phải của riêng ngành giáo dục, mà còn của cả đất nước, khi mà vô khối bạn trẻ người Việt lại không biết tí gì về lịch sử dân tộc.
Các em giống như những cây tầm gửi, không biết mình là ai, tương lai của mình sẽ ra sao, không định hình được điều gì ra hồn cả, đơn giản là bởi các em không có lấy dù chỉ một chút ít ý niệm lịch sử dân tộc.
Nhiều người dự đoán, sau cú sốc này, Bộ Giáo dục sẽ tìm mọi cách nâng cao hơn nữa vị thế của môn Sử. Suy cho cùng, đó là một hướng đi đúng. Sinh thời, Bác Hồ đã dạy “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Nhưng thật đáng tiếc, những gì mà các nhà khoa học lịch sử kỳ vọng, và thực tế là họ đang rất cố gắng thông qua Hội hoa học lịch sử Việt Nam để tiếp thêm cho các bạn trẻ niềm yêu thích môn Sử đã bị dội một gáo nước lạnh. Đó là việc môn Sử bị loại khỏi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Môn sử không nằm trong 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013 (ảnh minh họa)
Vậy tại sao môn Lịch Sử lại bị loại bỏ một cách tức tưởi như vậy? Theo lý giải của ông Trần Văn Nghĩa - Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục) thì các môn thi tốt nghiệp được bốc thăm xác suất, không có sự can thiệp nào trong này, do vậy năm nay không có môn Lịch sử trong danh sách thi cũng là bình thường.
Phát biểu này của ông Nghĩa thêm một lần nữa cho thấy, môn Sử đang bị coi thường. Nó bị xếp “chiếu dưới” và bị Bộ Giáo dục đưa vào danh sách “những lá thăm may rủi”, giống cái cách mà người ta thường làm ở các giải thi đấu thể thao vậy.
Một số nhà khoa học đã nói thẳng ra rằng, cách làm này cho thấy ở cơ quan quản lý cao nhất của ngành giáo dục có một số cán bộ đang tư duy “không bình thường”.
GS.TS Đỗ Thanh Bình – Trưởng Khoa Sử, ĐH Sư phạm Hà Nội nói rất thẳng thắn: “Ở các nước tư bản, những nước phát triển nhất thế giới, họ luôn coi môn Lịch sử là một trong những môn học chính, bởi nó là nền tảng kiến thức cơ bản cho nhiều môn học khác.
Ngay cả Mác-Ăngghen cũng nói rằng trong các môn khoa học thì chỉ công nhận khoa học lịch sử mà thôi. Ở những nước có nền giáo dục tốt nhất thế giới như Mỹ, Anh, Pháp họ đều rất coi trọng môn Lịch sử, không hiểu sao ở Việt Nam lại coi thường môn Sử như vậy. Cứ thế này thì sẽ còn nhiều điểm 0 môn Sử”.
Còn thầy giáo Trần Trung Hiếu – một giáo viên dạy Lịch sử nổi tiếng của trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An) trong lúc chờ chuyến tàu ra Hà Nội vào đêm qua đã gọi cho tôi và nói: “Để thành công trong cuộc đời dù ở lĩnh vực nào thì các bạn trẻ chắc chắn phải hiểu biết sâu sắc về lịch sử phát triển của đất nước, cũng như lịch sử của các nền văn minh nhân loại trên thế giới.
Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã từng tổ chức nhiều hội thảo, có nhiều kiến nghị sâu sắc gửi đến Bộ Giáo dục để làm thay đổi nhận thức về môn Sử với giới trẻ, giúp các em dễ tiếp thu hơn. Nhưng trong lúc nhiều nhà khoa học đang nỗ lực vì điều ấy thì Bộ Giáo dục lại loại môn Sử ra khỏi một kỳ thi quan trọng ở cấp toàn quốc. Thật đáng tiếc!”.
Chúng ta tự hào về truyền thống mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống quật cường như thế mà cuối cùng môn lịch sử lại vào “bốc thăm” – một trò may rủi. Chuyện của khoa học mà cứ như một trò đùa!
Cũng có người đã đặt câu hỏi: Liệu có phải Bộ Giáo dục sợ điểm môn Sử thấp sẽ ảnh hưởng tới thi đua của ngành? Có lẽ không phải vì một lý do trẻ con ấy!
Nhưng nếu vậy, thì hẳn chỉ còn một lý do duy nhất, ấy là một số người có quyền quyết định chuyện thi cử chưa thực sự “ngộ” ra vai trò quan trọng của môn Lịch sử. Mà điều này mới thực sự nguy hiểm, vì hệ lụy của nó là không thể lường trước được.
Lịch sử cần phải trở thành môn học và thi bắt buộc, để từ đó giúp khơi dậy tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc. Mỗi một con người sinh ra thì phải biết mình là ai? Trưởng thành như thế nào?
Thử nghĩ xem, hàng triệu bạn trẻ ra đời lập nghiệp mà thiếu hiểu biết về lịch sử nước nhà thì hội nhập làm sao với thế giới được đây? Xin đừng lạc quan "tếu" rằng không thi cũng có kiến thức, vì ở Việt Nam ta không thi tất sẽ không học, xưa nay vẫn vậy.
Thời gian gần đây, đã xuất hiện những clip trắc nghiệm kiến thức văn hóa, lịch sử với chính các em học sinh tiểu học sống tại Hà Nội. Có em không biết tên Thủ đô của Việt Nam. Có em nói “Thủ đô là Cầu Giấy”, “Thủ đô là Ba Đình”, không biết Hồ Gươm ở thành phố nào. Em thì bảo “Yết Kiêu đánh giặc minh”, “Sơn Tinh là thần nước”; Khi hỏi về sự tích bánh chưng bánh dày, có em bảo “Bánh chưng gói bằng lá chuối”… thậm chí nhiều em đã trả lời rất thật là không thích học môn Lịch sử.
Tất cả những điều đó là hệ lụy tất yếu đã xảy đến, và nó sẽ còn tiếp diễn ở mức độ khủng khiếp hơn nữa khi mà môn Sử vẫn cứ bị coi thường như hiện nay.