Nhiều đại biểu băn khoan, bày tỏ bức xúc về chất lượng đào tạo đi xuống dẫn đến sinh viên ra trường thất nghiệp; dạy thêm học thêm tràn lan, bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử và đặc biệt là ý kiến về sai sót nghiêm trọng trong việc in cờ, bản đồ trong sách giáo khoa, tham khảo tiểu học đã được gửi đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại buổi chất vấn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào chiều qua (22/3).
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.
Sẽ lập “hàng rào kỹ thuật” ngăn sách lỗi
Vấn đề sách giáo khoa in cờ Trung Quốc, sách tham khảo in bản đồ Việt Nam không có Trường Sa, Hoàng Sa, “loạn” sách tham khảo được nhiều đại biểu quan tâm, bức xúc tại buổi chất vấn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Minh Thông (Phó Chủ nhiệm ủy ban Quốc hội), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, trong số những cuốn sách in cờ Trung Quốc chỉ có một cuốn do nhà xuất bản thuộc hệ thống Bộ GD&ĐT quản lý, còn những sách khác không thuộc hệ thống của Bộ GD&ĐT. Vấn đề này, Bộ GD&ĐT cùng Bộ Thông tin Truyền thông có trách nhiệm và sẽ kiểm điểm lại. Và với sai phạm của NXB ĐH Sư phạm, Bộ đã chỉ đạo hiệu trưởng kiểm điểm, xử lý nghiêm túc.
“Chúng tôi có trách nhiệm quản lý sách lưu thông trong nhà trường, dựng hàng rào kỹ thuật để những cuốn sách không đạt chất lượng, sai nội dung không xâm nhập vào nhà trường. Chúng tôi cùng Bộ Thông tin và truyền thông sẽ có thông tư mới để “quét” những cuốn sách và Bộ có công văn gửi tới nhà trường thu hồi, không sử dụng", Bộ trưởng trả lời nhanh.
Không thỏa mãn câu trả lời của người đứng đầu ngành giáo dục, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lật lại vấn đề: “Không lý nào trẻ em Việt Nam tập đánh vần “cờ ơ cơ huyền cờ” lại in nguyên lá cờ Trung Quốc ?”
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD chỉ trả lời, đó là sách trôi nổi ngoài thị trường, ngoài nhà xuất bản giáo dục, ngoài thẩm quyền của Bộ GD&ĐT. Và Bộ sẽ cùng Bộ TTTT rà soát lại toàn bộ.
Chưa thể giảm tải chương trình
Đó là câu trả lời của Bộ trưởng xung quanh thắc mắc của đại biểu Lê Thị Nga về việc vì sao giảm tải chương trình chưa được triển khai. Bộ trưởng cho biết, giảm tải được Bộ làm nhiều lần và đã có giảm tải.
Trả lời câu hỏi, đến bao giờ mới triển khai gộp hai kỳ thi làm một, Bộ trưởng cho biết việc thi gắn với việc học, muốn thay đổi hình thức thi thì phải thay đổi việc học. Chúng ta không thể thay đổi nhanh, phải có sự chuẩn bị, tập huấn giáo viên, để học sinh làm quen… Việc thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập cũng đang được Bộ chỉ đạo triển khai. Và muốn gộp thì kỳ thi đó phải được triển khai nghiêm túc, khắc phục được những yếu kém, bệnh thành tích.
Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) thẳng thắn đặt câu hỏi: “Sau tốt nghiệp chấm thanh tra hơn 17.000 bài ở 16 tỉnh qua đó sai sót tỷ lệ % ra sao? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc chống tiêu cực, bệnh thành tích như thế nào?”
Bộ trưởng khẳng định, đã có văn bản gửi cho chủ tịch và bí thư của 16 tỉnh nói cụ thể tình hình chấm thi, coi thi chưa đúng ở đâu, chấm thi chưa đúng tại sao. Đồng thời cũng có văn bản nhắc tình hình chung cho các Sở GD&ĐT còn lại. Việc này sẽ làm đúng và được công bố rộng rãi.
Sau vụ thi cử ở Đồi Ngô, phải có quy chế giám sát, năm nay cho phép các hội đồng thi chấm thẩm tra. Sở và Bộ GD chấm thanh tra, nếu trước kia là “hộp đen” bí mật thì năm nay sẽ thanh tra, kiểm tra hạn chế gian dối, tiêu cực.
Liên quan đến thay đổi chương trình phổ thông, Bộ trưởng nêu ra hai phương án chính dư luận đang quan tâm là giữ nguyên 12 năm hoặc rút xuống còn 11 năm. Tuy nhiên, Bộ trưởng nói rằng: “Trên thực tế các nước giáo dục phát triển vẫn là 12 năm và chúng ta nên đi theo các nước trên thế giới. Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục lắng nghe!”.
Trong buổi chất vấn, đã có 37 câu hỏi chất vấn đươc gửi tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, 23 đại biểu hỏi xoáy vào nhiều vấn đề nóng, còn tồn đọng của nền giáo dục nước nhà.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc hội, Tòng Thị Phóng yêu cầu Bộ trưởng chú trọng nâng cao chất lượng, cải cách, đổi mới toàn diện, chống bệnh thành tích, tiêu cực trong giáo dục cần kết hợp nhiều giải pháp; khẩn trương bàn với các cơ quan hữu quan giải quyết chính sách cho giáo viên; quan tâm đến việc giáo dục đào tạo gắn với dạy nghề, nhu cầu nhân lực, tránh tốn kém, rủi ro.