Mỗi năm có hơn một triệu lượt thí sinh dự thi ĐH, CĐ nhưng chưa tới 50% số đó thi đỗ. Trong khi đó, các trường ngoài công lập thiếu thí sinh trầm trọng. Vì nhiều lý do, Bộ Giáo dục đồng ý cho các trường lên phương án tuyển sinh riêng nhưng vấn đề điểm sàn chung vẫn giữ nguyên.
Bên cạnh những đại học, cao đẳng ngoài công lập đã khẳng định được tên tuổi và tuyển sinh ổn định như ĐH Thăng Long, ĐH Kinh doanh và Công nghệ, ĐH Phương Đông… vẫn còn rất nhiều trường dân lập đang trong tình trạng thiếu sinh viên trầm trọng.
Mỗi năm, các trường chỉ tuyển được vài chục đến vài trăm, thậm chí có trường chỉ duy nhất một thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng một.
Đại học Hà Hoa Tiên
Năm 2012, ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) đặt chỉ tiêu tuyển 900 sinh viên, trong đó có 400 chỉ tiêu bậc cao đẳng và 500 chỉ tiêu bậc đại học. Tuy nhiên chưa bao giờ nhà trường đạt được con số này, bởi từ khi thành lập đến nay, số thí sinh đăng ký vào trường rất ít.
Cụ thể: năm 2010, trường chỉ có 38 sinh viên vào học. Năm 2011, số sinh viên vào trường lên 120 em, thủ khoa khối A là 12,5 điểm; thủ khoa các khối còn lại là 14 điểm.
Năm 2012, dù đã tổ chức rất nhiều đoàn tư vấn tuyển sinh đến các tỉnh thành trong khu vực phía Bắc như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang… để giới thiệu thông tin về trường nhưng chỉ có 256 thí sinh dự thi ở 3 khối A, A1, D. Kết quả thí sinh có tổng số điểm 3 môn thấp nhất là 0,5 điểm, 130 thí sinh có tổng số điểm 3 môn dưới 13 điểm, chiếm 50,8 %, như vậy chỉ một vài sinh viên trúng tuyển nguyện vọng 1.
Năm nay, ĐH Hà Hoa Tiên tiếp tục đặt ra chỉ tiêu tuyển 800 sinh viên, trong đó 500 chỉ tiêu bậc đại học và 300 chỉ tiêu bậc cao đẳng. Trường vẫn tổ chức thi tuyển đối với trình độ đại học và xét tuyển trình độ cao đẳng. Liệu rằng khi đã giảm chỉ tiêu, trường có cải thiện được tình hình tuyển sinh bi đát những năm vừa qua?
Đại học Tân Tạo (Long An)
Là trường đại học dân lập vừa được thành lập vào năm 2010, tính đến nay trường mới trải qua hai mùa tuyển sinh. Nhưng thực tế, tình hình tuyển sinh của trường được quảng bá là “một trong những địa học có chất lượng đào tạo hàng đầu thế giới” lại rơi vào tình trạng đáng buồn. Bởi hai năm qua, công tác trông thi và chấm thi của trường rất nhàn hạ, tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển chưa vượt quá con số 100.
Năm 2012 trường chỉ có 73 thí sinh dự thi cho tất cả các ngành, trong khi đó chỉ tiêu của trường khá khiêm tốn là 500 sinh viên, nhưng chỉ có 29 tân sinh viên nhập học (ngành Kinh doanh quốc tế có số sinh viên nhập học đông nhất là 16, ngành Quản trị kinh doanh 6 sinh viên).
Năm nay trường vẫn giữ con số tuyển sinh như các năm trước, và vẫn tổ chức thi tuyển. Điều kiện tuyển sinh vào trường là 3 năm THPT điểm trung bình trên 7 và không có môn nào trung bình dưới 5; đạt yêu cầu phỏng vấn do nhà trường tổ chức.
Điểm xét tuyển chung toàn trường là: trên điểm sàn đại học 2 điểm (đối với các tỉnh: Long An, Kiên Giang, Bình Dương, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Phòng và Quảng Nam), trên điểm sàn đại học 4 điểm cho các tỉnh còn lại. Mức học phí của trường là 62.820.000 đồng. Bộ GD – ĐT vừa công bố danh sách các ngành bị đình chỉ tuyển sinh năm 2013, trong đó có khoa kỹ thuật Công trình xây dựng của ĐH Tân Tạo. Có lẽ, năm nay việc tuyển sinh của trường cũng không dễ dàng hơn.
Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam)
Năm 2012 tuyển sinh 8 ngành bậc ĐH chính quy với 500 chỉ tiêu và 4 ngành bậc CĐ với 300 chỉ tiêu. Nhưng sau đợt xét tuyển nguyện vọng 1 (20/8-20/9) chỉ có khoảng 60 thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.
Do quá ít sinh viên, trường chỉ mở đào tạo được hai ngành tiếng Anh và tiếng Trung với vỏn vẹn hơn 20 người. Số thí sinh nộp hồ sơ và trúng tuyển vào các ngành khác chỉ vài chục, không đủ mở lớp nên trường đã trả lại hồ sơ.
Mặc dù tình hình tuyển sinh rất “ảm đạm” nhưng năm 2013, ĐH Phan Châu Trinh lại đề ra chỉ tiêu cao hơn so với năm 2012 là 600 sinh viên (bậc đại học 400 sinh viên, bậc cao đẳng 200 sinh viên). Trường không tổ chức thi mà xét tuyển theo đề thi chung của Bộ GD – ĐT. Mức học phí đối với bậc đại học là 250.000 đồng/tín chỉ (khoảng 3,5 triệu/học kỳ); bậc cao đẳng là 215.000 đồng/tín chỉ (khoảng 3 triệu/học kỳ).
Đại học Phú Xuân (Thừa Thiên – Huế)
Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 của trường là 1.000 nhưng chỉ có 75 hồ sơ đăng ký dự thi nguyện vọng 1 và một thí sinh trúng tuyển. Tính đến nay trường chỉ đón nhận vài trăm sinh viên khóa mới đến nhập học. Đây là kỳ tuyển sinh khó khăn nhất của trường trong 10 năm qua. Kết quả, trường chỉ tuyển được khoảng 55% chỉ tiêu. Các ngành tiếng Trung, tiếng Pháp, Điện tử phải đóng cửa do không có người học.
Năm nay, ĐH Phú Xuân đã hạ chỉ tiêu xuống còn 800 sinh viên (350 chỉ tiêu bậc đại học và 450 chỉ tiêu bậc cao đẳng) và tiếp tục xét tuyển trên phạm vi cả nước. Dự kiến học phí năm 2013–2014 của trường là 270.000 đồng/tín chỉ (4 triệu đồng/học kỳ) đối với hệ đại học; 250.000 đồng/tín chỉ (3.750.000 đồng/học kỳ).
Đại học Quốc tế Bắc Hà
Trong mùa tuyển sinh đại học cao đẳng 2012 trường nhận được 150 hồ sơ dự tuyển nhưng chỉ có 40 thí sinh đến học. Năm nay, ĐH Quốc tế Bắc Hà đề ra chỉ tiêu tuyển sinh là 650 (450 chỉ tiệu bậc đại học, 200 chỉ tiêu bậc cao đẳng) và tiếp tục thực hiện phương án xét tuyển.
Vấn đề vẫn chưa được giải quyết
Đây chỉ là một số những ví dụ điển hình trong vấn đề tuyển sinh của các trường ngoài công lập, thực tế hiện còn không ít trường khác cũng đang vật vã trong khâu tuyển sinh như ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định), ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa), ĐH Tây Đô (Cần Thơ)... Tất cả những trường này sau hai, ba đợt xét tuyển bổ sung cũng chỉ có vài chục đến vài trăm sinh viên nhập học.
Trao đổi với ông Nguyễn Đình Ngộ - hiệu trưởng ĐH Phú Xuân (Thừa Thiên – Huế) về vấn đề này, ông cho biết: “Theo chúng tôi, Bộ GD – ĐT đề ra điểm sàn là đúng, bởi phải có căn cứ cụ thể, không phải ai muốn vào đại học thì vào. Tuy nhiên, Bộ nên phân cấp các trường đại học, cao đẳng và có điểm sàn tương ứng. Ví dụ: 30 điểm là tối đa, 13 điểm là tối thiểu thì các trường đại học quốc gia, quốc lập top đầu nên lấy các thí sinh đạt từ 25-30 điểm".
Vị hiệu trưởng này cho rằng Bộ GD – ĐT nên làm điều đó bởi các trường được nhà nước đầu tư toàn bộ và có được 50-60 năm phát triển cũng lấy từ điểm sàn thì nhiều trường ngoài công lập “sinh sau đẻ muộn” không thể theo kịp.
Để giải quyết tình trạng bi đát trong vấn đề tuyển sinh, hiệu trưởng ĐH Phú Xuân chia sẻ: “Chúng tôi luôn đặt mục tiêu đó là nâng cao chất lượng, học hiệu của trường bằng những việc làm nội lực của mình. Ví dụ: cải tiến nội dung chương trình, mời thầy giỏi giảng dạy; nâng cao thiết bị, cơ sở vật chất”.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra đó là các trường ngoài công lập lấy kinh phí ở đâu để duy trì hoạt động khi không thể tuyển sinh. Để minh chứng cho những khó khăn về tài chính của các trường ngoài công lập so với các đại học , cao đẳng được nhà nước đầu tư, ông Ngộ chia sẻ: “Trong một cuộc họp tại Hà Nội mà tôi có tham dự, hiệu trưởng một trường quốc lập đứng lên phát biểu rằng họ được đầu tư “quá ít” và chỉ có 14 tỷ. Sau khi nghe ý kiến của vị này, tôi nói: “Trường chúng tôi ngoài công lập chỉ mong được đầu tư 1% số tiền đó là sướng lắm rồi”. Bởi thực tế chúng tôi phải tự lo tất cả”.
Với những khó khăn lớn mà nhà trường đang phải đối mặt, vị hiệu trưởng này mong muốn nhà nước nên có chính sách biện pháp cụ thể để cải thiện tình hình khó khăn của các trường ngoài công lập và điều đó cũng sẽ có lợi cho đất nước.
Vừa qua Bộ GD – ĐT đã có buổi làm việc với Hiệp hội các trường ngoài công lập về “bài toán” nan giải này. Tuy nhiên, Bộ vẫn giữ vững quan điểm không hạ chất lượng đầu vào chỉ để cứu một số trường. Do chưa tìm được tiếng nói chung, nên vấn đề này vẫn đang tiếp tục được trình lên cấp cao hơn để giải quyết.