Việc tư vấn việc làm vẫn chỉ dừng lại ở một nhóm đối tượng sinh viên mà chưa có sức lan tỏa.
Điển hình như Nguyễn Tâm - nhân vật được đề cập đến trong câu chuyện dưới đây, dù tốt nghiệp đại học đã được gần 2 năm nay, nhưng anh vẫn chưa thể tìm được một chỗ dừng chân ổn định...
Điệp khúc: “Thất nghiệp”
Chuyện thất nghiệp đã thành nỗi lo không còn quá xa lạ với các tân cử nhân cũng như sinh viên, đặc biệt là nhóm sinh viên khối ngành tài chính, ngân hàng, khi mà thị trường việc làm đã bộc lộ dấu hiệu “bão hoà”.
Số thì thất nghiệp, số khác làm trong tình trạng tạm bợ “cầm cự được đến bao giờ thì cứ cố” - Nguyễn Tâm, nhân viên phát hành thẻ của Ngân hàng ANZ vừa nghỉ việc buồn bã cho biết.
“Công việc không hiệu quả, mình đành xin nghỉ việc bởi kiểu gì khi tổng kết, mình cũng bị loại thôi. Thôi thì tranh thủ kiếm thêm việc làm đỡ tiền đóng phí nhà trọ, vừa cho đỡ ngứa ngáy chân tay” - Tâm lý giải thêm.
Nguyễn H - nhân viên Cty điện máy Trần Anh - chia sẻ: Luôn lo bị thất nghiệp.
Nguyễn Hoàng Long - một nhân viên phát hành thẻ khác của Ngân hàng ANZ - chia sẻ thêm: “Lương tháng hợp đồng được ba triệu đồng, trông vào tiền thưởng sản phẩm, nhưng phí thường niên thẻ cao quá, khách hàng không đáp ứng được nên số thẻ phát được mỗi tháng chỉ 1 - 2 cái, thậm chí là... tay trắng. Với kết quả đó, thì sớm muộn cũng bị cho nghỉ việc thôi”.
Còn Lê Lan - nhân viên một Cty bán phần mềm máy tính trên đường Lê Thanh Nghị - chia sẻ: “Năm nay mình gặp nhiều trắc trở quá. Mới đầu năm mà đã thất nghiệp. Hy vọng năm nay sẽ tốt hơn, chứ cứ thế này mãi thì chắc mình phải về quê kiếm việc quá”.
Tưởng như đó đã là những nỗi niềm điển hình nhất của nhóm nhân lực trẻ kinh tế khi tham gia vào thị trường việc làm của các DN trong nước, nhưng với Đại - phiên dịch viên kiêm kế toán của một Cty xây dựng Hàn Quốc - nỗi buồn mất việc càng tăng lên cùng với ba tháng lương bị mất tích khi Cty đột ngột tuyên bố phá sản, giám đốc Cty âm thầm rút về nước lúc nào không hay. Đại tỏ ra ngán ngẩm với việc mưu sinh ở Hà Nội.
Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều lao động trẻ vừa tốt nghiệp đã lâm vào tình cảnh... đói việc. Chỉ mới ra tết được ít ngày, nhiều người đã nháo nhào đi kiếm một việc làm mới tại thủ đô và cố gắng bám trụ... chờ cơ hội. Nhưng nhiều người trong số họ đã không thể gắng gượng, khi cùng với nỗi lo thất nghiệp là trăm khoản phí đổ đầu hằng ngày.
Nhiều phiên hội chợ việc làm được tổ chức, nhưng chưa đem lại nhiều hiệu quả cho người lao động.
Gắng gượng bám trụ chờ… việc
Với Nguyễn H - nhân viên siêu thị điện máy Trần Anh - thì lúc này, việc thu ngân tại một Cty điện máy với mức lương ít ỏi dù không phải là thích hợp với chuyên ngành ngân hàng cô được đào tạo, nhưng nay, nó lại thực sự quan trọng khi cô bị mất việc tại một Cty chứng khoán.
Việc thu ngân cũng là cơ hội để H học thêm những kinh nghiệm trong kinh doanh. Song, “Cũng khó khăn lắm. Dù công việc không mấy hấp dẫn, nhưng chỉ hở ra là mất việc như chơi. Đành cố được đâu hay đó” - H ngán ngẩm.
Với Nguyễn Thị Hương - cựu sinh viên ngành kế toán ĐH Tài chính - Quản trị kinh doanh Hưng Yên - có lẽ may mắn hơn khi tìm được chân thủ kho cho một siêu thị khá tên tuổi trên thủ đô, chỉ duy có mức lương chưa thỏa đáng. Tuy nhiên, hằng ngày Linh thường luôn bị săm soi trong công việc.
Thay vì phải gồng mình tìm việc đến... trầy trật, nhóm bạn của Tâm lại tìm đến với việc kinh doanh đồ ăn. Thuê được cửa hàng trong ngõ với giá cả phải chăng, mỗi tháng, sau khi trừ chi phí cũng để lãi gần 2 triệu đồng/người.
Nói là việc tạm bợ, nhưng nó cũng giúp nhóm bạn giải quyết những nhu cầu về tài chính khá lớn khi bám trụ tại thủ đô để chờ cơ hội mới.
Lại thêm một mùa tuyển sinh sắp tới gần, dù rằng quy định dừng mở thêm ngành học liên quan đến kinh tế, tài chính đã được Bộ GDĐT ban hành ngay trong năm nay, tuy nhiên, số lao động đã qua đào tạo và tốt nghiệp vẫn còn đó, và thường trực tình trạng thất nghiệp dài, nếu như không có một cơ chế hỗ trợ kịp thời.