Đây là kết quả khảo sát của Sở GD&ĐT Nghệ An về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD&ĐT cho biết, con số trên chỉ mang tính khảo sát tương đối, thực tế có thể cao hơn nhiều.
Nổi tiếng là đất học, mỗi năm Nghệ An có hàng nghìn cử nhân cao đẳng, đại học tốt nghiệp, trong số đó rất nhiều người không tìm được việc làm hoặc phải làm trái ngành, nghề đào tạo. Hiện Nghệ An dư thừa 3.600 giáo viên nhưng hàng năm vẫn có hàng nghìn sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường. Nhiều cử nhân sư phạm đã phải vào miền Nam làm công nhân, làm thuê trái nghề hoặc đi xuất khẩu lao động.
Trong đợt thi công chức đợt 2 năm 2012, toàn tỉnh có 120 chỉ tiêu, tất cả đều yêu cầu trình độ từ đại học trở lên. Sở Nội vụ cho biết, đã có hơn 1.800 hồ sơ đăng ký thi tuyển.
Mỗi năm có khoảng 20.000 học sinh phổ thông của tỉnh Nghệ An đăng ký dự thi cao đẳng, đại học. Ảnh: Nguyên Khoa
Tình trạng thất nghiệp không chỉ diễn ra ở thành thị và các huyện đồng bằng mà huyện miền núi, rẻo cao, khu vực biên giới cũng đang nóng. Phần lớn sinh viên ở khu vực này phải vay tiền từ Ngân hàng chính sách xã hội để trang trải việc học, nhưng ra trường không thể tìm việc làm để trả nợ.
Hiện ở Nghệ An có 5 trường đại học, hơn 20 trường cao đẳng, trung cấp đào tạo tất cả các ngành. ĐH Vinh là trường lớn nhất với khoảng 30.000 sinh viên theo học ở tất cả các hệ. Ngành được đào tạo nhiều hiện nay là sư phạm, kế toán, kinh tế...
Mỗi năm, Nghệ An có khoảng 20.000 học sinh tốt nghiệp phổ thông, phần lớn đều đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng.