Huyện Than Uyên và Tân Uyên có nhiều cầu tạm, cầu treo nhưng tại nhiều nơi ở hai huyện này người dân vẫn chưa có cầu qua sông. Mùa nước cạn người dân có thể tự làm cầu tạm, còn mùa nước lũ đành phải chịu cảnh bị cô lập.
Có cầu nhưng không dám đi
Bà Trá Thị Nàng (57 tuổi, ở xã Phúc Than, huyện Tân Uyên):
Đành phải chịu
Mùa lũ vất vả lắm. Nhiều trận lũ lớn người trong bản không vào trung tâm xã được. Cứ nước lớn là chỉ biết đứng bên này nhìn sang bên kia. Nhiều lúc đến hạt muối cũng hết, chúng tôi đành phải chịu cảnh ăn nhạt. Biết là khổ nhưng phải đành chịu chứ biết làm sao bây giờ.Trước cầu tạm nối bản Sa Ngà và trung tâm xã Phúc Than (huyện Than Uyên), chúng tôi gặp anh Điêu Văn Điểm (34 tuổi) vừa đi đón con ở trường về. Anh kể: “Đang mùa cấy nhưng tôi cũng phải đi đón con vì để mấy đứa nhỏ đi qua cây cầu này không yên tâm. Mùa này nước cạn nhưng ở dưới nhiều đá lắm, rơi xuống suối thì không biết như thế nào”.
Anh Điểm cho biết thêm có nhiều lần người dân đi qua thì cả xe cả người rơi xuống suối, may mà có người trong bản cứu. Học sinh qua cầu phải có bố mẹ dắt. Đến mùa gặt nhưng người dân không dám đưa máy tuốt qua cầu mà phải gánh lúa qua suối...
Cách cầu tạm Sa Ngà chừng mấy trăm mét là gia đình trưởng bản Sa Ngà Đò Văn Đã. Ông Đã bùi ngùi nói: “Năm ngoái người dân trong bản góp tiền, sắt, gỗ để đổ hai trụ bêtông ở hai bên đầu cầu. Ai ngờ chỉ qua một đêm, sáng ra lũ về đã cuốn hết. Người dân chúng tôi nơi đây chỉ mơ có được một cây cầu kiên cố để thuận tiện cho việc đi lại”. Ông Đã thông tin thêm các hộ dân đã kiến nghị nhiều lần lên xã rồi huyện từ hơn 10 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Rùng mình qua cầu
Xã Hồ Mít là một trong những xã có nhiều cầu treo nhất huyện Tân Uyên. Cây cầu treo trên con đường chính vào nhiều bản của xã Hồ Mít cao cả chục mét nhưng mặt cầu thủng lỗ chỗ, dưới suối là đá hộc lởm chởm. Mặt cầu rộng gần 2m nhưng mỗi khi người dân qua lại đều phải bám men vào các dây thép trên thành cầu.
“Đi qua thấy cầu bị thủng thì người dân dùng cành cây buộc tạm vào thôi. Ban đêm qua cầu sợ lắm, đi mà rợn cả người. Phải có hai người, một người rọi đèn phía trước dẫn đường thì mới dám sang bên kia. Mỗi khi có đám tang hay đám cưới thì phải phân thành nhiều tốp. Đi một lúc thì cầu sập ngay” - anh Trá A Phông (30 tuổi, ở bản Lào, xã Hồ Mít) nói.
Bà Va Thị Mơ (46 tuổi, ở cùng bản) tiếp lời anh Phông: “Đến người lớn qua cầu còn không dám nhìn xuống dưới. Mấy đứa trẻ con thì không dám cho chúng đi một mình, khi nào ra trạm xá hay xuống xã phải có người lớn đi cùng”.
Theo ông Nguyễn Công Biên - chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, huyện có khoảng 15 cầu treo. Nguồn vốn làm cầu chủ yếu từ UBND tỉnh và trung ương. Một số cầu treo trên địa bàn do mặt sàn bằng gỗ nên thường bị mục và người dân địa phương phải tự góp ván để khắc phục.
Ông Đoàn Đức Long, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lai Châu, khẳng định sau khi rà soát cầu treo, cầu yếu xong, sở sẽ lập danh sách để tu bổ những cây cầu yếu và làm thêm cầu cho những nơi chưa có.