Chuyên gia xây dựng "mổ xẻ" nguyên nhân sập cầu treo

Thiên Di |

(Soha.vn) - Sập cầu treo Chu Va 6 ở Lai Châu do quá tải, giao động cộng hưởng hay còn một nguyên nhân khác là điều các chuyên gia ngành xây dựng đã tham gia phân tích.

Đã có rất nhiều ý kiến đưa ra tranh luận về nguyên nhân sập cầu treo Chu Va 6 khiến 9 người chết, 41 người bị thương tại bản Chu Va (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Trả lời phóng viên Trí Thức Trẻ ngày 26/2, GĐ Công an tỉnh Lai Châu xác định nguyên nhân ban đầu do sập cầu là do quá tải dẫn đến việc đứt ốc neo tăng đơ.

Còn theo PGS.TS Phan Duy Pháp (giảng viên chuyên ngành Cầu, ĐH Xây dựng) cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do hiện tượng cộng hưởng.

Cụ thể PGS.TS Pháp cho biết: “Do tải trọng, đoàn người đi qua cầu quá đông, nhịp độ người đi (đám tang – PV) gây ra độ võng của dầm cầu quá lớn, vượt quá ngưỡng cho phép dẫn đến việc đứt ốc neo tăng đơ. Nếu độ võng tăng gấp 2,3 lần bình thường thì có thể gây ra đứt miếng ghép do tải trọng tăng thêm. Không phải ở Việt Nam mà ở một số nước cũng xảy ra sự cố này rồi, thông thường cầu treo dây võng được treo bằng hai dây cáp có kết cấu yếu”.

Nếu như thế, việc cầu sập hoàn toàn là do vượt quá trọng tải của cầu. Tuy nhiên, PGS.TS Phan Duy Pháp cho biết thêm rằng: “Quá tải là một phần nhưng do dao động cộng hưởng của bản thân dầm cầu gây ra võng (gọi là tần số dao động) cùng với người đi đông trên cầu trùng lặp nhau nên gây ra võng cầu lớn dẫn đến đứt. Sau vụ việc này địa phương cũng nên cắm biển thông báo trọng tải của cầu để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra”.

Nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc chiếc cầu treo ở Lai Châu bị sập. (ảnh Hải Sơn).
Nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc chiếc cầu treo ở Lai Châu bị sập. (ảnh Hải Sơn).

Tuy nhiên, một giảng viên ĐH Xây dựng lại không đồng tình với ý kiến do cộng hưởng, quá tải bởi thông thường nguyên tắc thiết kế cầu cũng tính đến khả năng cầu chịu trọng tải gấp 3 lần bình thường. Ở đây không giống với câu chuyện đoàn quân Napoleon đi đều bước hành quân qua một chiếc cầu, gây ra hiện tượng cộng hưởng dẫn đến sập cầu. Tai nạn xảy ra là do ốc neo bị đứt vì không thi công không đảm bảo.

Cũng đồng tình với ý kiến trên, GS.TS Nguyễn Đình Cống (Nguyên giảng viên khoa Xây dựng, ĐH Xây dựng) nói: “Tôi không tin là tải trọng quá lớn vì tuy người đưa tang trên cầu có đông hơn bình thường nhưng chưa thể vượt quá tải trọng thiết kế và khả năng xảy ra cộng hưởng là không có”.

Giải thích về điều này, GS.TS Nguyễn Đình Cống nêu rõ: “Theo thông tin từ báo chí về thông số cũng như hình ảnh chiếc cầu là “đứt dây cáp”, “đứt móc tăng đơ”. Nguyên nhân trước mắt do đứt móc là quá rõ ràng.

Tuy nhiên nguyên nhân sâu xa của việc này theo tôi chính là chất lượng kết cấu cầu không đảm bảo nên mới bị đứt khi chịu lực chưa lớn lắm như thế. Riêng con số 1,5 tấn thì có lẽ là con số được viết vào biển báo đầu cầu chứ không phải là trọng tải phân bố trên mét dài, càng không phải là tải trọng toàn bộ cầu. Tải trọng này là khá lớn so với tải trọng của đám tang. A là tải trọng cầu phải chịu và B là khả năng chịu tải của cầu. Điều kiện là kA < B ( k là hệ số an toàn).

Tải trọng 1,5 tấn có nghĩa là xe quá 1,5 tấn không được chạy qua được chứ không phải cả cây cầu dài 54 mét chỉ chịu được 1,5 tấn, 1m2 của mặt cầu ít hất phải chịu được 300kg.

Vì vậy, nguyên nhân sâu xa chính là do thi công, kỹ thuật, chất lượng công trình. Cụ thể là đơn vị thiết kế, thi công hoặc giám sát sẽ là người chịu trách nhiệm”.

Cũng rất nhiều ý kiến đưa ra tranh cãi về vấn đề này, nhưng nguyên nhân thực tế đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Được biết, hiện nay, Công an tỉnh Lai Châu đã lấy mẫu ốc neo tăng đơ và thép đứt gãy để đưa đi giám định để tìm ra nguyên nhân sập cầu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại