PGS.TS Văn Như Cương "kêu khổ" thay các sĩ tử

Kim Ngân |

(Soha.vn) - Theo PGS.TS Văn Như Cương về việc thay đổi phương án thi Tốt nghiệp THPT 2014 của Bộ GD&ĐT sẽ khiến sĩ tử căng thẳng và khổ.

Giảm số môn nhưng không giảm được áp lực thi cử

Theo công bố mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) về phương án thi Tốt nghiệp THPT 2014, số môn thi từ 6 môn giảm xuống còn 4 môn (trong đó có 2 môn bắt buộc: Toán, Ngữ Văn; 2 môn tự chọn trong số Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ).

Và để giảm áp lực thi cử cho thí sinh, một lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã trả lời báo chí rằng sẽ sắp xếp lịch thi, môn thi cân đối đan xen giữa môn tự nhiên và xã hội.

Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT về lịch thi: Sáng 2/6: Văn và Hóa. Chiều 2/6: Lí và Sử. Sáng 3/6: Toán và Ngoại ngữ. Chiều 3/6: Sinh và Địa.

Về việc này, PGS.TS Văn Như Cương lập tức phản ứng bày tỏ ý kiến của mình cho rằng làm khổ sĩ tử trên trang facebook cá nhân, ông nêu: “Căng thẳng quá, để đạt mục đích thi 2 ngày chứ không phải 3 ngày mà người ta làm khổ học sinh như vậy đó. Hỡi các ngài vạch kế hoạch trong phòng lạnh, xin nhớ rằng ngày 2/6 trời nóng lắm đấy”. 

Trao đổi việc này với chúng tôi, PGS.TS giải thích cụ thể: “Tôi lấy thí dụ ngày 2/6 thi môn Ngữ Văn đối với em theo khối A sẽ chọn Hóa, Lý để thi tốt nghiệp. 7 giờ các em sẽ mặt tại trường thi, vào phòng thi. 7 giờ 30 phút làm bài thi Văn và 10 giờ nộp bài. 11 giờ 15 thi môn Hóa. 12 giờ 15 nộp bài thi Hóa. 12h30 phút: thời gian nghỉ. Chiều 2/6 trở lại trường để thi môn Lý, vậy không biết phải đến trường lúc mấy giờ? Như vậy có những em phải thi 3 môn một ngày, thậm chí là 4 môn?”.

PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh dự đoán tỷ lệ tốt nghiệp 2014.
PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh dự đoán tỷ lệ tốt nghiệp 2014.

PGS.TS đặt câu hỏi: “Phụ huynh, học sinh ăn ở đâu, nghỉ ở đâu? Thời gian quá gấp gáp, chuẩn bị 75 phút từ ca này sang ca kia. Có khổ không, căng thẳng không? Không hiểu sao người ta bố trí như thế? Quyền lợi học sinh là chủ yếu, phục vụ học sinh chứ không phải làm 2 ngày để cho đẹp, gọn, không biết có tiết kiệm được không, nhưng làm khổ học sinh”.

Về việc bố trí lịch thi như vậy, theo PGS.TS Văn Như Cương (hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh) cho biết, việc khó khăn cho Hội đồng thi tùy thuộc vào hội đồng đó. Như mọi năm, ghép 3 - 4 trường thành 1 hội đồng.

Trường THPT Lương Thế Vinh có khoảng 600 học sinh, ghép với các trường như vậy sẽ có khoảng hơn 1.500 học sinh thi tại trường. Như vậy, Hội đồng thi vất vả và lộn xộn là khó tránh khỏi và giáo viên chỉ làm việc 2 ngày (trước kia là 4 ngày), nhưng sẽ phải thêm giờ.

Phản biện lời của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống về việc học sinh đi học 5 tiết một ngày còn được, thi 3 - 4 môn không vấn đề gì, PGS.TS Văn Như Cương khẳng định: “Tôi thấy thực sự khó hiểu, giữa thi với học trên lớp phải khác chứ về tâm lý học sinh, đề thi…Tại sao lại so sánh như thế? Theo tôi chuyển thành 2,5 ngày là hợp lý. Ngày đầu thi 2 môn bắt buộc là Toán và Văn, những buổi sau thi môn tự chọn là xong”.

Dự đoán tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 99,9%

Về việc giảm số môn thi theo PGS.TS Văn Như Cương dự đoán rằng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2014 là 100%, chính xác hơn là 99,9% …

Ông giải thích như sau: “Năm ngoái thi 6 môn bắt buộc (ba môn cố định, ba môn biết trước 2 tháng), năm nay chỉ thi 4 môn, trong đó hai môn bắt buộc, hai môn tự chọn tùy thích trong 6 môn còn lại.

Như vậy năm nay “dễ ăn” hơn năm trước nhiều. Nếu năm trước đỗ 98% thì năm nay chí ít cũng phải là 99% (thêm 1% là thừa sức).

Không chỉ có thế, mà điều sau đây mới là quan trọng: Năm ngoái, nếu trung bình một môn thi dưới 5 điểm (4,9 chẳng hạn) thì chắc chắn trượt, không có cách gì cứu. Năm nay thì không phải thế, vì có một cái “phao cứu” to đùng: đó là điểm tổng kết lớp 12.

Hãy xem công thức để xác định điểm tốt nghiệp: lấy điểm trung bình môn thi cộng với điểm tổng kết cuối năm lớp 12, rồi chia cho 2. Vậy là nếu em A chỉ được trung bình môn thi là 4 điểm, nhưng điểm lớp 12 là 6 thì vẫn tốt nghiệp đàng hoàng, vì (4+6):2 = 5. Cần phải biết rằng kiếm điểm 6 của lớp 12 là chuyện dễ ợt…

Nếu đỗ với tỷ lệ như thế thì thi làm gì? Tại sao phải làm ra một cái sàng để sàng lọc mà tất cả các hạt gạo đều chui xuống hết. Vậy làm cái sàng đó để làm gì”.

Việc thay đổi thi cử lần này được coi là đột phá trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, tuy nhiên theo PGS.TS lại cho rằng, việc thay đổi này chỉ đạt mục tiêu giảm áp lực và gánh nặng cho học sinh, nhưng thực ra sau sắp xếp môn thi thì vẫn căng thẳng như thường.

“Nói đổi mới thi cử đột phá thì đột phá được cái gì? Thay đổi việc học chăng? Chương trình chăng? Chất lượng học sinh chăng? Thi cử bao giờ cũng là khâu cuối cùng kiểm định chất lượng. Thay đổi hình thức là giảm áp lực cho học sinh, chứ có phản ánh chính xác năng lực của học sinh không? Chương trình có hợp lý không?”, PGS.TS Văn Như Cương nói thêm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại