Xuống cấp trầm trọng
Năm 2010, Trung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) có thông báo gửi UBND tỉnh Quảng Bình và các ngành chức năng thông báo về thời hạn sử dụng của các công trình cầu treo do Dự án ICCO tài trợ ở tỉnh Quảng Bình. Thế nhưng đến nay, hầu hết những chiếc cầu treo được thông báo hết hạn sử dụng đó, chẳng có chiếc cầu nào được “nghỉ” cả.
Cầu treo xã Liên Trạch (Bố Trạch) do Dự án ICCO tài trợ được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã kết nối người dân đôi bờ sông Son từ năm 1998.
Theo thông báo, chiếc cầu này đã hết hạn sự dụng cách đây 3 năm, nhưng đến tháng 10.2013 nay nó vẫn được khai thác cho hơn 3.000 hộ dân của xã đi lại. Cơn bão số 10 năm 2013 đã làm sập cầu treo này nên hiện nay nó đã chính thức không thể sử dụng được nữa, người dân phải đi lại bằng đò.
Xã Hóa Thanh (Minh Hóa) có bốn thôn, nhưng hai thôn là Thanh Tân và Thanh Sơn bị chia bởi Khe Ve. Gần 500 người dân sống tập trung dưới những chân núi đá vôi, muốn ra bên ngoài chỉ có con đường duy nhất là lội khe. Năm 1997, Dự án ICCO hỗ trợ cho xã làm một cầu treo trị giá 70 triệu đồng, chiều dài khoảng 50m, rộng gần 2m. Qua 15 năm sử dụng, nay cầu đã hư hỏng trầm trọng. Theo thông báo của nhà tài trợ, cầu đã hết hạn sử dụng
Hơn sáu năm nay. Sau trận bão lũ số 10 năm 2013, cầu bị nước dâng cao, cuốn đứt một số đoạn, hư hỏng nặng. Để có cầu đi lại, phục vụ đến trường của con em, cấp cứu người đau ốm, người dân nơi đây đã chặt gỗ tạp khắc phục tạm thời để đi nhưng hết sức nguy hiểm. Hôm chúng tôi đến, cầu treo xã Hóa Thanh rung lắc bần bật vẫn cõng trên lưng hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại mỗi ngày. Vì đó là con đường duy nhất để họ giao lưu với bên ngoài.
Cầu treo xã Hoá Thanh, huyện Minh Hoá xuống cấp nghiêm trọng, hết hạn sử dụng từ nhiều năm nay vẫn phải gồng mình cho 500 người dân qua lại mỗi ngày.
Sở GTVT Quảng Bình cho biết, tỉnh này hiện có 9 cầu treo dây văng thì 7 cái đã hết hạn sử dụng 5, 6 năm. Theo Sở này, trước đây Dự án ICCO tài trợ làm một số cầu treo tại các xã miền núi bị chia cắt về địa hình để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao đời sống cho người dân. Các cầu đều có khẩu độ vượt sông, suối lớn (chiều dài cầu 60-136m) và chủ yếu trên các trục giao thông độc đạo, nhiều năm không được các địa phương bảo trì và duy tu sửa chữa nên xuống cấp nhanh, là một hiểm hoạ sập cầu bất cứ lúc nào…
Vì chưa có kinh phí
Ông Trương Quang Hoà - Chủ tịch UBND xã Hoá Thanh cho biết, để xây một chiếc cầu kiên cố, hoặc một chiếc cầu treo mới thì phải cần rất nhiều kinh phí, xã không đủ sức làm.
Xã cũng đã xin sửa lại cầu treo nhưng cấp trên không đồng ý vì cầu đã hết hạn sử dụng. Thế nên, vào mùa mưa lũ, xã phải bố trí lực lượng thường xuyên trực hai đầu cầu để đưa đón người dân và học sinh qua lại. Nếu nước chảy xiết thì cấm tuyệt đối không cho người qua lại để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Mỗi năm huyện nghèo Minh Hóa bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sửa chữa các cầu treo nhưng sửa chỗ này, lại đứt gãy chỗ khác.
Lãnh đạo huyện Minh Hóa thừa nhận, đầu tư cho hệ thống cầu treo đang là bài toán khó của huyện 30a này. Huyện tiến hành khảo sát, lập phương án đề nghị tỉnh ưu tiên đầu tư thay thế một số cầu treo bằng cầu bê tông vĩnh cửu ở một số xã thực sự khó khăn, cách trở về giao thông.
Tuy nhiên, trong khi xã chờ huyện, huyện chờ tỉnh thì sự xuống cấp ngày càng thêm trầm trọng của các cầu treo ở tỉnh Quảng Bình khó chờ được mà có thể sập bất cứ lúc nào…?