Một sản phụ mắc bệnh ưa chảy máu (hemophilia) bẩm sinh, khiến chị không thể cầm được máu sau khi sinh con gái tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Giờ thì chị đã bước hẳn về phía của sự sống với sự giúp đỡ của các bác sĩ ở bệnh viện này, không chỉ về chuyên môn mà còn cả về vật chất...
Bên hành lang khoa mổ Bệnh viện Phụ sản T.Ư, mẹ, chồng và em gái bệnh nhân Nguyễn Thị Thùy (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) tay xách nách mang đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh, thỉnh thoảng lại chạy vào ngóng người thân là chị Thùy hai tay tím bầm những cục máu đông, đang nằm điều trị bên trong buồng bệnh. Chị Thùy mới sinh con gái Phương Thảo hôm 7-2, niềm vui chưa trọn khi 32 tuổi chị mới sinh con đầu lòng thì ngay sau đó là hơn nửa tháng chiến đấu với tử thần.
Chưa được bế con lần nào
Bà Nguyễn Thị Năm, mẹ chị Thùy, hơn ai hết thấu hiểu bệnh tình của con mình. Thùy mắc bệnh hemophilia bẩm sinh. “Hồi bé bố Thùy và Thùy cứ ra vào Bệnh viện Bạch Mai suốt. Vào bệnh viện được truyền máu, được chữa bệnh thì đỡ, ra viện một thời gian sau đứt tay nhẹ một chút nhưng máu cứ chảy mãi khó cầm, chẳng may bị va đập thì máu tụ tím bầm dưới da rồi lại vào viện. Đến năm 2005 bệnh đỡ hơn, Thùy vào Nam làm công nhân rồi đến năm 2013 về quê lấy chồng, hôm 7-2 cháu sinh con đầu lòng” - bà Năm kể.
Nằm trên giường bệnh, những giọt nước mắt lăn dài trên má chị Thùy khi sinh con gần một tháng nhưng chưa được bế con lần nào. Hơn 20 ngày nay, chị hết chuyển sang Viện Huyết học và truyền máu T.Ư lại chuyển về Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Chứng ưa chảy máu khiến vết khâu ở tầng sinh môn trong ca sinh của chị cứ toác mãi ra. Đặc biệt là chứng băng huyết, ngày nào cũng chảy máu, lúc nào cũng chảy máu, đến mức mỗi ngày các bác sĩ phải truyền cho chị hai đơn vị máu và sáu đơn vị tủa kèm hai ống thuốc trị bệnh ưa chảy máu mà vẫn không kịp số máu đã mất.
Đến ngày 20-2, 13 ngày sau khi chị Thùy sinh, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản T.Ư đi tư vấn Viện Huyết học và truyền máu T.Ư rồi gọi bà Năm và chồng chị Thùy vào. Bác sĩ nói giờ còn con đường là tiêm ống thuốc bù yếu tố 7A có khi bệnh sẽ đỡ hơn, nếu không thì khó cứu được bệnh nhân vì máu chảy quá nhiều. Nhưng ống thuốc giá hơn 80 triệu đồng. Cả gia đình chị Thùy lặng nhìn nhau. Cả sổ đỏ, sổ hộ nghèo... gia đình đều đã đem cầm, đi vay lấy 68 triệu đồng chữa bệnh cho chị. Từ năm 2003 đến nay, gia đình cứ cầm sổ đỏ ngân hàng suốt và giờ dù là vay theo diện hộ nghèo, mỗi tháng họ vẫn phải trả hơn 500.000 đồng lãi vay.
Thời gian chị Thùy sinh con và điều trị tại bệnh viện, dù có bảo hiểm y tế người nghèo, gia đình vẫn cùng chi trả hơn 20 triệu đồng. “Gia đình chúng tôi kiệt quệ, không còn con đường nào khác rồi, thôi đành xin cho con về. Nhưng các bác sĩ ở đấy bảo cho gia đình vay tiền, khi nào có thì trả. Rồi bác sĩ đi cùng với chồng cháu xuống Viện Huyết học và truyền máu T.Ư mua ống thuốc hơn 80 triệu đồng tiêm cho cháu. Tiêm từ ngày 21-2, đến giờ cháu đã đỡ rất nhiều” - bà Năm chia sẻ.
Chuyện của bác sĩ
ThS Nguyễn Văn Thắng (Bệnh viện Phụ sản T.Ư) chia sẻ những người bệnh hemophilia như chị Thùy rất nguy hiểm khi sinh nở. ThS Thắng nói thêm: “Mặc dù trông Thùy có vẻ tỉnh táo, nhưng chị ấy vẫn còn máu tụ rất nhiều ở ổ bụng. Nhưng đã đỡ hơn so với trước khi được tiêm ống thuốc bổ sung yếu tố 7A. Trước đây chị ấy bị tụ máu rất nhiều ở vết khâu khiến vết khâu không lành và phần cơ ở khu vực vết khâu bị mủn ra. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp bệnh nhân hemophilia, nhưng đây là trường hợp rất nặng”.
Theo ông Vũ Bá Quyết - giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, món tiền hơn 80 triệu đồng mua thuốc cho bệnh nhân Thùy là đóng góp của các bác sĩ ngay trong ca trực chiều thứ bảy 21-2 và một số nhà hảo tâm vẫn thường đến bệnh viện hỗ trợ người nghèo. “Đến ngày 21-2, bệnh nhân Thùy chuyển biến rất nặng, rất cần phải bù gấp yếu tố thiếu nhưng gia đình khó khăn quá, muốn xin cho bệnh nhân về. Lúc đó tôi đang ở Mù Căng Chải, Yên Bái đưa bác sĩ trẻ đi tình nguyện về vùng sâu. Tôi và phó giám đốc trực đã quyết định kêu gọi cán bộ y tế đóng góp và huy động các nhà hảo tâm để cứu bệnh nhân. Nếu có cơ may cứu được bệnh nhân, dù phải bỏ thêm tiền, đóng góp thêm tiền, chúng tôi vẫn sẵn sàng”- ông Quyết cho biết.
Hai năm vừa qua, dồn dập những vụ tai biến sau sinh dẫn đến tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh làm bác sĩ sản khoa phần nào “mất điểm”. “Khi hành nghề, áp lực nhất với tôi là an toàn cho người bệnh, kế đến mới là thành công, chất lượng, thẩm mỹ... Chính vì thế những thông tin về các ca tai biến cũng khiến tôi rất buồn. Ở vị trí một bác sĩ thì tôi luôn đặt yếu tố an toàn cho người bệnh lên trên hết” - ông Quyết chia sẻ.
Những ngày vừa qua của chị Thùy là những ngày khó khăn, có lúc da chị nhợt đi vì máu chảy ồ ạt, dù mỗi ngày chị vẫn được truyền đến hai đơn vị máu và sáu đơn vị tủa, dưới da hai bên cánh tay chị là những cục máu tụ lại bầm tím. Nhưng giờ chị đã bước hẳn về với sự sống, với chồng con, cha mẹ, với quê nhà Thanh Hóa. Những ngày tới của chị chắc còn vất vả nhưng sẽ rất vui, vì ông bà ta vẫn nói còn người là còn của. Cuộc đời này vẫn còn đầy bất ngờ...
Người thầy thuốc đặc biệt
Đó là cô Miki Soma, tình nguyện viên của JICA (Nhật Bản) tại khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai. Đã gần hai năm nay, Miki rất quen với việc di chuyển bằng xe buýt từ làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội tới Bệnh viện Bạch Mai. Gần hai năm trước, khi đang làm việc ở thành phố Sapporo (Hokkaido, Nhật Bản), Miki đã quyết định tham gia chương trình tình nguyện viên của JICA tại VN cùng với gần 10 điều dưỡng viên người Nhật khác.
“Điều khiến tôi vui là sự thân thiện của các đồng nghiệp VN. Người Nhật vốn ngại giao tiếp, ít nói, nhưng người VN luôn vui vẻ nói cười. Cha mẹ các bệnh nhi ở khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai rất trân trọng chúng tôi” - Miki vui vẻ chia sẻ.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, cứ nắc nỏm khen mãi về điều dưỡng viên Miki. Theo ông Dũng, Miki rất giỏi, cô luôn làm việc tích cực và là tấm gương của các đồng nghiệp VN.
Tháng 9 này Miki sẽ kết thúc ba năm tình nguyện ở VN. Ba năm làm việc ở một đất nước xa lạ, hệ thống y tế rất khác với nước Nhật, mỗi ngày Miki phải dậy từ 6g sáng để 6g30 kịp lên xe buýt và có mặt ở bệnh viện lúc 7g30. Đi làm việc tình nguyện, Miki không có lương mà chỉ được hỗ trợ thuê nhà ở và sinh hoạt phí. “Ba năm ở VN sẽ là giai đoạn đáng nhớ đối với tôi. Tôi sẽ rất nhớ em bé non tháng, khi sinh mới 25 tuần tuổi, nặng chỉ hơn 400gr vào viện năm 2013, sau hơn ba tháng ra viện bé đã nặng 2kg” - Miki nói. Và giờ này ở phòng sơ sinh, hôm nay có tám bé vàng da, sinh non, bệnh lý đang được điều trị trong lồng ấp, có một cô điều dưỡng tận tụy người Nhật Bản.