Thi tốt nghiệp 2014 chỉ còn 4 môn?

K.Ngân |

(Soha.vn) - Đa số đại diện các sở giáo dục đều đồng tình với phương án thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn và miễn thi 20%.

Ngoại ngữ nên đưa vào môn tự chọn

Theo dự thảo mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc thay đổi cách đánh giá, tổ chức thi tốt nghiệp THPT thì thí sinh chỉ thi 4 môn (thay việc thi 6 môn như trước), trong đó hai môn bắt buộc là Toán, Văn và 2 môn tự chọn gồm Lý, Hóa, Sinh, Sử. Ngoại ngữ được đưa ra là môn khuyến khích cộng điểm.

Đa số đại diện lãnh đạo sở giáo dục địa phương đều đồng tình với phương án của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng nên đưa môn Ngoại ngữ vào môn tự chọn chứ không phải môn khuyến khích.

Lý giải điều này, đại diện Sở GD&ĐT Bến Tre cho rằng, thi 4 môn để giảm áp lực thi cử cho học sinh trong thời điểm hiện nay, nhưng việc đưa Ngoại ngữ vào môn tự chọn sẽ nâng cao vị thế cho môn ngoại ngữ, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện đề án Ngoại ngữ mà Bộ GD&ĐT đã triển khai.

Đại diện từ các Sở GD&ĐT đóng góp ý kiến về dự thảo về thi tốt nghiệp THPT.
Đại diện từ các Sở GD&ĐT đóng góp ý kiến về dự thảo về thi tốt nghiệp THPT.

Đại diện Sở GD&ĐT Nam Định cũng đồng tình cho rằng, việc giảm bớt số môn từ 6 xuống 4 môn giảm tốn kém, lãng phí.

Sở GD&ĐT Quảng Nam đặt câu hỏi: “Chúng ta đã đưa môn Ngoại ngữ là môn bắt buộc và thi tốt nghiệp trong nhiều năm nay. Việc giảng dạy cũng đã bắt đầu ổn định, vậy tại sao lại đưa ngoại ngữ vào môn khuyến khích, tự chọn?”

Vị lãnh đạo này mạnh dạn đề xuất hai phương án về môn thi tốt nghiệp như sau: Thứ nhất có thể thi 4 môn trong đó môn tự chọn gồm 1 môn tự nhiên, 1 môn xã hôi. Thứ 2, môn Ngoại ngữ được đưa vào bắt buộc như Toán, Văn.

Mặt khác vài vị lãnh đạo Sở GD&ĐT khác lại cho rằng, việc đưa Ngoại ngữ vào môn tự chọn hay khuyến khích sẽ gây thiệt thòi cho nhiều thí sinh một số trường theo học tiếng anh 7 năm, dễ dẫn đến học lệch tủ, thiên về các môn tự nhiên hơn.

“Chưa kể điều đó sẽ gây khó khăn hơn cho các cơ sở tổ chức thi tốt nghiệp từ việc sao in đề, tổ chức phòng thi…Chúng tôi căng thẳng vô cùng đặc biệt là một số các tỉnh, thành phố có số lượng học sinh thi rất đông. Học sinh tự chọn môn thi, một ngày hai ca thi các môn khác nhau, nhầm lẫn là điều khó tránh khỏi”, một vị đại biểu cho biết.

Miễn thi 20%: Bộ GD&ĐT xác định tiêu chí “cứng” cho các Sở

Về phương án miễn thi tốt nghiệp 20%, nhiều Sở GD&ĐT cho rằng đó là hợp lý nhưng không thể áp dụng chung cho tất cả các trường trong toàn quốc vì sự chênh nhau về chất lượng học sinh.

Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum nhấn mạnh, nếu miễn thi 20% không làm chặt chẽ có thể dẫn đến tiêu cực, bệnh thành tích về điểm thi trong các trường THPT, các Sở giáo dục.

Vì vậy, vị lãnh đạo này đề xuất: “Phải căn cứ vào tỷ lệ trung bình học sinh tốt nghiệp khá giỏi trong 3 năm của trường đó để giảm xuống tỷ lệ tương ứng. Và thành lập hội đồng xét điểm của tỉnh chứ không phải của trường”.

Còn theo ý kiến của nhiều lãnh đạo sở giáo dục thì Bộ GD&ĐT cần cân nhắc tiêu chuẩn cho đối tượng được miễn thi ví dụ như học lực giỏi, hạnh kiểm tốt, có thành tích thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố…

Việc không đưa môn Ngoại ngữ vào môn thi tốt nghiệp bắt buộc và miễn thi tốt nghiệp 20% đang là vấn đề gây tranh cãi.
Việc không đưa môn Ngoại ngữ vào môn thi tốt nghiệp bắt buộc và miễn thi tốt nghiệp 20% đang là vấn đề gây tranh cãi.

Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Quảng Nam lại không đồng tình với phương án miễn thi tốt nghiệp 20%. Bởi theo ông, mất quá nhiều thời gian để tổ chức hội đồng xét miễn thi, gây mâu thuẫn giữa các tỉnh, các vùng trong tỉnh, giữa các trường công – tư.

Hơn nữa, việc xét tuyển sẽ gây ra khó khăn cho các trường, Sở GD&ĐT trong việc xét đối tượng miễn thi nếu giữ nguyên lịch thi tốt nghiệp là ngày 2,3,4 tháng 6 trong khi cuối tháng 4 các trường mới có kết quả thi học kỳ 2.

Đại diện Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế nêu ý kiến: “Bộ GD&ĐT không nên quy chế hóa điều này, có thể có miễn thi nhưng Bộ nên đưa vào khung cứng để  “sàng” những học sinh xuất sắc, giao cho Sở địa phương tiếp tục siết chặt chất lượng đánh giá”.

“Việc miễn thi rất phức tạp, nếu giao cho từng trường dễ phát sinh tiêu cực. Vì vậy Bộ GD&ĐT nên ấn định tỷ lệ miễn thi cụ thể cho từng tỉnh, ví dụ Hà Nội, TP HCM là 30-40%”, một đại biểu khác lại đề xuất.

Có thể nói, việc thay đổi môn thi, cách đánh giá thi cử tốt nghiệp THPT trong  dự thảo mới lần này của Bộ GD&ĐT đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận về bước ngoặt trong việc nâng cao chất lượng dạy và học trong nhiều năm nay, đẩy mạnh sự phát triển giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, sự mạnh dạn thay đổi này của Bộ GD&ĐT cần triển khai nhanh, công bố sớm để học sinh, các bậc phụ huynh chuẩn bị trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 sắp tới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại