Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là sai lầm

Thiên Di |

(Soha.vn) - “Miễn thi cho 20% học sinh, tiết kiệm được 20% chi phí nhưng tạo tiêu cực, kiện cáo trong ngành giáo dục và không khuyến khích học tập".

Tiêu cực sẽ xảy ra nhiều hơn?

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) công bố dự thảo "Phương án thi và công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông". Trong đó đề xuất thay đổi số lượng môn thi tốt nghiệp, cách đánh giá xếp loại tốt nghiệp và đề xuất 20% miễn thi tốt nghiệp THCS đối với mỗi sở giáo dục gây xôn xao dư luận.

Trao đổi với chúng tôi, PGS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, dự thảo "Phương án thi và công nhận tốt nghiệp" của Bộ GD&ĐT được đưa ra là đáng hoan nghênh bởi những người đứng đầu ngành giáo dục đã tiếp thu và có sự thay đổi ít nhiều.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bàn về dự thảo phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bàn về dự thảo phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, một vài sự thay đổi theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ lại chưa thực sự hợp lý. Cụ thể, việc đưa ra hai phương án thay đổi số môn thi tốt nghiệp.

Phương án 1: thí sinh thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn; 2 môn tự chọn là vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử. Môn ngoại ngữ là môn khuyến khích thi cộng điểm vào kết quả tốt nghiệp.

Phương án 2: thí sinh thi 5 môn gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ; 2 môn tự chọn là vật lý, hóa học, sinh học, địa lý và lịch sử.

Về điều này, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, ông đồng thuận với việc giảm bớt số môn thi tốt nghiệp, tuy nhiên cần phải cho môn ngoại ngữ là môn bắt buộc chứ không coi là môn khuyến khích.

“Nếu không đưa ngoại ngữ là môn bắt buộc thì làm sao có hội nhập. Học sinh có tâm lý môn học không thi là coi thường, lơ là không học. Tôi cho rằng ngoại ngữ, lịch sử là môn bắt buộc. Vài năm gần đây việc không học sử bị lên án nhiều. Không biết rõ sử Việt Nam thì sao có niềm tự hào được”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Ngoài ra, cách đánh giá thi hiện nay cũng cần phải cải tiến, đó là nhìn nhận thí sinh trong cả quá trình 3 năm học phổ thông, có thể chiếm 40-50% số điểm tốt nghiệp.

Cũng theo dự thảo, điểm trung bình cả năm lớp 12 sẽ được cộng với điểm trung bình các bài thi để đánh giá và xét tốt nghiệp THPT.

Còn về đề xuất miễn 20% số học sinh thi tốt nghiệp của mỗi Sở giáo dục, theo đánh giá của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ thì không nên.

Ông giải thích: “Trong lịch sử của Bộ GD&ĐT cho học sinh miễn thi tốt nghiệp ở mức độ phần trăm khác nhau. So với cách quản lý hiện nay theo tôi là không nên như vậy, chỉ nên miễn thi cho những đối tượng thi quốc tế, đoạt giải cao quốc gia. Tiết kiệm 20% của Bộ GD&ĐT, bù lại sẽ xảy ra tiêu cực, kiện cáo. Thà rằng, mình có chế độ ưu tiên đối với học sinh đỗ điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp”.

Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là sai lầm?

Thực tế, những năm gần đây tỷ lệ tốt nghiệp THPT tại một số tỉnh lên đến hơn 90%. Điều này khiến nhiều người lo ngại, hoài nghi về chất lượng học có vấn đề, thực lực của học sinh chưa được đánh giá đúng?

Giả thuyết đặt ra khi miễn thi cho 20%, vậy các sở giáo dục địa phương còn chạy theo thành tích dẫn đến tiêu cực hay không. Trả lời về nghi vấn này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Không coi trọng kỳ thi tốt nghiệp THPT là sai lầm. 12 năm trời, chúng ta sẽ đánh giá như thế nào? Bộ GD đang coi trọng kỳ thi đại học, kỳ thi tốt nghiệp chưa được đánh giá nghiêm túc”.

Thay đổi môn thi tốt nghiệp, cách đánh giá thi tốt nghiệp sẽ làm xáo trộn tâm lý học sinh?
Thay đổi môn thi tốt nghiệp, cách đánh giá thi tốt nghiệp sẽ làm xáo trộn tâm lý học sinh?

Giải thích thêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT phải nghiêm túc và tiến tới bỏ kỳ thi đại học để tránh tốn kém tiền của, sức lực của người dân.

Muốn làm được cần nghiêm túc ở khâu ra đề thi, tổ chức thi nghiêm ngặt, chống gian lận…“Hai kỳ thi xảy ra trong một tháng gây mệt mỏi cho học sinh, tốn kém cho xã hội. Tôi dự tính sơ qua, nếu bỏ một kỳ thi có thể tiết kiệm được hơn 1000 tỷ đồng. Năm 2014, Bộ GD&ĐT đã bắt đầu cho các trường đại học, cao đẳng tự chủ tuyển sinh, tiến tới sẽ bỏ “ba chung”, “điểm sàn””, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Đưa ra đánh giá chung về dự thảo này, PGS Nhĩ nói thêm: “Thi cử rất quan trọng, là động lực cho học sinh, tạo điều kiện cho học sinh đánh giá năng lực. Đổi mới thi cử là cần thiết, tuy nhiên dự thảo chưa đáp ứng được yêu cầu của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Sự thay đổi thi cử cần có thời gian để chuẩn bị. Nếu làm ngay trong năm 2014, những người lãnh đạo Bộ GD&ĐT cần dốc toàn lực, quyết tâm làm nghiêm túc”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại