Như thông tin chúng tôi đã đưa trước đó, chỉ với mấy chiếc ghế nhựa, mấy viên gạch kê tạm làm chỗ cho khách ngồi ở đoạn đường nằm trên địa bàn xã Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội) cùng vài đầu sách tử vi đặt trong túi nilon, bà Khương Thị Được (76 tuổi) đã biến khu đất trống ấy thành nơi “thánh ngự giá” cho bà ăn lộc.
Thế nhưng câu chuyện “ăn lộc” và “xem một quẻ bói” của bà Được lại không che nổi mắt trần. Bởi vậy, mới có câu chuyện của ông Bình, một người dân xã Trung Văn, bức xúc khi nói về công việc được coi là “cần câu cơm” của bà Được: “Tôi không tin những gì bà ấy nói. Nhưng không hiểu sao bà ấy đã “tồn tại” được hơn 3 năm bằng cái nghề này rồi. Nếu cứ để bà Được sớm tối hành nghề này, tôi tin sẽ mang lại những điều bất cập. Giữa Thủ đô văn minh lại xuất hiện hình ảnh “nhếch nhác” này, tôi rất buồn vì không chỉ ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị mà còn cả an ninh trật tự đường phố”.
Bà Được hành nghề trong căn phòng nhếch nhác, bừa bộn.
Từng chứng kiến không ít người bước vào nơi “thánh ngự giá” của bà Được với nét mặt hồ hởi nhưng khi bước ra lại đầy những bồn chồn, lo lắng trên gương mặt, ông Bình nói thêm: “Với những lời nói không có căn cứ, không có trách nhiệm, bà Được đã vô tình gieo vào tâm trí giới trẻ nói riêng và người dân nói chung những thông tin sai lệch, thiếu niềm tin vào cuộc sống”.
Còn với ông C., một người hành nghề xe ôm đã quá quen thuộc với lịch trình của bà Được, thậm chí có lúc đưa đón bà từ khu trọ ra nơi “thánh ngự giá” cũng lên tiếng: “Hoàn cảnh của bà Được không “nhếch nhác” như bề ngoài của bà hay câu chuyện bà vẫn kể đâu. Con cái bà có nếp, có tẻ, cháu chắt đầy nhà, nghe đâu còn có đất ở Sóc Sơn. Đáng lẽ ở cái tuổi này bà nên ở nhà an dưỡng tuổi già”.
Trước rất nhiều thông tin tìm hiểu được, chúng tôi đã có buổi trao đổi với chính quyền xã Trung Văn về hoạt động tuyên tuyền mê tín dị đoan của người phụ nữ này.
Ông Đào Đăng Đông, Phó trưởng Công an xã Trung Văn cho biết, công an xã không nắm được gia cảnh thực tế của bà Được, những gì họ biết là qua lời kể của bà. Bà Được cũng chưa đăng kí tạm trú tại địa phương.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại bà Được đang thuê trọ tại xóm 19, thôn Trung văn, xã Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nôi). Trong phòng trọ ấy, bà sống cùng người con trai cả tên là Trần Mạnh Hùng. Anh Hùng đã bỏ vợ gần chục năm nay. Ngoài anh Hùng, bà Được còn có một người con trai tên là Trần Mạnh Cường ở Sơn Tây. Hiện anh Cường là cán bộ dạy lái xe ô tô ở Thường Tín, Hà Nội. Người con gái duy nhất của bà tên Thảo thì đang sống ở Bắc Giang.
Về việc để bà Được hành nghề mê tín dị đoan trong thời gian dài tại địa bàn xã, ông Đông nhận khuyết điểm: “Đã nhiều lần chúng tôi ra thu dẹp đồ đạc của bà Được nhưng sau vài ngày lại thấy bà ấy quay lại hành nghề. Thấy bà Được trình bày hoàn cảnh khó khăn, vừa phải nuôi đứa con nghiện rượu, bản thân cũng bị tật ở tay, tuổi đã già, không thể tìm một công việc khác… nên phía công an xã cũng không gây khó dễ cho bà ấy nữa”.
Ông Đông cho biết thêm: "Việc bà Được dựng lều để xem bói, chúng tôi biết nhưng tôi thấy cũng chỉ để che nắng, che mưa nên thông cảm cho bà ấy. Trước kia, bà Được ngồi ở dưới gốc cây xà cừ phía đối diện với nơi bà đang ngồi hiện nay. Trước mắt, công an xã sẽ dẹp bỏ nơi hành nghề của bà Được.
Chúng tôi cũng xin ý kiến chỉ đạo của UBND xã, các cấp ban nghành ở địa phương để có biện pháp phối hợp với các con của bà Được đưa mẹ về nuôi dưỡng, không thì sẽ đề xuất chuyển bà ấy vào viện dưỡng lão”.