Từ vụ ông Truyền: "Bổ nhiệm cán bộ sai có thể bị xử lý hình sự"

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Theo LS Bình, nếu người ký quyết định bổ nhiệm cán bộ đã nhận tiền để bổ nhiệm sai quy định thì có dấu hiệu của hành vi nhận hối lộ và có thể bị xử lý hình sự...

Bài 1: Ông Trần Văn Truyền lên tiếng vụ có nhiều biệt thự "khủng"

Bài 2: Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre nói về biệt thự của ông Trần Văn Truyền

Bài 3: TBT Kim Quốc Hoa: "Đủ cơ sở đưa tin về biệt thự của ông Truyền"

Bài 4: Cận cảnh biệt thự gây choáng ngợp của ông Truyền tại Bến Tre

Bài 5: Dinh thự "khủng" của ông Trần Văn truyền qua lời kể của hàng xóm

Bài 6: Ông Truyền được "em kết nghĩa" biếu tiền xây biệt thự "khủng"

Bài 7: Biệt thự ông Truyền và ngôi nhà 51m2 của Chủ tịch Trương Tấn Sang

Bài 8: Phó Ban Nội chính TƯ: Vụ ông Truyền không phải nhiệm vụ của Ban

Theo thông tin trên báo Người Cao Tuổi, trước khi nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ đã kí ồ ạt bổ nhiệm hàng loạt cán bộ, rất nhiều người không nằm trong quy hoạch, hoặc non kém về năng lực phẩm chất.

Việc bổ nhiệm này diễn ra dồn dập, nhất là vào tháng 7 và đầu tháng 8/2011, khi ông Truyền đã chỉ đạo cho Vụ tổ chức cán bộ phải bò ra làm để ký bổ nhiệm hàng loạt cán bộ vào chức danh cấp phó và tương đương.

Từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011 ông Trần Văn Truyền kí quyết định bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ (và tương đương) tại cơ quan Thanh tra Chính phủ, chỉ trong 2 ngày (1/8 và 3/8) kí bổ nhiệm 26 người, riêng ngày 3/8/2011 kí bổ nhiệm 22 người. Điều này dẫn đến nhiều đơn vị có tới 4 - 7 cấp phó, trái với Nghị định 178/2007 của Chính phủ.

Không những vậy, theo báo Người Cao Tuổi thì, do việc bổ nhiệm diễn ra trong bối cảnh có nhiều người không có trong diện quy hoạch. Khi nhận ra không có trong diện quy hoạch mà vẫn bổ nhiệm thì ngày 3/8/2011 là ngày kết thúc vai trò Tổng thanh tra Chính phủ của ông Truyền tại Quốc hội và ông Huỳnh Phong Tranh đã làm Tổng thanh tra rồi nhưng ông Truyền vẫn ký bổ nhiệm và còn tự ý kí văn bản bổ sung quy hoạch...

Từ thông tin trên, nhiều độc giả của báo điện tử Trí Thức Trẻ đã bày tỏ sự thắc mắc về hành vi bổ nhiệm cán bộ sai sẽ phải chịu hình phạt nào từ pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, quy trình bổ nhiệm cán bộ phải phù hợp với quy hoạch cán bộ đã được cấp trên phê duyệt và các cán bộ được bổ nhiệm phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện...

Luật sư Trương Quốc Hòe.
Luật sư Trương Quốc Hòe.

"Theo Luật cán bộ công chức và Luật viên chức, cũng như các quy định của pháp luật về quy trình bổ nhiệm cán bộ thì trước khi bổ nhiệm phải có nguồn cán bộ và phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị theo quy hoạch, kế hoạch về công tác cán bộ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục quy định.

Cán bộ được bổ nhiệm phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định và phải được tổ chức giới thiệu, nằm trong diện quy hoạch, kế hoạch bổ nhiệm đã được cấp trên phê duyệt.

Trong trường hợp người có quyền bổ nhiệm tiến hành bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình như vậy thì không có gì sai. Nhưng nếu cán bộ được bổ nhiệm đó lại chưa đủ điều kiện hoặc là không được tổ chức giới thiệu, không nằm trong diện quy hoạch, kế hoạch... mà người có quyền bổ nhiệm vẫn tiến hành bổ nhiệm thì là sai quy trình.

Những người được bổ nhiệm sai quy trình đó đương nhiên không phù hợp với Luật cán bộ công chức và Luật viên chức, cũng như các quy định của pháp luật về quy trình bổ nhiệm. Chính vì thế, người nhận quyết định bổ nhiệm sai đó sẽ phải bị xem xét lại.

Và tùy trong từng trường hợp, khi người kế nhiệm người có quyền bổ nhiệm trước đó cần xem xét, thanh tra lại xem quyết định bổ nhiệm cán bộ đó có đúng hay không, nếu như quyết định bổ nhiệm đó sai thì người người có quyền bổ nhiệm có thể hủy quyết định bổ nhiệm trước đó đối với cán bộ này...", Luật sư Hòe cho hay.

Cũng theo Luật sư Hòe, thực tế, trong các quy định của Luật cán bộ công chức và Luật viên chức, cũng như các quy định của pháp luật về quy trình bổ nhiệm cán bộ chưa có chế tài cụ thể xử lý đối với người có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ nhưng bổ nhiệm sai, không đúng quy trình.

"Hiện nay, pháp luật đang nghiên cứu và xây dựng chế tài xử lý đối với cán bộ có thẩm quyền bổ nhiệm nhưng bổ nhiệm cán bộ không đúng thẩm quyền, sai... ", Luật sư Hòe nói.

Trong khi đó, theo Luật sư Trịnh Cẩm Bình, Giám đốc Công ty Luật Biển Đông (Đoàn luật sư Hà Nội), nếu có trường hợp bổ nhiệm không đúng quy trình, người được bổ nhiệm không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định mà vẫn được bổ nhiệm thì cần xem xét việc thiếu sót đó do nguyên nhân khách quan hay lỗi chủ quan của người đứng đầu đơn vị để xác định trách nhiệm và hình thức xử lý phù hợp quy định pháp luật.

"Nếu người ký quyết định bổ nhiệm đã nhận tiền để bổ nhiệm sai quy định thì có dấu hiệu của hành vi nhận hối lộ và có thể bị xử phạt về hành vi này theo Điều 279 Bộ luật hình sự.

Trường hợp người ký quyết định bổ nhiệm không có hành vi nhận tiền mà chỉ bổ nhiệm sai quy trình do thiếu kiểm tra, giám sát, do không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu nên đã thiếu sót trong việc bổ nhiệm công chức thì có thể xử lý kỷ luật với các hình thức như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, hoặc buộc thôi việc về hành vi vi phạm quy định luật cán bộ, công chức.

Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng từ việc bổ nhiệm công chức sai quy định có thể bị xử lý về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 BLHS.

Đối với những người được bổ nhiệm không đúng thì cần xem xét cụ thể việc nhiệm sai ở quy trình nào.

Nếu người được bổ nhiệm sử dụng giấy tờ giả mạo để được bổ nhiệm thì tùy từng trường hợp có thể bị xử lý kỷ luật cách chức hoặc buộc thôi việc về hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm hoặc bị xử lý về hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức theo Điều 267 BLHS.

Trường hợp người được bổ nhiệm không đúng quy trình nhưng không sử dụng giấy tờ giả thì có thể bị xử lý luật giáng chức, cách chức, hoặc buộc thôi việc vì vi phạm quy định liên quan đến công chức", Luật sư Bình bày tỏ.

Luật sư Bình cũng cho hay, hiện nay, trong các quy định của Luật không có điều nào bắt buộc các cơ quan có thẩm quyền phải đăng tải công khai các quyết định bổ nhiệm đối với cán bộ của mình quản lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 279. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:

a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại