Kỳ bí và thổn thức với mùa cúng bản - gạ ma thú!

Có lẽ, đã đến lúc giới ưa xê dịch, ưa chữ nghĩa chúng tôi phải sớm lập một cái hội những người yêu cuộc sông biên tái, rừng già, hồn nhiên, diễm tình của người Hà Nhì.

Kỳ bí và thổn thức với mùa cúng bản - gạ ma thú!
Dương vật được đẽo bằng gỗ cùng dòng tinh khí dồi dào...

Bởi lượng “tín đồ” của ngã ba biên giới A Pa Chải (thuộc tỉnh Điện Biên, giáp 3 nước Việt -Trung Quốc và Lào) ngày càng đông đúc. Cả nước Việt Nam chỉ 3 tỉnh có một chút nhỏ bé các bản làng gồm hơn vạn người Hà Nhì sinh sống.

Người Hà Nhì Đen ở Y Tý (Lào Cai) đã đẹp, nhưng người Hà Nhì Hoa ở Điện Biên và Lai Châu còn quyến rũ hơn. Mùa cúng bản năm 2013, dọc đường bôn tẩu, tôi đã trở lại miền Hà Nhì dọc biên cương Mường Tè của Lai Châu, đi vắt thông sang điệp trùng núi non của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, để rồi, vô tình lạc vào mùa cúng bản kỳ bí ngẩn ngơ (tiếng Hà Nhì gọi là lễ Gạ Ma Thú).

Cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch. Đi dọc biên ải Pa Ủ, Pa Vệ Sủ, thăm bà con La Hủ vừa từ rừng già sống kiếp “Dân Lá Vàng” được gọi về định cư ở bản Hà Si - Pa Ủ, ngược nơi con sông Đà chảy vào Việt Nam với Ka Lăng - Thu Lũm, vắt bánh xe phiêu bồng của mình qua xã Mù Cả tận cùng hoang vu. Ít ai ngờ rằng, giờ đây người ta vừa phá tuyến làm đường mới giáp biên nối Pa Tần với Mường Tè, ôtô đi được trên đá hộc rải tít lưng trời.

Rồi cầu vượt sông Đà ở Pác Ma luồn trong sương mờ, đi mãi qua Mù Cả, qua Xi Nế, Gò Cứ rồi về mạn xã Leng Su Sìn của Mường Nhé. Sín Thầu mến thương. Tôi đến thắp nhang cho pho sử sống của núi rừng Ngã ba biên giới - ông Pờ Sỹ Tài vừa mới mất chắc cũng tròm trèm một năm. Tiếng khóc rền vang, tôi đã khóc như khóc chính người thân thiết của mình vừa rời cõi tạm vậy.

Pa (bố) Sỹ Tài đã làm lễ đặt tên tiếng Hà Nhì cho tôi 10 năm trước, bấy giờ phải đi bộ 7 ngày mới vào đến Tả Kho Khừ, nhiều bức ảnh tôi gửi bà con làm kỷ niệm, giờ vẫn gài trên mái gianh đầu chái...


	Những bức tượng đất bà con nặn.

Những bức tượng đất bà con nặn.

Ra khỏi bản, ai nấy sững sờ trước những gì còn lại của mùa cấm bản, cúng bản 2013 vừa đi qua. Ở mạn bản Gò Cứ, qua Leng Su Sìn, vòng sang A Pa Chải, Tá Miếu, chỗ nào cũng thấy “văn hóa cấm bản” trưng ra đầy ngỡ ngàng.

Vẫn biết bà con theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, họ cúng thần sấm sét, thần sấm, thần rừng núi, cúng cả thần lông mi lông mày, cúng hòn đá bờ suối hay cái bậu cửa, rồi góc cái mó nước rêu phong cũng cúng. Thế nhưng, vẫn cứ phải giật mình trước các quan niệm hồn nhiên của người Hà Nhì trong lễ Gạ Ma Thú nghiêng rừng nghiêng núi. Dòng chảy văn hóa, tâm linh, những mạch nguồn nghi lễ ẩn tàng giữa non cao vẫn vẹn nguyên đây đó. Nó làm ta thổn thức.

Bà con treo đủ lựu đạn, súng, gươm, cung nỏ, các hình hài đáng sợ nhất ra để dọa con ma, dọa kẻ ác, không cho nó vào quấy phá bản làng thân yêu. Hồi sau chiến tranh biên giới, họ còn treo cả lựu đạn, mảnh bom cũ lên các khung cổng làm bằng tre gỗ (thường là cây gỗ gạo tươi có gai tua tủa dựng thành cổng chào) để “cấm bản”.

Đơn giản, sau lễ cúng “thanh khiết” rồi, cấm không cho ai tự tiện vào ra, để bản làng được bảo vệ khỏi tà ma, khỏi thiên tai, thú dữ, địch họa. Ai đã vào thì phải (được) miệt mài 3 ngày vui vẻ không được ra, ai đã ra mà muốn quay trở vào thì cứ ở ngoài 3 ngày liền mà chờ đợi.

Để ngăn điều xấu, điều dữ, bà con Hà Nhì nghĩ cách  treo cung kiếm, giáo mác, súng ống lựu đạn, đầu súc vật gớm ghiếc, các vòng tre đan hình “quái quỷ” kỳ bí lên các phom cổng mới dựng bằng gỗ tươi, phủ lá tươi, dây rừng tươi. Bà con tự nghĩ: Treo cái đáng sợ ấy lên, thì ma tà và điều gở sẽ sợ không dám vào bản. Ai phá lệ, sẽ phải làm lý (phạt) để cúng tiếp tục cầu may, gạt bỏ điều buồn gở.

Đi qua bao “súng đạn” bằng gỗ, lúc đến địa phận bản Gò Cứ, xã Mù Cả, chúng tôi ngỡ ngàng bắt gặp những sọt đất đá có nặn hình người nam người nữ bằng đất, rồi những cái dương vật to lừng lững (so với hình người được nặn), có chỗ họ còn để dương vật thúc vào bụng dưới bức tượng người nữ đất đen thui vừa mới nặn.

Có chỗ, dương vật còn dùi lỗ ở đầu, cắm cái que dài cong từ “phần đầu” bay ra đường, ai xem cũng hiểu là người Hà Nhì nào đó đang muốn diễn tả cảnh “tinh binh” đang phun ra thành dòng…

Không có bàn tay nghệ nhân, cũng không thuyết giảng hay trình diễn gì cả. Bà con cứ hồn nhiên thể hiện xúc cảm, mong ước và niềm tin tâm linh của mình trong các góc rừng Gạ Ma Thú. Một cuộc sống hoang sơ, những nét son văn hóa sặc sỡ đó, thật đáng để người ta thổn thức và tôn vinh...

“Cung, nỏ, dao, kiếm, lựu đạn, súng trường, các nan tre đan bùa chú… được treo đầy các phom cổng dọc hệ thống bản Gò Cứ, Leng Su Sìn, Tả Kho Khừ, Tá Miếu, A Pa Chải…”.
Chúng tôi liên tục đi qua các khu cổng trang trí, treo lá rừng, dây rừng và nhiều “linh vật” thô mộc, hồn nhiên khác của lễ Gạ Ma Thú. Họ làm “lý” như vậy cả với những khu vực đã có đường nhựa cho ôtô qua!
Bà con tìm một cây gỗ cứng, có gai đầy đe dọa để dựng đầu bản ngăn ma tà, treo các “hiện vật” giúp bảo vệ bản làng. Thường thì cây đó là cây gạo gai. Đó là lý do để đầu bản Hà Nhì bao đời nay thường gắn bó với hình ảnh cây gạo. Trong ảnh là cây gạo khổng lồ đầu bản Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại